Ứng phó với bão số 1: Các địa phương đảm bảo an toàn về người và tàu thuyền

2025-01-26 17:43:33
Các tàu đánh cá về nới trú bão. Ảnh: Văn Đức/TTXVN

Báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, tính đến 5 giờ ngày 18/7, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 12.668 phương tiện/29.812 lao động khu vực từ Quảng Ninh đến Ninh Bình biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động di chuyển vòng tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Tất cả các tàu đã vào nơi neo đậu hoặc di chuyển đến vị trí trú tránh.

Khu vực từ Quảng Ninh đến Nghệ An có 183 tàu biển và 259 phương tiện thủy nội địa đang hoạt động. Các phương tiện đã nhận được thông tin về bão số 1 để có phương án đảm bảo an toàn.

Trưởng ca trực Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Nguyễn Huỳnh Quang cho biết thêm, tính đến 7 giờ ngày 18/7, Quảng Ninh, Hải Phòng còn 2.577 khách du lịch lưu trú trên các tuyến đảo (Quảng Ninh 606 người, Hải Phòng 1.971 người). Chính quyền địa phương đã chỉ đạo tổ chức bố trí nơi lưu trú an toàn cho du khách.

Thành phố Hải Phòng đã xây dựng kế hoạch sơ tán 8.691 người dân khu vực xung yếu (chung cư cũ, khu vực ngoài đê, vùng trũng thấp ven biển,…) tùy theo diễn biến thực tế của bão.

Hệ thống đê điều khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An có 289 trọng điểm, vị trí xung yếu (đê sông 263; đê biển, đê cửa sông 26); 7 công trình đang thi công dở dang (Hà Nội 3; Ninh Bình 1; Thanh Hóa 2; Nghệ An 1); 3 sự cố chưa được xử lý triệt cần quan tâm (Hà Nội 1, Bắc Giang 1, Thanh Hóa 1).

Đề cập đến diễn biến bão số 1, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, lúc 7 giờ ngày 18/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,6 độ Vĩ Bắc; 1089,3 độ Kinh Đông, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 100 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89 - 117km/giờ), giật cấp 13.

Do ảnh hưởng của bão số 1 tại đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10, Cửa Ông có gió giật mạnh cấp 6, Cô Tô (Quảng Ninh) có gió giật cấp 7.

Do tác động của bão số 1, khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô) trong sáng và trưa nay có gió mạnh cấp 7 - 8, giật cấp 11. Biển động dữ dội.

Trên đất liền, khoảng  9 - 11 giờ, tâm bão sẽ đi vào khu vực giữa Quảng Ninh và Đông Hưng (Trung Quốc) với cường độ mạnh cấp 8 - 9, giật cấp  11, khu vực Móng Cái là vùng có gió mạnh nhất ở Bắc Bộ. Lạng Sơn, Hải Phòng có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8 - 9. Bắc Giang, Thái Bình có gió giật cấp 7 - 8. Cô Tô, Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 8 - 9, giật cấp 10 - 11.

Từ nay đến ngày 19/7, khu vực Đông Bắc, Việt Bắc có mưa to đến rất to. Các tỉnh như Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, có mưa to 150 - 250mm, cục bộ có nơi trên 350mm. Khu vực Tây Bắc, vùng Đồng bằng Bắc Bộ có mưa to với tổng lượng mưa từ 70 - 150mm. Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50 -100mm. Các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái đề phòng mưa với cường suất lớn gây ngập úng đô thị và nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất.

Giám đốc Mai Văn Khiêm cảnh báo, từ ngày 18/7 đến ngày 20/7, các sông suối thuộc khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 3 - 5m ở thượng lưu, từ 2 - 4m ở hạ lưu. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên các sông Thương, Lục Nam có khả năng đạt mức báo động 1 - báo động 2. Đỉnh lũ khu vực thượng lưu và các sông suối nhỏ thuộc sông Đà, Thao, Lô lên mức báo động 1 và trên báo động 1. Các sông suối nhỏ khu vực các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Ninh có khả năng xuất hiện lũ cục bộ. 

Các tỉnh vùng núi, trung du phía Bắc có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất xảy ra, đặc biệt là các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai, Thái Nguyên và Thanh Hóa. Nguy cơ xảy ra ngập lụt cục bộ tại các khu đô thị, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Cao Bằng, Hà Giang Thái Nguyên.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục quản lý đề điều và phòng, chống thiên tai, Phó Chánh Văn phòng, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành tập trung, chủ động trong ứng phó bão số 1.

Trên tuyến biển, đảo, các cơ quan chức năng phối hợp với địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông tin cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm, đặc biệt là các tàu thuyền hoạt động ở khu vực vịnh Bắc Bộ. Lực lượng chức năng quản lý chặt chẽ, cấm các phương tiện ra khơi, nhất là tàu cá, tàu du lịch; kiểm tra, hướng dẫn và có biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu; kiên quyết không cho người dân quay trở lại trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản khi bão chưa tan; đảm bảo an toàn đối với khách du lịch lưu trú trên các đảo, thông báo, tuyên truyền không để khách du lịch hiếu kỳ ra bờ biển đón bão tránh tai nạn đáng tiếc.

Khu vực đồng bằng, ven biển tiếp tục rà soát, chủ động sơ tán ra khỏi các nhà yếu, không đảm bảo an toàn, khu vực trũng thấp có nguy cơ ngập sâu ở cửa sông, ven biển; sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập lụt đối với các khu vực đô thị, khu vực công nghiệp, nhất là địa bàn các tỉnh, thành phố thường xảy ra ngập lụt khi có mưa lớn như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng... Đồng thời, các địa phương kiểm tra việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ để tránh những thiệt hại đáng tiếc về người do cây đổ, mái tôn bay...

Ông Nguyễn Văn Tiến lưu ý, khu vực miền núi cần chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm "4 tại chỗ" để chủ động sẵn sàng ứng phó với tình huống xảy ra lũ quét, sạt lở đất, chia cắt; kiểm tra, rà soát và triển khai phương án đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản, không để xảy ra sự cố gây thiệt hại về người khi có mưa lớn tại Quảng Ninh; kiểm tra, rà soát, chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du.... Các địa phương bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành, điều tiết và xử lý các tình huống; kiểm tra, hướng dẫn, phân luồng giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

Các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ.

Các bộ, ngành theo chức năng quản lý nhà nước được giao chủ động chỉ đạo, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan, triển khai hiệu quả công tác ứng phó với bão, mưa lũ.

Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, và các cơ quan, báo chí tăng cường thời lượng, đưa tin kịp thời về diễn biến của bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó để người dân biết, chủ động phòng, tránh.

Các bộ, ngành, địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét để chỉ đạo các biện pháp cụ thể, ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại, trọng tâm là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Nguồn bài viết : đấu bóng đá

Top