Chiều 2/7, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị sơ kết triển khai thử nghiệm hệ thống đánh giá hài lòng với việc tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả hồ sơ trên Cổng dịch vụ công thành phố và hệ thống một cửa điện tử theo Nghị định 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cùng với việc ghi nhận sự hài lòng của người dân trong quá trình giải quyết hồ sơ hành chính, các cơ quan có thẩm quyền đồng thời phải số hóa thủ tục hành chính.
Bên cạnh việc đánh giá tiếp nhận hồ sơ, phải công bố thời hạn, phân bổ thời gian giải quyết hồ sơ đến từng công chức, để người dân đánh giá từng công chức, làm cơ sở trả tiền thu nhập tăng thêm.
Từ nay đến cuối năm, thành phố phấn đấu chuẩn hoá 1.800 bộ thủ tục hành chính.
Sắp tới, thành phố sẽ chọn thí điểm triển khai ở một số sở, ngành để trong năm 2019 chuẩn hóa các bộ thủ tục hành chính, đến năm 2020 tiến hành mở rộng số hóa các quy trình trên toàn thành phố. Lúc đó bức tranh cải cách hành chính sẽ có thay đổi, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, qua triển khai hệ thống, người dân đánh giá cao sự chuyển biến về giải quyết các thủ tục hành chính và các nhóm thủ tục hành chính liên thông, giúp người dân dễ dàng tra cứu, để theo dõi tình trạng hồ sơ, được nhận thông tin về tình trạng hồ sơ thông qua tin nhắn điện thoại hoặc email cá nhân một cách kịp thời; tăng cường công khai, minh bạch, thuận tiện trong giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân.
Khi triển khai thử nghiệm hệ thống đánh giá hài lòng gắn với việc tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả hồ sơ trên Cổng dịch vụ công thành phố, số lượt người dân quan tâm, tham gia đánh giá đối với việc cung cấp dịch vụ, thái độ cán bộ, công chức, quy trình, kết quả giải quyết hồ sơ nhiều hơn so với trước đây.
[Thành phố Đà Nẵng tích cực triển khai xây dựng chính quyền điện tử]
Tổng hợp chung tại 3 đơn vị được chọn thí điểm, ở quận Tân Phú, có 195 ý kiến đánh giá hài lòng qua hệ thống; ở Quận 9 có 84 ý kiến đánh giá hài lòng; ở huyện Củ Chi có 36 ý kiến đánh giá hài lòng.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Củ Chi cho biết, từ khi triển khai hệ thống đánh giá hài lòng với việc tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả hồ sơ trên Cổng dịch vụ công thành phố và hệ thống một cửa điện tử theo Nghị định 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Ủy ban Nhân dân huyện đã tiếp nhận 116 hồ sơ, bao gồm 74 hồ sơ cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, trong đó 17 hồ sơ nộp trực tuyến và đã có 16 lượt đánh giá hài lòng của người dân.
Mặc dù bước đầu đạt kết quả tích cực nhưng trong quá trình triển khai cũng gặp một số vướng mắc như việc vận hành hệ thống trong thời gian đầu gây lúng túng cho cán bộ, nhân viên, người dân. Hệ thống có nhiều tính năng mới nên có không ít nhân viên chưa quen, có phần chậm trễ trong xử lý hồ sơ.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố quyết tâm xây dựng chính quyền số để đủ sức đảm trách nhiều nhiệm vụ, trong đó có dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4, mô hình “phòng họp không giấy.”
Hiện, toàn thành phố có khoảng 1.800 bộ thủ tục hành chính nên chỉ có liên thông, số hóa, mới giải quyết nhanh được.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi đầu tiên triển khai Nghị định 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Với đặc thù có 24 quận, huyện, thành phố cần thống nhất bộ thủ tục hành chính, như vậy dịch vụ công mới trở nên thân thiện, đạt được mục tiêu lấy người dùng làm trung tâm.
Trên kết quả đạt được của Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến tháng 9/2019, Chính phủ sẽ đưa Cổng dịch vụ công quốc gia kết nối thí điểm 3 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Quảng Ninh./.
Nguồn bài viết : Cá cược thể thao