Giao lưu giáo dục, văn hóa thúc đẩy hiểu biết, hợp tác sâu rộng Việt Nam - Singapore |
Hợp tác kinh tế Việt Nam - Singapore: động lực từ chuyển đổi số và kinh tế xanh |
Tham dự sự kiện có ông Vũ Viết Ngoạn, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Singapore; Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam; Tiến sĩ Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ); ông Lê Hoàng Tùng, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, cùng nhiều chuyên gia, nhà tư vấn và đại diện doanh nghiệp xã hội.
Từ trái qua: Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ Phạm Hồng Quất, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Singapore Vũ Viết Ngoạn và Đại sứ Jaya Ratnam cắt băng công bố Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp xã hội đổi mới sáng tạo. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp xã hội đổi mới sáng tạo, được khởi động thông qua dự án "Thúc đẩy doanh nghiệp xã hội phát triển bao trùm" (SEIP 2024), nhằm tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp xã hội. SEIP 2024 cung cấp những công cụ hiệu quả để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, bán hàng và truyền thông cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ, cải tiến tổ chức sản xuất và đào tạo nguồn nhân lực.
Qua quá trình tuyển chọn, 17 doanh nghiệp đã được lựa chọn để tham gia vào quá trình đào tạo chuyên sâu, được tổ chức trong tháng 10/2024. Chương trình gồm 3 buổi đào tạo tập trung tại Hà Nội và 3 buổi đào tạo trực tuyến dành cho Top 10, với sự giảng dạy, tư vấn từ các chuyên gia, giảng viên và các doanh nhân giàu kinh nghiệm. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn được tạo điều kiện kết nối, trao đổi và học hỏi lẫn nhau qua các buổi gặp mặt trực tiếp và các cộng đồng trực tuyến của chương trình.
Trao chứng nhận cho các dự án Top 10 của Chương trình năm 2024. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Singapore Vũ Viết Ngoạn cho biết, chương trình không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp xã hội mà còn là động lực quan trọng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng đến phát triển bền vững. Ông khẳng định, các doanh nghiệp xã hội không chỉ đóng góp vào kinh tế mà còn tích cực giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường. Ông tin tưởng chương trình được tổ chức thường niên, với sự đồng hành của các tổ chức, cá nhân Việt Nam và Singapore, sẽ trở thành nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp xã hội Việt Nam.
Tiến sĩ Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ chia sẻ kinh nghiệm từ các sự kiện quốc tế mà ông từng tham dự. Ông cho biết, các doanh nghiệp khởi nghiệp tại các quốc gia như Singapore đang hướng tới mục tiêu không chỉ đạt lợi nhuận mà còn đóng góp tích cực vào giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Việt Nam cần học hỏi các mô hình hợp tác công tư, các quỹ đầu tư xã hội và xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp bền vững.
Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam nghe một doanh nghiệp xã hội giới thiệu sản phẩm. (Ảnh: Đinh Hòa) |
Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam cũng cho biết, Singapore và Việt Nam cùng cam kết xây dựng nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo. Cả hai quốc gia đều nằm trong top 3 hệ sinh thái khởi nghiệp năng động nhất Đông Nam Á và có nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các sáng kiến hợp tác giữa hai quốc gia như Block 71 tại Thành phố Hồ Chí Minh hay Liên minh đổi mới sáng tạo toàn cầu là những ví dụ điển hình trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Một ví dụ cụ thể là dự án hợp tác sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong y tế tại Việt Nam nhằm phát hiện bệnh lao qua hình ảnh X-quang, với thời gian chẩn đoán chỉ một giây và chi phí 1 USD.
Trong khuôn khổ sự kiện, một tọa đàm về hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp xã hội đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp. Các ý kiến đưa ra nhấn mạnh rằng hệ sinh thái doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam vẫn còn thiếu các cơ chế hỗ trợ, bao gồm một hiệp hội chính thức dành cho doanh nghiệp xã hội, các chính sách và truyền thông đồng hành. Các doanh nghiệp xã hội hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, từ nguồn lực tài chính, kỹ năng quản trị đến khả năng tiếp cận thị trường.
Ban Tổ chức trao chứng nhận dự án xuất sắc nhất cho Công ty Cổ phần Đầu tư DDA Việt Nam. |
Một trong những giải pháp được đề xuất là tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp xã hội và các doanh nghiệp lớn, giúp đẩy mạnh phát triển bền vững. Điều này không chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp xã hội trong việc mở rộng quy mô mà còn đưa họ vào chuỗi giá trị bền vững của các doanh nghiệp lớn.
Trong phần thuyết trình của Top 10 dự án doanh nghiệp xã hội tiêu biểu, Công ty Cổ phần Đầu tư DDA Việt Nam đã được vinh danh là dự án xuất sắc nhất với công trình điều chế canxi hữu cơ từ vỏ trứng gà, mang lại giải pháp đột phá trong ngành thực phẩm bổ sung. Ngoài ra, DDA còn phát triển hai dòng sản phẩm khác là nước kiềm thảo mộc và sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư.
Trong số 10 doanh nghiệp thuyết trình, một số dự án đã gây ấn tượng mạnh nhờ sứ mệnh xã hội đặc biệt. Trong đó, doanh nghiệp xã hội Thành Nguyễn đã thành lập một salon tóc và cơ sở đào tạo nghề cho người điếc, tạo cơ hội việc làm và giáo dục hướng nghiệp cho cộng đồng này. Hợp tác xã dạy nghề và phục hồi chức năng cho người khuyết tật 18/04 tại Thanh Hóa, với thành viên là người khuyết tật và trẻ mồ côi, cũng là một mô hình tiêu biểu. Hợp tác xã tập trung vào dạy nghề từ thiện, tạo việc làm cho những đối tượng khó khăn trong các ngành thủ công mỹ nghệ, tẩm quất, làm đẹp, và trồng thảo dược như ngải cứu, cà gai leo. |
Tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp xã hội đồng hành cùng Việt Nam bảo vệ bình đẳng giới |
Kết nối, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp của Singapore cho doanh nghiệp trẻ Việt Nam |