Nhật Cường Mobile: Nổi lên từ chuyên hàng xách tay

2025-01-17 20:14:46

Khởi đầu là cửa hàng sửa chữa điện thoại, Nhật Cường Mobile phát triển thành hệ thống các cửa hàng bán lẻ điện thoại di động và sau này là phần mềm. Tuy vậy, Nhật Cường Mobile liên tục bị khách hàng phản ánh về dịch vụ sau bán hàng.

Công ty TNHH TM & DVKT Nhật Cường kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ về Điện thoại di dộng và thiết bị công nghệ, được biết đến với thương hiệu Nhật Cường Mobile.

Thành lập năm 2001, Nhật Cường Mobile tiền thân là một cửa hàng sửa chữa điện thoại hình thành từ 1997. Theo thông tin đăng tải trên website, Công ty TNHH TM&DVKT Nhật Cường có giấy phép đăng ký kinh doanh số 01011.38364 do Sở KH-ĐT Hà Nội cấp ngày 20/06/2001.

Người đại diện pháp luật là ông Bùi Quang Huy, với ngành nghề kinh doanh chính là Bán buôn thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông.

Nhật Cường Mobile: Nổi lên từ chuyên hàng xách tay

Nhật Cường Mobile 33 Lý Quốc Sư là cửa hàng đầu tiên trong hệ thống bán lẻ của công ty Nhật Cường. Đây là hệ thống có tiếng trong việc buôn bán điện thoại xách tay, vài năm trước đã phải chấm dứt hình thức kinh doanh này để chuyển hướng sang một hình thức khác chuyên nghiệp hơn.

Trong đó, nổi lên mảng kinh doanh phần mềm: Nhật Cường Software. Trên website chính thức, Nhật Cường Software được giới thiệu là Công ty giải pháp phần mềm Nhật Cường, tiền thân từ một Trung tâm Công nghệ thông tin của Công ty Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Nhat Cuong Mobile). Công ty này ra đời với phương châm: "Với mong muốn mang ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cộng đồng, phấn đấu trở thành một tổ chức giàu mạnh bằng chính nỗ lực lao động sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và công nghệ của mình".

Cụ thể, Nhật Cường Software chuyên xây dựng và thiết kế những sản phẩm phần mềm "đột phá" cho TP. Hà Nội, điển hình như cơ sở dữ liệu dân cư, phần mềm lưu trú trực tuyến, phần mềm hộ chiếu online, đăng ký hồ sơ trực tuyến, đặc biệt là giải pháp Dịch vụ công trực tuyến liên thông 3 cấp.

Cũng trên website chính thức, thông tin do doanh nghiệp tự công bố cho hay, từ khi thành lập đến nay, Nhật Cường Software đã và đang làm việc với các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau và các cơ quan chính phủ.

Từng bị khách hàng "tố" về chất lượng dịch vụ

Năm 2015, Nhật Cường Mobile mở rộng chuỗi cửa hàng bán lẻ, số cửa hàng vượt qua con số 20 và có mặt ở tất cả các quận, huyện tại Hà Nội. Trong tầm nhìn đến năm 2020, Nhật Cường Mobile phấn đấu trở thành thương hiệu bán lẻ sản phẩm công nghệ quy mô toàn quốc đặc sắc bởi: “Chu đáo - Sang trọng - Khác Biệt”.

Mặc dù vậy, Nhật Cường Mobile không ít lần bị khách hàng lên tiếng về vấn đề dịch vụ sau bán hàng. Không ít lần khách hàng đã “tố” dịch vụ sau bán hàng của Nhật Cường Mobile kém chất lượng, chi phí sửa chữa bảo hành cao ngất ngưởng, cùng với đó là tình trạng coi thường khách hàng.

Năm 2018, khách hàng “tố” Nhật Cường Mobile đánh tráo ruột máy điện thoại. Khách hàng T.T.H ở Hà Nội cho biết: Điện thoại của chị bị vỡ màn hình, chị đã mang ra Nhật Cường Mobile chi nhánh Giảng Võ để sửa chữa. 

Nhật Cường Mobile: Nổi lên từ chuyên hàng xách tay
Khách hàng tố Nhật Cường

Tại đây, kĩ thuật viên đã tiến hành thay màn hình cho chị. Tuy vây, hết lần này tới lần khác, kĩ thuật viên đều báo nhầm lỗi, tiền sửa hết gần 6 triệu đồng mà điện thoại vẫn không sử dụng được. Điều đáng nói, số Imei trên vỏ máy và số imei kiểm tra trên máy không trùng nhau, dung lượng và tên máy cũng bị thay đổi.

Hay như trường hợp khách hàng “tố” Nhật Cường Mobile bảo hành lấy giá “cắt cổ”. Anh T. quê ở Hưng Yên cho biết, anh vô cùng bức xúc trước cách phục vụ cũng như giá cả bảo hành tại Nhật Cường Mobile cơ sở Giảng Võ.

Anh T. có mua Iphone 6s tại Nhật Cường Mobile, sau một thời gian máy bị “treo táo” (một lỗi phổ biến trên Iphone). Anh mang chiếc điện thoại ra Nhật Cường Mobile để bảo hành thì được nhân viên kĩ thuật báo điện thoại anh bị lỗi ổ cứng và báo giá bảo hành sửa chữa hết 1,2 triệu đồng, thay mới là 1,8 triệu đồng, nếu còn bảo hành được bớt 10%, sau đó là bớt 250.000 đồng nhưng anh không đồng ý.

Nhưng tệ hơn là khi anh T. không đồng ý bảo hành vì cho rằng giá thành quá đắt, anh lại được nhân viên báo lại là máy đã sửa xong, nếu anh nhận lại máy thì trả tiền, còn không thì nhận máy với tình trạng như cũ.

Theo đánh giá, thị trường bán lẻ điện thoại di động là một mảnh đất màu mỡ bao gồm nhiều thành phần tham gia nhưng phần lớn doanh thu lại rơi vào tay của khoảng 5 doanh nghiệp dẫn đầu về thị phần.

 

Nguồn bài viết : AG Trực Tuyến

Top