Theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương Phạm Văn Tuyên, tính đến ngày 20/7, qua xác nhận hỗ trợ người lao động đang làm việc tại hơn 4.000 doanh nghiệp, đơn vị, mới có trên 312.000 lao động thuộc diện được giải ngân (đạt 46% kế hoạch).
Tuy nhiên, mới có hơn 45.000 lao động được nhận hỗ trợ với số tiền gần 23 tỷ đồng trong tổng số tiền hơn 1.300 tỷ đồng gói ngân sách hỗ trợ nêu trên.
Đến nay, hàng ngàn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổng hợp đơn đề nghị hỗ trợ của người lao động và lập hồ sơ gửi về cơ quan chức năng địa phương để thực hiện bước xác nhận, phê duyệt.
Cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương đã xác nhận cho hơn 312.000 lao động thuộc diện được giải ngân. Tuy nhiên, số người được phê duyệt và chi hỗ trợ hiện nay còn rất ít so với tổng số lao động dự kiến là hơn 820.000 lao động, với số tiền 1.380 tỷ đồng.
Giải đáp về việc chậm giải ngân tiền hỗ trợ thuê nhà cho công nhân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết ủy ban nhân dân tỉnh đã ủy quyền cho ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
[TP.HCM: Gần 13.000 người lao động nhận tiền hỗ trợ thuê nhà]
Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát, lập và tiếp nhận danh sách xin hỗ trợ của công nhân, đồng thời triển khai giải pháp để tiền hỗ trợ thuê trọ sớm đến tay người lao động.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương cũng đề nghị các chủ cơ sở trọ, nhà ở công nhân, người lao động quan tâm chia sẻ với người ở thuê, giảm, giữ nguyên tiền thuê, giúp người lao động ổn định cuộc sống.
Mới đây, Đoàn công tác Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội do Thứ trưởng Lê Văn Thanh dẫn đầu đã đến làm việc tại Bình Dương để giải quyết tình hình giải ngân chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị các cơ quan chuyên môn cùng Liên đoàn Lao động tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát việc doanh nghiệp lập danh sách hỗ trợ người lao động, nhất là các doanh nghiệp có số lượng lao động lớn (từ 10.000 lao động trở lên). Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền thời hạn cuối nộp hồ sơ, tránh tình trạng sau ngày 15/8 người lao động thuộc đối tượng thụ hưởng vẫn chưa nhận được tiền.
Về vấn đề một số địa phương gặp khó khi lập danh sách do chủ nhà trọ không ký xác nhận, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội yêu cầu các doanh nghiệp, Công đoàn nhờ chính quyền, lực lượng Công an hỗ trợ. Trường hợp chủ nhà trọ không ký xác nhận cho người lao động, địa phương sẽ xử lý; trường hợp chủ nhà trọ ở xa không thể ký xác nhận có thể ủy quyền cho người quản lý ký thay./.
Nguồn bài viết : Coi đá gà