Chuyện kể của một đại sứ - Những câu chuyện bình dị qua lời kể của một nhà ngoại giao |
Chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm "chiêu hiền đãi sĩ" của Singapore |
Đại sứ nhân quyền ở châu Âu
Thuật ngữ “Đại sứ nhân quyền” phản ánh mối liên hệ giữa một quan chức ngoại giao cao cấp được chỉ định đại diện cho một quốc gia hoặc một tổ chức quốc tế để thực thi những nhiệm vụ cụ thể trong lĩnh vực nhân quyền. Trong lĩnh vực này, Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (UDHR) năm 1948 của Liên hợp quốc đã góp phần cơ bản vào việc định hướng và định hình tập quán quốc tế về quyền con người, làm cơ sở cho việc xây dựng nguồn luật quốc tế với hàng chục công ước quốc tế về quyền con người(1).
Từ đó đến nay, trên cơ sở điều kiện cụ thể của mỗi nước, các quốc gia trên thế giới đã dựa vào nguồn luật quốc tế để xây dựng và hoàn thiện pháp luật nhằm bảo đảm quyền công dân, quyền con người phù hợp ở mỗi quốc gia. Như vậy, quá trình xây dựng nguồn luật của mỗi quốc gia về lĩnh vực nhân quyền nói chung và bảo đảm quyền con người nói riêng cho đến nay đã có cơ sở từ hơn nửa thế kỷ trước.
Đại diện đặc biệt của EU về Nhân quyền Eamon Gilmore và lãnh đạo Bộ Nội vụ Uzbekistan (Ảnh: kun.uz) |
Châu Âu được biết đến là nơi sớm quan tâm tới vấn đề nhân quyền. Ngày 4/11/1950, 47 quốc gia thành viên của Hội đồng châu Âu đã tham gia ký kết Công ước châu Âu về Nhân quyền (ECHR). ECHR được xây dựng trên cơ sở UDHR và có tên đầy đủ là Công ước về bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản (The Convention for the Protection of Human Rights and Fundamental Freedoms), có hiệu lực từ ngày 3-9-1953. Tuy nhiên, mặc dù sớm quan tâm tới vấn đề nhân quyền nhưng vấn đề bổ nhiệm đại sứ nhân quyền ở các quốc gia châu Âu lại không sớm như vậy. Cho đến nay, mới chỉ có 11 nước thành viên EU (Thụy Điển, năm 1980; Đức, năm 1998; Hà Lan, năm 1999; Pháp, năm 2000; Phần Lan, năm 2008; Italia, năm 2016; Luxembourg, 2016; Tây Ban Nha, năm 2017; Estonia, năm 2020; Lithuania, 2020; Slovakia, năm 2021) và Anh (năm 2017) đã bổ nhiệm đại sứ nhân quyền. Trong khi đó, EU bổ nhiệm Đại diện đặc biệt của EU về Nhân quyền năm 2019.
Như vậy, thời điểm các nước châu Âu và EU bổ nhiệm đại sứ nhân quyền không giống nhau, nhưng chủ yếu trong những năm gần đây. Điều này cho thấy sự quan tâm nhiều hơn của chính phủ các nước châu Âu và EU tới hợp tác quốc tế trong những vấn đề nhân quyền nói chung và bảo vệ quyền con người nói riêng. Việc bổ nhiệm các đại sứ nhân quyền cho thấy sự cam kết tập thể mạnh mẽ của các quốc gia về việc bảo vệ và thúc đẩy các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế; đồng thời nhận thức về sự cần thiết phải lồng ghép vấn đề nhân quyền vào các mục tiêu chính sách đối ngoại rộng lớn hơn, mặc dù có sự khác biệt trong các ưu tiên cụ thể trong chính sách nhân quyền và chính sách đối ngoại của các nước. Tuy nhiên, so với tổng số 28 quốc gia thành viên EU hiện nay, số lượng quốc gia thành viên EU nói riêng và châu Âu nói chung đã bổ nhiệm đại sứ nhân quyền còn chưa nhiều. Mặc dù vậy, việc còn nhiều nước chưa bổ nhiệm không có nghĩa là những nước này ít hoặc không quan tâm tới hợp tác quốc tế về vấn đề nhân quyền.
Trên thực tế, nguồn luật của mỗi quốc gia về lĩnh vực nhân quyền được hoạch định ở những mức độ khác nhau, song đều được xây dựng trên cơ sở văn kiện UDHR của Liên hợp quốc. UDHR đã trở thành tiêu chuẩn chung cho những thành tựu của các quốc gia khi đặt ra các quyền cơ bản của con người được bảo vệ trên toàn cầu và được dịch sang hơn 500 ngôn ngữ. Ngoài ra, UDHR được công nhận rộng rãi, đã truyền cảm hứng và mở đường cho việc thông qua hơn 70 hiệp ước về nhân quyền và được áp dụng trên cơ sở lâu dài ở cấp độ toàn cầu và khu vực. Cho đến nay, hầu hết các nước thành viên của Liên hợp quốc đều đã phê chuẩn ít nhất một trong chín điều ước quốc tế nhân quyền chịu ảnh hưởng của văn kiện UDHR và phần lớn đã phê chuẩn ít nhất bốn điều ước(2). Vì vậy, việc bổ nhiệm hay không bổ nhiệm đại sứ nhân quyền là tùy thuộc theo hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước, tùy theo cách thức lồng ghép các vấn đề nhân quyền trong chính sách đối ngoại của từng nước để phù hợp với điều kiện cụ thể.
Kết nối quốc tế vì nhân quyền và bảo vệ quyền con người
Thông qua chức năng, nhiệm vụ của các đại sứ nhân quyền có thể thấy những vấn đề nổi bật và trọng tâm trong công tác nhân quyền của các nước châu Âu. Với trường hợp Phần Lan, Đại sứ chuyên trách về Nhân quyền và Dân chủ đầu tiên được bổ nhiệm năm 2008. Hiện nay, người đảm đương vị trí này là ông Rauno Merisaari, với trọng tâm công tác nhằm thúc đẩy chính sách đối ngoại của Phần Lan về vấn đề nhân quyền và dân chủ. Đồng thời, Đại sứ R. Merisaari cũng đưa ra những ưu tiên trong hợp tác quốc tế về dân chủ, về việc bảo vệ các quyền trong Công ước Nhân quyền của châu Âu và Liên minh Tự do trực tuyến hiện do Phần Lan làm Chủ tịch. Với bà Minna Lind, Đại sứ lưu động đầu tiên của Estonia, được chỉ định phụ trách về các vấn đề nhân quyền và nhập cư. Bà được bổ nhiệm năm 2020 với nhiệm vụ “thể hiện quyết tâm của Estonia tham gia tích cực vào nhiều hiệp hội nhân quyền khác nhau”, chẳng hạn như Liên minh Tự do báo chí và Liên minh Tự do tôn giáo quốc tế.
Với trường hợp của Đức, vị trí của đại sứ nhân quyền được gọi là Ủy viên Chính phủ Liên bang về Chính sách nhân quyền và viện trợ nhân đạo. Nhiệm vụ xuyên suốt của các quan chức được chỉ định đảm đương vị trí này suốt từ năm 1998 đến nay là bảo đảm công tác bảo vệ nhân quyền và lồng ghép vấn đề nhân quyền vào tất cả các lĩnh vực trong chính sách đối ngoại của Đức. Đồng thời, người được bổ nhiệm vào vị trí này phải đóng vai trò “đầu mối” cho tất cả các liên hệ giữa các cơ quan trong nước và cơ quan của Đức với nước ngoài và tổ chức quốc tế trong các vấn đề có liên quan đến nhân quyền và viện trợ nhân đạo.
Đối với Anh, vị trí Đặc phái viên về Tự do tôn giáo và tín ngưỡng được bổ nhiệm từ năm 2018. Người được bổ nhiệm vào vị trí này có nhiệm vụ tập hợp các nỗ lực của chính phủ với các tổ chức tín ngưỡng và tổ chức xã hội nhằm thúc đẩy sự khoan dung tôn giáo trên phạm vi quốc tế, phối hợp với các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền con người ở Anh, Khối thịnh vượng chung nước ngoài và trên thế giới. Gần đây, Anh đã thiết lập vị trí Đại sứ quốc tế về Nhân quyền và bổ nhiệm Phó Đại diện Thường trực tại Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ) vào vị trí này. Đại sứ này được giao nhiệm vụ nâng cao vị thế và vai trò lãnh đạo của Anh trong hệ thống đa phương, hợp tác với các quốc gia khác để hỗ trợ và thúc đẩy nhân quyền, đóng vai trò là người ủng hộ nhân quyền trong Chính phủ Anh và trên phạm vi quốc tế, cũng như thúc đẩy các chiến dịch ưu tiên của Chính phủ Anh.
Đối với EU, Đại diện đặc biệt về Nhân quyền là một trong 9 đại diện đặc biệt của tổ chức này trong những lĩnh vực khác nhau nhằm thúc đẩy các chính sách và lợi ích của EU ở những khu vực và quốc gia cụ thể, đồng thời đóng vai trò tích cực trong nỗ lực củng cố hòa bình, ổn định và pháp quyền. Nhiệm vụ của Đại diện đặc biệt về Nhân quyền của EU là tăng cường sự hiện diện, hiệu quả của chính sách nhân quyền của EU trong các hoạt động đối ngoại của tổ chức này. Ngoài ra, Đại diện đặc biệt về Nhân quyền của EU có nhiệm vụ linh hoạt, có khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh, đồng thời hợp tác chặt chẽ với Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu và các cơ quan khác của EU; đổi lại, những cơ quan này hỗ trợ tối đa cho Đại diện. Đại diện đặc biệt về Nhân quyền của EU hiện nay là ông Eamon Gilmore, từng là cựu Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Ireland, cũng từng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Văn phòng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và cương vị Đặc phái viên của Đại diện cấp cao về tiến trình hòa bình Colombia năm 2015.
Như vậy, thông qua xem xét nhiệm vụ của quan chức các nước và của EU được chỉ định đặc trách về vấn đề nhân quyền, tức là các đại sứ nhân quyền, có thể thấy mặc dù tên gọi cho vị trí này có khác nhau giữa các nước, nhưng về bản chất, họ hoạt động như là những đại sứ chuyên trách các hoạt động hợp tác quốc tế về lĩnh vực nhân quyền và bảo vệ quyền con người. Mặc dù trong lĩnh vực nhân quyền, các nước châu Âu và EU có những ưu tiên khác nhau, nhưng một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các đại sứ nhân quyền là thúc đẩy những hoạt động hợp tác giữa các quốc gia với nhau và với các tổ chức quốc tế, coi đó là một phần trong chính sách đối ngoại của quốc gia trong các vấn đề nhân quyền và bảo vệ quyền con người.
Một điểm đáng chú ý là trước những nhiệm vụ được giao, các đại sứ nhân quyền châu Âu đã thể hiện tâm huyết với nhiệm vụ và sự quan tâm lớn tới vấn đề nhân quyền và bảo vệ quyền con người. Theo Rauno Merisaari, Đại sứ chuyên trách về Nhân quyền và Dân chủ của Phần Lan, nhân quyền bao hàm cả sự tự do và công lý. Phần Lan ủng hộ sự bình đẳng và không phân biệt đối xử. Với tư cách là Chủ tịch của Liên minh Tự do trực tuyến vào năm 2021, Phần Lan thúc đẩy dịch vụ internet miễn phí, mở rộng và an toàn cho tất cả mọi người dân. Trong khi đó, Delphine Borione, Đại sứ lưu động về Nhân quyền của Pháp, khẳng định: “Nhân quyền là cốt lõi của chính sách ngoại giao nhân văn và nữ quyền của Pháp. Điều này bao gồm chống mọi hình thức bạo lực, bất bình đẳng và phân biệt đối xử, bảo vệ các quyền tự do cơ bản và hỗ trợ những người bảo vệ nhân quyền”. Tương tự, Tiến sĩ Bärbel Kofler, Ủy viên Chính phủ Liên bang Đức về Chính sách nhân quyền và hỗ trợ nhân đạo, cho rằng, thúc đẩy nhân quyền là cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Đức. Cecilia Ruthström - Ruin, Đại sứ Nhân quyền, Dân chủ và Pháp quyền của Thụy Điển, chia sẻ: “Bảo vệ nhân quyền, các nguyên tắc dân chủ và pháp quyền là cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Thụy Điển”(3).
Trong hoạt động thực tiễn, các đại sứ nhân quyền châu Âu thường có những liên kết và phối hợp với nhau. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các đại sứ nhân quyền của các nước châu Âu và EU cùng đưa ra những cảnh báo về những tác động tiêu cực của đại dịch, đó là đại dịch đã làm đảo lộn thế giới, làm trầm trọng thêm các hình thức bất bình đẳng khác nhau trong đời sống xã hội của các nước, kể cả ở châu Âu. Đối với vấn đề quyền con người, các đại sứ nhân quyền của các nước châu Âu và EU cho rằng đại dịch COVID-19 đã phơi bày tình trạng bất bình đẳng giới. Điều này thể hiện rõ ở những nơi mà các quan điểm xã hội đã ăn sâu vào tiềm thức, do đó, người phụ nữ bị coi chỉ đóng vai trò phụ thuộc. Không chỉ vậy, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ vẫn tồn tại và ngày càng có nhiều hành động nhằm hạn chế các quyền, sức khỏe sinh sản và tình dục của phụ nữ, vốn là những hình thức bất bình đẳng đã ăn sâu trong xã hội. Họ cũng cảnh báo về các vụ bạo lực gia đình gia tăng theo cấp số nhân trong thời gian các lệnh phong tỏa được áp dụng ở nhiều nước châu Âu vì dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, chỉ ra rằng đại dịch COVID-19 gây ra tình trạng không bình đẳng trong việc truy cập internet. Điều này đặc biệt đáng lo ngại vào thời điểm việc đóng cửa trường học ở một số nước châu Âu đã buộc hàng triệu sinh viên và học sinh phải dựa vào internet để học tập và xây dựng nền tảng cho tương lai.
Các đại sứ nhân quyền của các nước châu Âu và EU cho rằng, mặc dù một số chính phủ các nước đã áp dụng những biện pháp để giảm bớt những hệ quả mà người dân phải gánh chịu do tác động của dịch bệnh COVID-19 và giải quyết những vấn đề bất bình đẳng nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm, như đề cao hơn nữa quyền con người trong xã hội của các quốc gia, bắt đầu bằng việc chú trọng hơn đến việc thụ hưởng bình đẳng các quyền kinh tế và xã hội, cũng như tiếp cận bình đẳng về chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Họ cho rằng không có cách khắc phục dễ dàng nhưng việc đưa ra quyết định giải quyết những vấn đề tồn tại là một khởi đầu tốt(4).
Với những nhiệm vụ và nhận thức cao về vấn đề nhân quyền, bảo vệ quyền con người, các đại sứ nhân quyền châu Âu đã đưa ra một cam kết chung trong việc nâng cao mối quan ngại về nhân quyền dưới tác động của đại dịch COVID-19, trong đó nhấn mạnh các vấn đề đặc biệt quan tâm tới mức độ gia tăng phân biệt chủng tộc và bài ngoại cùng với sự tác động của đại dịch COVID-19 đối với nhóm người dễ bị tổn thương như nhóm người thiểu số, người đồng tính, phụ nữ và trẻ em gái. Các đại sứ nhân quyền của các nước châu Âu và EU cũng kêu gọi hợp tác và củng cố hệ thống đa phương để có thể bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền tốt hơn. Trong vai trò là đại sứ nhân quyền, họ tích cực kết nối sự hợp tác giữa các quốc gia thông qua các tổ chức xã hội để hỗ trợ những nạn nhân của các vụ vi phạm và lạm dụng nhân quyền, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau(5).
Như vậy, qua những nhận thức về trách nhiệm nghề nghiệp, các đại sứ nhân quyền châu Âu đã thể hiện trách nhiệm cao với những nhiệm vụ được giao phó. Họ đẩy mạnh hợp tác quốc tế để đạt nhiều kết quả hơn, trong phạm vi lớn hơn và mang lại tính hiệu quả cao hơn trong công việc. Ngoài ra, hoạt động của các đại sứ nhân quyền châu Âu đã tạo điều kiện gắn kết họ với nhau, với niềm đam mê cá nhân và nghề nghiệp chung trong lĩnh vực nhân quyền, từ đó từng bước hình thành một cộng đồng các chuyên gia về nhân quyền và bảo vệ quyền con người trong khu vực.
Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi
Để đạt được nhiều kết quả hơn nữa trong hợp tác quốc tế nói chung và hợp tác trong lĩnh vực tư pháp nói riêng, đặc biệt là trong những vấn đề liên quan đến nhân quyền và bảo vệ quyền con người, Việt Nam cũng tích cực tìm hiểu tình hình hoạt động nhân quyền của các nước đối tác để tham khảo những kinh nghiệm phù hợp với điều kiện của Việt Nam, trong đó có vấn đề bổ nhiệm đại sứ nhân quyền của các nước châu Âu và EU. Việt Nam luôn nhất quán tôn trọng và bảo vệ quyền con người, đồng thời tích cực tham gia hợp tác quốc tế, trong đó có đối tác EU, trong lĩnh vực quyền con người.
Kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đất nước năm 1986, công tác bảo đảm và thúc đẩy quyền con người của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Những thành tựu đó đã tạo điều kiện vật chất, tinh thần và nguồn lực to lớn để bảo đảm và thúc đẩy ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của mọi tầng lớp nhân dân. Cho đến nay, đường lối, chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam là bảo đảm, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về quyền con người. Về nguồn luật, các văn bản pháp luật của Việt Nam được ban hành, nhất là từ sau Hiến pháp năm 2013, đã thể chế hóa các nguyên tắc về tôn trọng và bảo đảm quyền con người, bảo đảm sự hài hòa với các nguyên tắc tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tiếp ông Udo Bullmann, Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền Nghị viện Châu Âu. (Ảnh: TTXVN) |
Trong quan hệ quốc tế, thực hiện chính sách là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam tham gia hầu hết các công ước quốc tế quan trọng của Liên hợp quốc về quyền con người, như: Công ước về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR); Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước về quyền trẻ em; Công ước về quyền của người khuyết tật; Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.
Tính đến năm 2022, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Trên cơ sở của nguồn luật quốc tế, Việt Nam đã từng bước tiến hành nội luật hóa và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quyền con người nhằm bảo đảm sự tương thích, phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam. Nhờ đó, các quyền con người đã và đang được quy định tương đối đầy đủ, cụ thể, toàn diện trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Trong những năm qua, những kết quả đạt được trong công tác bảo đảm quyền con người đã góp phần nâng cao uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam. Chính vì vậy, Việt Nam đã nhận được sự tín nhiệm cao và trở thành một trong 14 thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trong hai nhiệm kỳ 2014 - 2016 và 2023 - 2025. Thực tế này đã khẳng định niềm tin của các quốc gia trên thế giới, đồng thời cho thấy sự coi trọng của bạn bè quốc tế đối với vị thế của Việt Nam trong các hoạt động thúc đẩy, bảo đảm quyền con người trên phạm vi toàn cầu.
Tại Khóa họp lần thứ 52 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, diễn ra từ ngày 27/2/2023 đến ngày 4/4/2023, Việt Nam tham gia trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025. Ngày 27/2/2023, phát biểu tại phiên họp cấp cao ngay sau khai mạc khóa họp, Phó Thủ tướng Việt Nam Trần Lưu Quang đã nêu bật nhiều thông điệp mạnh mẽ về cam kết, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong phát triển đất nước, bảo đảm quyền con người; kêu gọi các nước thông hiểu và tôn trọng các đặc thù về lịch sử, hệ thống chính trị, văn hóa, xã hội của nhau, thúc đẩy hợp tác và đối thoại, tiếp cận các quyền con người một cách tổng thể. Đặc biệt, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đưa ra sáng kiến về việc kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA) bằng một văn kiện của Hội đồng Nhân quyền nhằm khẳng định lại và tăng cường các nỗ lực, cũng như hành động nhằm đạt được những mục tiêu và giá trị lớn, bao trùm của bản Tuyên ngôn và Tuyên bố trên cùng với cam kết chung của cộng đồng quốc tế về quyền con người cho tất cả mọi người. Cũng tại khóa họp này, đoàn Việt Nam đề cao chủ trương nhất quán, sự nỗ lực và những thành tựu trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, khẳng định Việt Nam cam kết phát triển bền vững vì lợi ích của người dân, nhấn mạnh sự cần thiết giải quyết bất bình đẳng, bảo vệ những người dễ bị tổn thương, kêu gọi giải quyết các thách thức toàn cầu.
Ngoài ra, Việt Nam khẳng định cam kết tăng cường hợp tác một cách xây dựng với các quốc gia, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền, Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế của Hội đồng Nhân quyền nhằm thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền cho tất cả mọi người trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, các điều ước quốc tế về quyền con người, bảo đảm chủ quyền quốc gia và các nguyên tắc khách quan, công bằng, đối thoại xây dựng và hợp tác. Theo đánh giá của Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ), đoàn Việt Nam đã để lại dấu ấn nổi bật thông qua nhiều hoạt động tích cực tại khóa họp đầu tiên trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025, thể hiện đóng góp thực chất, trách nhiệm của Việt Nam vào công việc của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc(6). Như vậy, Việt Nam là quốc gia có nhiều nỗ lực tích cực trong công tác bảo đảm quyền con người trong hợp tác quốc tế trên lĩnh vực tư pháp./.
(1), (2) United Nations: “Universal Declaration of Human Rights” (Tạm dịch: Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền), https://www.un.org/en/about-us/universal-declaration-of-human-rights
(3), (5) Government of Nethelands: “Introducing the European Human Rights Ambassadors: A Joint Blog” (Tạm dịch: Giới thiệu các đại sứ nhân quyền châu Âu), ngày 13-11-2020, https://www.government.nl/latest/news/2020/11/ 13/introducing-the-european-human-rights-ambassadors
(4) Dunja Mijatovic: “The impact of COVID-19 on human rights and how to move forward” (Tạm dịch: Tác động của đại dịch COVID-19 đối với vấn đề nhân quyền và cách tiến lên phía trước), ngày 10-12-2020, https://www.coe.int /en/web/commissioner/-/the-impact-of-covid-19-on-human-rights-and-how-to-move-forward
(6) “Việt Nam có đóng góp thực chất và trách nhiệm tại Hội đồng Nhân quyền”, Báo Nhân dân điện tử, ngày 5-4-2023, https://nhandan.vn/viet-nam-co-dong-gop-thuc-chat-va-trach-nhiem-tai-hoi-dong-nhan-quyen-post746330.html
TS Lê Hoàng Anh Tuấn
Viện trưởng, Viện Pháp luật kinh doanh và đầu tư châu Âu, Hội Luật gia Việt Nam
https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/quoc-phong-an-ninh-oi-ngoai1/-/2018/827611/dai-su-nhan-quyen--kinh-nghiem-cua-mot-so-quoc-gia-chau-au.aspx#
Bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ làm công tác nhân quyền tại Kon Tum |
Ủy ban liên chính phủ ASEAN thảo luận về vấn đề nhân quyền |