Thời sự - Chính trị

2025-01-15 20:32:55

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, không vì đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế-xã hội.

Đó là yêu cầu mà đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đặt ra tại Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo ngày 14/8/2024.

Chống tham nhũng, tiêu cực song hành cùng phát triển kinh tế-xã hội đã là thực tiễn diễn ra tại Việt Nam trong suốt 40 năm đổi mới, đặc biệt là từ Đại hội Đảng lần thứ XIII (đầu năm 2021) đến nay.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 8/2024 đã có 141 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó có 31 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương (gồm cả 2 phó thủ tướng và nguyên phó thủ tướng, 3 bộ trưởng và nguyên bộ trưởng, 7 bí thư và nguyên bí thư tỉnh ủy, thành ủy).

Đã có 55 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (16 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng) bị xử lý hình sự; 32 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác, trong đó có 7 ủy viên Bộ Chính trị, 1 ủy viên Ban Bí thư và 10 ủy viên Trung ương.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 308 tổ chức đảng, 11.005 đảng viên. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Trung ương quản lý.

Các cơ quan chức năng đã khởi tố mới, điều tra 2.836 vụ án cùng 5.975 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó có 475 vụ án cùng 1.094 bị can về các tội tham nhũng.

Việc quyết liệt chống tham nhũng, tiêu cực đã không tác động xấu tới sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Điều này được minh chứng qua các con số thống kê.

Trong các năm 2021-2023, bất chấp đại dịch COVID-19 và các cuộc xung đột vũ trang ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của đời sống toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam vẫn có những điểm tích cực so với nhiều nền kinh tế trên thế giới. Năm 2021, GDP nước ta đạt mức tăng trưởng 2,58%.

Năm 2022, kinh tế Việt Nam đã có bước phục hồi tích cực, GDP tăng ở mức 8,02% (mức cao nhất trong 10 năm qua). Năm 2023, GDP năm 2023 đạt mức tăng 5,05%. GDP 6 tháng đầu năm 2024 đạt mức 6,42% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 190,1 tỷ USD, tăng 14,5%...

Đảng và Nhà nước ta kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bởi đây chính là yếu tố cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.

Theo quan điểm của Đảng ta, tham nhũng, tiêu cực và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có mối quan chặt chẽ với nhau; nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: “Phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng”.

Tham nhũng làm thất thoát nhiều nguồn lực vào tay cá nhân, nhóm lợi ích mà lẽ ra là để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, vì lợi ích chung; làm méo mó thị trường và biến dạng thể chế, chính sách kinh tế, nguyên tắc pháp luật, bóp méo cơ cấu chi tiêu của Chính phủ, làm suy yếu hiệu quả của các chương trình phúc lợi…

Điều nguy hại hơn cả và không thể đo đếm được cụ thể là tình trạng tham nhũng, tiêu cực làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước, làm suy yếu sự gắn bó mật thiết giữa người dân với chế độ.

Trước đây và cả hiện nay vẫn có người tìm cách biện minh cho sự tham nhũng, coi đây là một dạng “dầu bôi trơn” để bộ máy công hoạt động trơn tru hơn, cơ chế kinh tế - tài chính trở nên “uyển chuyển” hơn, các doanh nghiệp “dễ thở” hơn và cuối cùng là nền kinh tế của đất nước sẽ phát triển hơn.

Cũng có những ý kiến băn khoăn về “tác dụng ngược” của việc kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực. Đó là “triệt tiêu động lực” của sự năng động, sáng tạo, khiến đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức nảy sinh tâm lý e dè, sợ mắc sai phạm khi thực thi nhiệm vụ nên tìm cách trì hoãn, né tránh, dẫn đến kết cục là “làm chậm” sự phát triển của đất nước.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 do Bộ Chính trị tổ chức vào ngày 30/6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó đã nghiêm khắc phê phán tư tưởng “bàn lùi,” sợ rằng cuộc chiến chống tham nhũng sẽ “ngáng chân” sự phát triển kinh tế.

Chính việc làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Đặc biệt, điều này góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân, bác bỏ mọi luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh.”

Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng chỉ làm chùn bước những ai có động cơ không trong sáng, đã trót nhúng chàm và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm.

Tại Phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, mà phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng phương châm “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; truy tố một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.

Và một mệnh đề đi kèm mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh là công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải đạt được yêu cầu phục vụ tốt phát triển kinh tế - xã hội, tăng tốc về đích các mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra./.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả nhiệm vụ về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thực thi công vụ.

(TTXVN/Vietnam+)
Top