Diễn ra trong hai ngày 29-30/9, tại phiên họp này, các đại biểu sẽ cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội năm 2021; Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021; thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và xem xét một số nội dung quan trọng khác.
Trong phiên làm việc sáng nay, Ủy ban đã cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội năm 2021.
Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật, triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết. Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ đã kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thi hành, bảo đảm gắn kết hơn với công tác thi hành pháp luật, cải cách hành chính. Những kết quả này đã góp phần tích cực vào việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của luật, pháp lệnh; đưa luật, pháp lệnh thực sự đi vào cuộc sống; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tính từ ngày 1/10/2020 đến ngày 24/9/2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 102 văn bản quy định chi tiết. Đến nay, 94/102 văn bản đã được ban hành. Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ còn có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 55 văn bản quy định chi tiết 5 luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch COVID-19 nhưng dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành chủ động, quyết liệt, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết và ban hành văn bản quy định chi tiết đã đạt những kết quả tích cực. Cùng với việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, toàn diện hơn, công tác tổ chức thực thi pháp luật ngày càng được coi trọng. Về cơ bản, việc thi hành Hiến pháp, pháp luật được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cán bộ, công chức thực hiện nghiêm túc, hiệu lực, hiệu quả, nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành. Việc ban hành văn bản quy định chi tiết đã có những chuyển biến tích cực, góp phần đưa luật, pháp lệnh, nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc tổ chức thi hành luật, pháp lệnh trong một số trường hợp còn chưa kịp thời; việc áp dụng pháp luật có lúc, có nơi chưa đồng bộ, thống nhất, nhất là liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 ở một số địa phương. Tình trạng pháp luật không được thực thi đầy đủ, nghiêm túc còn xảy ra ở một số lĩnh vực như quy hoạch, quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư công... Bên cạnh đó, tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để. Đáng chú ý, việc triển khai thực hiện xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan chưa nghiêm túc, chưa bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ; mới dừng lại ở mức phê bình, rút kinh nghiệm, đánh giá việc hoàn thành công vụ mà chưa có biện pháp xử lý nghiêm khắc.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Tô Văn Tám chỉ rõ, Nghị quyết 66/NQ-CP của Chính phủ xác định công tác xây dựng thể chế, pháp luật là một trong ba đột phá chiến lược. Chính phủ đã rất khẩn trương, nỗ lực trong việc xây dựng luật, pháp lệnh, đảm bảo tính kịp thời. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết; tình trạng dự án luật, pháp lệnh được đưa vào chương trình rồi xin rút ra.
Đối với việc nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, báo cáo Chính phủ nêu một số biện pháp xử lý như kiểm điểm, rút kinh nghiệm, phê bình, nhắc nhở. Ông Tô Văn Tám đề nghị, cần xử lý mạnh hơn để nâng cao trách nhiệm của chủ thể; gắn trách nhiệm pháp lý của chủ thể với vấn đề khen thưởng.
Nguồn bài viết : Tin xổ số