Những năm gần đây, thành phố Đà Lạt cũng thường xuyên hứng chịu cảnh ngập lụt mỗi khi mưa lớn xảy ra. Vì đâu một thành phố du lịch trên cao nguyên đẹp nhất nhì Việt Nam lại trở nên nhạy cảm với thiên tai như vậy? Vì sao từ một thành phố ngàn hoa nay lại trở thành “thành phố triệu lít nước”, như cách người dân những ngày này đang nói tới Đà Lạt?
Không chỉ ở Đà Lạt, việc phát triển đô thị quá nóng để khai thác, bòn rút tài nguyên thiên nhiên phục vụ lợi ích trước mắt của con người đã diễn ra từ rất lâu và chưa dừng lại. Phải chăng chúng ta đã làm dụng quá mức sự ưu đãi của thiên nhiên để phát triển kinh tế?
Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ban hành ngày 13/4/2022 nêu rõ: “Phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp…”. Trong bối cảnh nước ta cam kết với thế giới sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, việc đối xử đúng mực với thiên nhiên cần được xem xét kỹ lưỡng từ mỗi cá nhân. Có như vậy, chúng ta - thế hệ đương thời mới không phải nói lời xin lỗi với thế hệ tương lai.
Nhân hàng loạt vụ sạt lở nghiêm trọng liên tiếp diễn ra gần đây, trong đó có Đà Lạt, phóng viên TTXVN thực hiện chùm 3 bài: “Ứng xử đúng mực với thiên nhiên”.
Bài 1: Khi thiên nhiên không được tôn trọng
Câu chuyện người dân phải bơi thuyền ở “thành phố cao nguyên" Đà Lạt hay những vụ sạt lở xảy ra ngày càng nhiều gần đây đang trở thành mối quan tâm của không chỉ người dân Đà Lạt mà của cả nước.
Đà Lạt - thành phố nổi tiếng cả nước với thiên nhiên ưu đãi, khí hậu ôn hòa, hoa nở quanh năm, nay đang từng ngày từng giờ chống chịu với thiên tai khắc nghiệt.
Cảnh quan thiên nhiên nhường chỗ cho bê tông
Mới đây, ngày 13/7, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đã phê chuẩn quyết định khởi tố 2 bị can liên quan đến vụ sạt lở đất nghiêm trọng ở hẻm 36 đường Hoàng Hoa Thám, phường 10 (thành phố Đà Lạt) làm chết 2 người, bị thương 5 người.
Những năm gần đây, sạt lở liên tiếp xuất hiện tại Đà Lạt. Điển hình là 2 vụ sạt lở ta luy tại khu vực đèo Prenn trong hai ngày 17, 18/6/2023 khiến 3 người tử vong; vụ sạt bờ ta luy khiến một người chết tại phố Ngô Thì Sỹ, thành phố Đà Lạt vào ngày 9/3/2023.
Đặc biệt, chỉ trong hai ngày 28, 29/6/2023 đã có tới 13 vụ sạt lở tại khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt. Riêng khu vực hẻm 36 đường Hoàng Hoa Thám, phường 10 (thành phố Đà Lạt), sạt lở ta luy đã gây sập nhà dân, làm 2 người chết, 5 người bị thương.
Không chỉ sạt lở ta luy, khu vực này cũng đang hứng chịu ngập lụt nặng mỗi khi có mưa lớn. Cơn mưa ngày 23/6 và 12/7 khiến đường phố Đà Lạt chìm trong biển nước. Không còn là “thành phố ngàn hoa”, Đà Lạt nay đã trở thành “thành phố triệu lít nước”!.
Từng là “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”, nay, với tốc độ phát triển đô thị quá nhanh, Thành phố Đà Lạt ngày càng mất đi màu xanh, thay vào đó là hàng loạt nhà cao tầng, các cơ sở lưu trú cho khách du lịch. Tính đến nay, Đà Lạt có hơn 3 nghìn cơ sở lưu trú. Ai cũng tranh thủ tìm cho mình một mảnh đất có “view” đẹp, nhìn ra thung lũng hay đồi thông mà không quan tâm đến việc cảnh quan thiên nhiên bị phá vỡ, môi trường bị ảnh hưởng.
Những dòng suối, dòng chảy của nguồn nước Đà Lạt dần bị lấp đi, thế chỗ cho bê tông và rác. Mất rừng, mất suối, Đà Lạt ngày càng ngột ngạt và trở nên nhạy cảm với thiên tai. Từ một thành phố được người dân chờ mong nhìn thấy những mảng xanh khi tìm đến, giờ đây, điều chờ đợi họ là những mảng trắng bê tông và hàng loạt nhà kính.
Thành phố Đà Lạt không phải là địa phương duy nhất phải gánh chịu hậu quả cho quá trình phát triển đô thị quá nhanh khiến thiên nhiên không thể thích ứng kịp với những thay đổi do con người tạo nên. Việc khai thác quá mức cảnh quan, nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ lợi ích trước mắt của con người diễn ra trong nhiều năm qua, ở nhiều khu vực trên cả nước.
Tại Tam Đảo, từ nhiều năm nay, tình trạng xẻ đất, san nền bê tông hóa thường xuyên diễn ra. Mặc dù chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030; trong đó, nêu rõ mục tiêu phát triển Tam Đảo I thành khu du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn khách du lịch gắn liền với bảo vệ môi trường thiên nhiên, giữ gìn cân bằng sinh thái, tuy nhiên, tình trạng lạm dụng thiên nhiên, khai thác quá mức tài nguyên, bê tông hóa các mảng xanh của Tam Đảo vẫn tiếp tục diễn ra hàng ngày, hàng giờ.
Trong khi đó, tại Sa Pa - thành phố mờ sương, nơi có cảnh quan, khí hậu và giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc thiểu số vùng cao miền Bắc Việt Nam cũng đang “oằn mình” hứng chịu nỗi đau “bê tông hóa”. Gần 1.400 cơ sở lưu trú với không ít trong số này là những tòa nhà cao tầng, khiến không gian Sa Pa thay đổi chóng mặt. Sự biến dạng cảnh quan thiên nhiên tại Sa Pa khiến người dân nơi đây cũng như du khách thêm đau xót và thất vọng.
Còn nhớ, công trình kiên cố 7 tầng mang tên Paronama mọc lên mới đây, vi phạm Luật Di sản văn hóa, Xây dựng, Đất đai…
Đèo Mã Pí Lèng là đoạn QL4C dài khoảng 20 km nối hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang, được mệnh danh “Đệ nhất hùng quan”, một trong “tứ đại đỉnh đèo” Việt Nam, từng được điểm tô bằng một công trình kiên cố 7 tầng mang tên “Paronama”. Vi phạm hàng loạt Luật, từ Di sản văn hóa, Xây dựng đến Đất đai… nhưng công trình vẫn được xây dựng từ 2018 và hoàn thành vào đầu 2019. Dư luận bức xúc đặt câu hỏi: “Khi một Panorama to đùng như vậy xây dựng trên Mã Pí Lèng, các cơ quan chức năng ở đâu, làm gì?”.
Điều đáng nói, khu vực đèo Mã Pí Lèng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di sản văn hóa vật thể cấp quốc gia năm 2009. Đỉnh đèo cao 2.000m, là con đường hiểm trở trên Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, nơi được UNESCO chính thức công nhận danh hiệu vào năm 2010.
Theo Đồ án quy hoạch xây dựng công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn đã được Thủ tướng phê duyệt, khu vực có nhà hàng nêu trên là nơi hạn chế hoạt động xây dựng mới, chỉ xây dựng công trình an ninh - quốc phòng, phục vụ du lịch, hạ tầng xã hội thiết yếu; chiều cao các công trình từ 1 đến 3 tầng.
Qua nhiều văn bản, các cuộc họp, thanh tra, kiểm tra, khảo sát, đến nay, công trình này được chỉnh sửa 2 lần theo hướng hòa hợp với thiên nhiên bằng cách sơn màu xanh và trồng nhiều cây. Tuy nhiên, như nhiều du khách nhận xét, có vẻ công trình còn bề thế hơn lúc ban đầu. Câu chuyện “Panorama” trở thành điển hình cho việc con người lạm dụng thiên nhiên.
Tuy nhiên, “Panorama” cũng không phải là vụ xâm phạm di sản, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên đầu tiên. Trước đây, đã có hàng loạt khu vực như Tràng An (Ninh Bình), hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt)... bị xâm hại, phá hủy cảnh quan thiên nhiên.
Lạm dụng ưu đãi của thiên nhiên
Thiên nhiên bị lạm dụng không chỉ dừng lại ở việc phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng đến môi trường. Tài nguyên thiên nhiên đang bị con người khai thác với tốc độ chóng mặt, từ tài nguyên đất đai đến tài nguyên nước, dẫn đến suy thoái, cạn kiệt nhanh chóng.
Việt Nam có 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10 km trở lên. Trong số này, có 13 lưu vực sông lớn và quan trọng gồm: lưu vực sông Hồng - Thái Bình; Bằng Giang - Kỳ Cùng; Mã; Cả; Hương; Vu Gia - Thu Bồn; Trà Khúc; Kôn - Hà Thanh; Ba; Sê San; Srêpôk; Đồng Nai; Mekong.
Tuy nhiên, không ít dòng, nhánh sông trong số này đang bị bức tử từ việc phát triển thủy điện, việc khai thác quá mức cát sỏi lòng sông, nước thải từ các khu công nghiệp, nhà máy, sinh hoạt của người dân, hay đơn giản hơn, chỉ từ việc không thường xuyên khơi thông dòng chảy dẫn đến ùn ứ, tắc dòng chảy và ô nhiễm môi trường. Đó là những dòng sông khắp các tỉnh miền núi phía Bắc: Sông Hồng, sông Chảy, ngòi Thia, ngòi Hút… phía Nam có: sông Buông (lưu vực sông Đồng Nai), sông Quế Phương, sông Tiên (địa phận tỉnh Quảng Nam)… đang kêu cứu từng ngày. Ngay tại Thủ đô Hà Nội, nguồn nước mặt các con sông: Tô Lịch, Sét, Nhuệ, Lừ đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tại nhiều đoạn, các sông này đều có màu nước đặc trưng là màu đen và có mùi hôi thối.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý tại các đô thị trên cả nước là rất thấp, chỉ đạt khoảng 15%. Hầu hết các khu dân cư nông thôn chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Mới có 22% cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, các cơ sở trong cụm công nghiệp phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải riêng dẫn đến khó khăn trong công tác kiểm soát, quản lý.
Việc khai thác cát sỏi lòng sông trái phép vẫn diễn ra ngang nhiên, ngày càng tăng về số lượng và mức độ. Điều này không chỉ gây tác hại rất lớn cho môi trường, thất thoát rất lớn tài nguyên, nguồn thu ngân sách mà còn làm biến dạng hệ thống sông ngòi, gây sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đất đai, mất đất canh tác, đe dọa các công trình thủy lợi, đê điều, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân ở lưu vực sông.
Lực lượng chức năng thường xuyên phát hiện các điểm hút cát sỏi trái phép, tiến hành xử phạt, tạm giữ phương tiện. Tuy nhiên, tất cả chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa” do chế tài xử phạt đối với hành vi này còn thấp, chỉ hơn 100 triệu đồng/vụ trong khi lợi nhuận lại quá cao, lên mức tiền tỷ. Do đó, các đối tượng sẵn sàng bất chấp luật pháp, thực hiện hành vi vi phạm.
Đơn cử, ngày 4/7, UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với: Trần Văn Quế (sinh năm 1974), Trần Văn Phượng (sinh năm 1973) cùng trú tại thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn và Nguyễn Văn Đạt (sinh năm 1992), trú xã Xuân Lâm, huyện Hưng Nguyên với tổng số tiền 525 triệu đồng, vì khai thác cát sỏi khu vực lòng sông Lam mà không có giấy phép từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Các cá nhân trên bị áp dụng hình thức xử phạt hành chính phạt tiền với mức xử phạt 175 triệu đồng mỗi trường hợp; đồng thời buộc cải tạo, phục hồi môi trường, thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn theo Nghị định 36/2020 của Chính phủ.
Tài nguyên đất cũng ngày càng cạn kiệt khi các hành vi xẻ núi, đào quặng trái phép; san nền xây nhà vẫn chưa dừng lại. Điều đáng nói hơn, ý thức người dân trong ứng xử với thiên nhiên còn quá kém. Việc xả rác bừa bãi, khai thác quá mức tài nguyên cạn kiệt là minh chứng rõ nhất cho việc thiên nhiên chưa được con người tôn trọng và ứng xử đúng mực.
Bài 2: Nguyên nhân từ đâu?
Nguồn bài viết : Đá gà Thomo