Bộ Công an tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông

2025-01-18 19:47:28
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, trong 9 tháng đầu năm 2018, toàn quốc xảy ra hơn 13.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết trên 6.000 người, bị thương trên 10.000 người. So với 9 tháng đầu năm 2017, giảm trên 1.100 vụ, giảm 113 người chết, giảm hơn 1.400 người bị thương. Số nạn nhân dưới 18 tuổi bị thương vong do tai nạn giao thông là gần 1.000 người, giảm 18,5% so với 9 tháng cùng kỳ năm 2017.

Trong 9 tháng, 38 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết vì tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 19 địa phương giảm trên 10% số người chết. Tuy nhiên, vẫn còn 23 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2017, trong đó 9 tỉnh tăng trên 20% là: Kiên Giang, Đắk Nông, Hậu Giang, Hải Dương, Quảng Nam, Lai Châu, Cao Bằng, Tây Ninh, Bắc Giang. Đặc biệt, 3 tỉnh có số người chết tăng trên 50% là: Cao Bằng, Tây Ninh, Bắc Giang. 

Đáng chú ý, quý III/2018 đã xảy ra 14 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 62 người, bị thương 51 người. Đặc biệt, 4 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe ô tô chở khách tại Kon Tum, Cao Bằng, Quảng Nam và Lai Châu, làm 34 người chết, 37 người bị thương. Riêng vụ tai nạn giao thông tại Quảng Nam và Lai Châu có số người tử vong/1vụ lớn nhất (13 người) trong 4 năm trở lại đây. Cả 4 vụ đều có phần nguyên nhân do sự chủ quan trong điều khiển phương tiện của người lái xe;  3/4 vụ tai nạn giao thông nêu trên đều tại vị trí đường cong xuống dốc; 3/4 vụ các xe tai nạn đều vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, hành khách không thắt dây an toàn.

Đánh giá chung về tình hình bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 9 tháng đầu năm, ông Khuất Việt Hùng cho biết, tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, mức giảm tai nạn giao thông chưa đạt yêu cầu. Tỷ lệ tai nạn giao thông do lái xe ô tô gây ra tăng cao (chiếm trên 33%); tỷ lệ nạn nhân tai nạn giao thông là người đi mô tô, xe máy còn rất cao, trên 85%. Bên cạnh đó, tình hình vi phạm của xe ô tô khách (dừng đón, trả khách trên đường cao tốc, ngắt và không gửi dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình theo quy định; tình trạng xe dù, bến cóc) có xu hướng tăng; tỷ lệ xe quá tải vẫn còn khoảng 10%, diễn ra phức tạp tại một số tuyến đường địa phương. Ngoài ra, ùn tắc giao thông tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các trục giao thông, một số đầu mối trọng điểm vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong các đợt nghỉ lễ dài ngày, khi thời tiết xấu, khi có tai nạn hoặc sự cố phương tiện, hoặc do người dân bị lôi kéo, kích động tụ tập đông người gây ùn tắc, cản trở giao thông.

Kiểm tra, giám sát tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Tại Hội nghị, đại diện các tỉnh, thành phố và lãnh đạo một số bộ, ngành đã trao đổi, thảo luận nhằm làm rõ khó khăn, vướng mắc; phân tích nguyên nhân và trách nhiệm của chính quyền địa phương, đồng thời đề ra các giải pháp cấp bách, lâu dài để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên cả nước.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến một số tồn tại, hạn chế, các đại biểu cho rằng, thời gian qua, nhu cầu vận tải, số lượng phương tiện tiếp tục gia tăng cao; ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn yếu kém, số lượng hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông còn nhiều, đặc biệt là ở khu vực ngoài đô thị, trên các tuyến quốc lộ và khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, còn tâm lý nể nang, thiếu cương quyết trong xử lý những hành vi vi phạm quy định pháp luật của người điều khiển phương tiện, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Một số địa phương chưa vào cuộc trong việc kiểm soát tải trọng xe, chưa gắn trách nhiệm với người đứng đầu chính quyền địa phương cấp huyện; còn thiếu quy định về bắt buộc kiểm tra tải trọng tại đầu mối hàng hóa. Ngoài ra, công tác quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị còn nhiều bất cập, còn tình trạng vi phạm nghiêm trọng về mật độ xây dựng, quy mô công trình; tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang an toàn giao thông diễn ra phức tạp, đặc biệt là trên các tuyến quốc lộ. Đáng chú ý, Luật Giao thông đường bộ 2008, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật liên quan tới bảo đảm trật tự an toàn giao thông còn tồn tại những bất cập, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và thực thi pháp luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông...

Liên quan đến vấn đề hư hỏng mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa thông xe, ông Lê Văn Sinh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam cho biết, các cơ quan quản lý đang phân tích, làm rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã xảy ra nhiều cơn mưa. Thêm vào đó, sau khi thông tuyến, nhiều xe tải trọng nặng chạy trên cao tốc gây ra tình trạng hư hỏng mặt đường như báo chí phản ánh.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, ngay trong sáng 11/10, Bộ đã cử đoàn công tác vào trực tiếp kiểm tra, giám sát tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Trong ngày, đoàn công tác sẽ có báo cáo khẩn về Bộ Giao thông Vận tải để xem xét, xử lý. Những thông tin đưa ra cho rằng mặt đường hư hỏng do mưa đầu mùa, về góc độ chuyên môn, Bộ Giao thông Vận tải nhận định là không chính đáng. Không thể có việc mưa và xe quá tải trọng mà hư hỏng mặt đường. "Tôi cho rằng, đây là chất lượng trong quá trình thi công, giám sát của các cơ quan có liên quan. Khi nhận được thông tin từ đoàn công tác, khả năng lớn là Bộ Giao thông Vận tải sẽ dừng thu phí và yêu cầu chủ đầu tư khắc phục xong hư hỏng, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật mới cho thu phí", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Trương Hòa Bình cũng cho rằng, khi thiết kế đường cao tốc đã tính hết các bài toán, các yếu tố như lưu lượng xe, các điều kiện thời tiết, tải trọng đảm bảo yêu cầu xe chạy, thậm chí tính đến cả yếu tố động đất. Lý do xe đông, mưa đầu mùa là không chấp nhận được. Nếu Bộ Giao thông Vận tải xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của nhà thầu thì phải có biện pháp quyết liệt.

Bổ sung quy định về quản lý xe ôm công nghệ

 

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch năm An toàn Giao thông 2018 và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; các địa phương có tình hình trật tự an toàn giao thông phức tạp, có tai nạn giao thông tăng cao trong 9 tháng đầu năm 2018; kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe ô tô kinh doanh vận tải.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải sớm nghiên cứu bổ sung quy định về quản lý dịch vụ vận tải bằng mô tô, xe gắn máy (còn gọi là xe ôm công nghệ); ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 91 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ và Thông tư số 06 ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ; tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan ban hành quy định bắt buộc kiểm tra tải trọng trước khi xuất hàng tại các đầu mối nguồn hàng (cảng, bến thủy nội địa, nhà máy, đầu mối nông sản, khai thác vật liệu xây dựng).

Bộ tiếp tục chỉ đạo các Sở Giao thông Vận tải tăng cường thực hiện, bảo đảm điều kiện an toàn giao thông đối với kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các tuyến đường đèo dốc nguy hiểm; xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên đường bộ, làm gờ, gồ giảm tốc tại các vị trí đường ngang, lối đi tự mở qua đường sắt. Ngoài ra, cần siết chặt công tác quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe và tập huấn kỹ năng lái xe an toàn cho lái xe kinh doanh vận tải; đầu tư, nâng cấp hệ thống giám sát hành trình nhằm kịp thời cung cấp dữ liệu vi phạm tốc độ và hành trình của phương tiện kinh doanh vận tải.

Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Công an tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông gắn với tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo các chuyên đề. Bộ Xây dựng kiểm soát chặt chẽ công tác lập, điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, đô thị phù hợp năng lực với kết cấu hạ tầng giao thông; bảo đảm quy định về diện tích, số lượng vị trí đỗ xe trong các công trình xây dựng; không gian vỉa hè, lối đi cho người đi bộ.

Các bộ, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn.

Phan Phương (TTXVN)
Vụ tai nạn nghiêm trọng tại Quảng Nam báo động trách nhiệm xử lý 'điểm đen'

Vụ tai nạn giao thông thảm khốc giữa xe khách và xe container kéo theo rơ mooc làm 13 người chết, 4 người nguy kịch sáng ngày 30/7 tại xã Điện Minh (Thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) tiếp tục báo động về trách nhiệm xử lý “điểm đen” tại nạn giao thông (TNGT) trên các tuyến quốc lộ của ngành Giao thông vận tải (GTVT).

Nguồn bài viết : CR Thể Thao

Top