Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, tập trung xây dựng và phát triển thành phố Hội An có tính chất là đô thị chuyên ngành cấp quốc gia, mang tính đặc thù về di sản văn hóa, sinh thái, cảnh quan và môi trường, hiện đại và có bản sắc riêng.
Ngày 6/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức hội nghị triển khai một số nhiệm vụ chuyên đề về xây dựng và phát triển Hội An trở thành thành phố sinh thái-văn hóa-du lịch.
Cụ thể, di sản văn hóa thế giới - Đô thị cổ Hội An và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm là hạt nhân lan tỏa để kiên trì thực hiện định hướng xây dựng thành phố sinh thái-văn hóa-du lịch. Xây dựng thành phố Hội An giữ vai trò là vùng động lực phát triển về du lịch của tỉnh, trung tâm du lịch của cả nước và mang tầm quốc tế.
Từ nay đến năm 2025, xây dựng thành phố Hội An có những tiêu chí tương đương của đô thị loại II: Trung tâm kinh tế-xã hội lớn của tỉnh; đạt mức dân số tối thiểu là 200.000 người; mật độ dân số tối thiểu là 1.800 người/km 2; tối thiểu 65% lao động phi nông nghiệp; đáp ứng tốt hệ thống cảnh quan, đô thị và hạ tầng kỹ thuật.
Thành phố cơ bản hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với vùng đô thị thông minh của tỉnh và mạng lưới đô thị thông minh của cả nước, tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu.
Bà Nguyễn Thị Thu Lan, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng để Hội An trở thành thành phố sinh thái-văn hóa-du lịch cần thiết phải ban hành nghị quyết về xây dựng và phát triển thành phố Hội An với định hướng bảo tồn và phát huy các giá trị về văn hóa, con người địa phương.
[Hội An và Phú Quốc vào danh sách những điểm du lịch tốt nhất thế giới]
Hội An phải giữ cho được hồn cốt của mình đó là quan điểm xuyên suốt đặt ra, và phải thực hiện cho được chứ không chỉ đơn thuần nằm ở mục tiêu. Người dân bản địa phải được thụ hưởng thành tựu phát triển của Hội An.
Một số ý kiến cũng cho rằng Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam cần trình dự thảo nghị quyết này ra Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xem xét thảo luận, thống nhất ban hành nghị quyết để xứng tầm với một thành phố văn hóa, di sản thế giới với những yếu tố đặc thù như Hội An. Trong số đó, yếu tố văn hóa phải được nhấn mạnh, bảo tồn tốt rồi mới đề cập đến khai thác phát triển du lịch. Cách làm của Hội An phải khác, tạo ra nét riêng, nhưng không được mất bản sắc, có giải pháp giải quyết tốt các thách thức, thích ứng với các biến động đặt ra…
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường tiếp thu ý kiến của tập thể Ban Thường vụ để hoàn thiện đề án. Theo ông Phan Việt Cường, kỳ vọng của tỉnh đối với Hội An rất lớn, chủ thể trọng tâm chính vẫn là chính quyền và nhân dân thành phố. Do vậy, để đề án hoàn thiện hơn, chính quyền thành phố Hội An phối hợp với các ngành chức năng trong tỉnh, tham vấn thêm các chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa đảm bảo phát triển hài hòa không bị phá vỡ cảnh quan của khu phố cổ…
Để trở thành thành phố sinh thái-văn hóa-du lịch đến năm 2030, Hội An cần bảo tồn không gian mặt nước độc đáo, đa dạng; bảo vệ, nâng cao giá trị cảnh quan sông nước, cửa biển, bờ biển và hải đảo, tạo sự liên kết với cảnh quan ven sông Cổ Cò, Thu Bồn, Trường Giang; bảo tồn, phát triển các cù lao trên sông Thu Bồn, khu vực nông thôn theo hướng trở thành di sản cảnh quan của thành phố.
Thành phố bảo tồn, phát triển hoàn thiện các tiêu chí để Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm-Hội An trở thành Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia.
Cùng với đó, bảo vệ, phục hồi khu sinh thái rừng ngập mặn dừa nước và thảm thực vật ven sông trước tác động của biến đổi khí hậu; tăng cường đa dạng sinh học; chú trọng các giải pháp chống xói lở bờ biển, xâm thực mặn; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là từ nguồn nuôi trồng thủy sản.
Đến năm 2025, Hội An giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc về ô nhiễm môi trường; tập trung bảo tồn những giá trị thiên nhiên sẵn có và cải thiện giá trị nhân tạo để đảm bảo tiêu chí "thoáng" thông qua việc hoàn thành các khung quản lý.
Đến năm 2030, thành phố giải quyết căn bản các vấn đề về xử lý nước thải, chất thải rắn, kiểm soát tốt chất lượng môi trường để đạt tiêu chí "sạch;" lồng ghép tiêu chí "đẹp" để đảm bảo mỹ quan đô thị, nông thôn trong quá trình phát triển.
Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hội An làm hạt nhân và nền tảng cho xây dựng thành phố sinh thái-văn hóa-du lịch, với các tiêu chí chung: Văn hóa đậm đà bản sắc; con người thuần hậu, nhân văn; phố làng khang trang, sạch đẹp; xã hội văn minh, an toàn.
Đồng thời, nâng cao bản sắc đa di sản văn hóa của Hội An, quảng bá hình ảnh của Hội An là một đô thị di sản đặc thù: Đô thị văn hóa tiêu biểu, trung tâm văn hóa đối ngoại và thành phố sự kiện-lễ hội của tỉnh; thành phố của di sản sống-chủ động đáp ứng các yêu cầu trong thời đại giao lưu, hội nhập và phát triển.
Hội An bảo tồn, làm nổi bật và kết nối "hệ sinh thái di sản" đa dạng và lan tỏa; bảo tồn cấu trúc "Phố-Làng," phát triển bản sắc đô thị và hình thái kiến trúc theo kiểu mẫu "vườn trong phố-phố trong vườn" nhằm nâng cao bản sắc và bảo tồn "linh hồn" của từng tiểu khu nông thôn, thành thị, hải đảo; hoàn thiện các tiêu chí để được UNESCO đưa vào danh sách mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu trên thế giới.
Thành phố Hội An tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên để đẩy mạnh "du lịch xanh" chất lượng cao gắn với nỗ lực bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh, an toàn xã hội. Chuyển đổi từ "du lịch nóng" sang "du lịch bền vững"; hướng đến thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày, phát triển các sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao gắn với tạo thương hiệu, cạnh tranh lâu dài.
Quảng Nam xác định hướng đi mới của du lịch Hội An là phát huy mạnh mẽ tiềm năng về du lịch đường thủy; chú trọng nâng cao chất lượng và phát triển thêm các loại hình du lịch sinh thái, du lịch biển đảo, du lịch trải nghiệm, tâm linh, tín ngưỡng, ẩm thực.
Nằm bên bờ sông Hoài thơ mộng, cách thành phố Đà Nẵng 30km, đô thị cổ Hội An là điểm đến nổi tiếng và hấp dẫn du khách trong nước cũng như quốc tế trong nhiều năm qua. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, dòng chảy thời gian phủ lên phố Hội một vẻ đẹp bình yên và trầm mặc.
Trái ngược với đô thị hiện đại, Hội An gây ấn tượng với du khách bằng những ngôi nhà lợp mái rêu phong, bức tường sơn vàng cổ kính và những chiếc đèn lồng làm nên thương hiệu Hội An.
Đô thị cổ Hội An hấp dẫn du khách nhờ sự bảo tồn nguyên vẹn từ hơn 1.000 di tích kiến trúc từ phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ… đến các món ăn truyền thống, tâm hồn của người dân nơi đây.
Thưởng ngoạn những công trình kiến trúc mang phong cách thời xưa cũ và những ngôi nhà cổ đậm dấu ấn thời gian, du khách như đang quay ngược dòng thời gian, lạc bước trong không khí truyền thống của một thương cảng sầm uất thời nhà Nguyễn, nơi giao lưu buôn bán của xứ Đàng Trong với các thương nhân đến từ các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hà Lan.
Du khách tới đây cũng không thể bỏ qua việc thưởng thức các món ăn là tinh hoa, là nghệ thuật của nhiều nền văn hóa trên phố cổ. Có thể nói rằng kết tinh của sự kỳ diệu chính là những món ăn nhỏ bé được bày bán trong khu phố này, khiến cho ai đến cũng phải thử qua, để rồi lưu luyến không quên.
Đó có thể là Cơm gà Phố Hội, Cao Lầu Hội An, bánh bao-bánh vạc, bánh bèo Hội An, bánh đập-hến xào, chè bắp, mỳ Quảng, hoành thánh, bánh ướt hay bánh xèo Hội An.
Mới đây, thành phố Hội An của tỉnh Quảng Nam vừa được Tạp chí Travel+Leisure chuyên về du lịch và giải trí uy tín xếp hạng là một trong 25 thành phố du lịch tốt nhất thế giới năm 2022.
Cuộc bình chọn giải thưởng World’s Best Awards diễn ra thường niên do tạp chí Travel + Leisure công bố dựa theo ý kiến của hàng nghìn độc giả là các du khách về những chuyến đi của họ.
Danh sách 25 thành phố tốt nhất thế giới được đưa ra theo các tiêu chí khách sạn, nhà hàng, sự phong phú của di sản văn hóa, điểm tham quan hấp dẫn, sự thân thiện mến khách, ẩm thực cũng như trên các phương diện về phòng chống COVID-19, các dịch vụ mua sắm, những giá trị tổng thể...
Đô thị cổ Hội An đứng thứ 20 trong danh sách, với 88,9221/100 điểm./.
Nguồn bài viết : Bắt sòng bạc mới nhất