Những người theo dõi công bố này vừa hy vọng xen lẫn hoài nghi sự thành công về việc ngăn chặn gian lận thi cử mà Bộ GD&ĐT đưa ra.
Năm đầu tiên tổ chức kỳ thi, thí sinh được nộp 4 nguyện vọng vào 1 trường ĐH và có thể rút-nộp hồ sơ nên đến những ngày cuối cùng của đợt xét tuyển ĐH, cảnh tượng hàng nghìn thí sinh và người nhà “ăn trực, nằm chờ” ở trước các trường ĐH vẫn tái diễn.
Thí sinh hoang mang rút nộp hồ sơ, đặt tiềm tin chọn ngành nghề, trường học vào sự may rủi vào những giây phút hoảng loạn cuối cùng chốt thời gian xét tuyển. Cho đến nay, nhiều người vẫn nhắc lại cảnh tượng đó như “chơi chứng khoán”, “ong vỡ tổ”. Với sự bất cập này, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 không đạt được kỳ vọng giảm áp lực, tốn kém cho xã hội.
Để khắc phục hạn chế của kỳ thi năm 2015, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, 2017, Bộ GD&ĐT đã thay đổi việc đăng ký nguyện vọng của thí sinh nên khắc phục được tình trạng xét tuyển ĐH như “chơi chứng khoán”.
Điểm thi môn Toán từ 9 trở lên của Hà Giang có sự bất thường so với các tỉnh, thành có truyền thống giảng dạy, học tập tốt (Đồ họa: Vietnamnet)
Với kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, đề thi được đánh giá là quá dễ nên kết quả là quá dễ nên hàng nghìn thí sinh được điểm 10, với gần 4.200 bài, tăng gấp hàng chục lần so với năm 2016. Dư luận xã hội đã đặt nhiều ý kiến khác nhau về việc điểm 10 tăng mạnh liệu có phải chất lượng giáo dục của chúng ta cũng tăng hay chỉ là những con số ảo.
Thắc mắc, hoài nghi và cả vui mừng đã được đề cập nhưng trong kỳ thi năm 2017, vẫn không phát hiện ra gian lận, tiêu cực trong khâu chấm thi. Điều này chỉ được làm sáng tỏ khi năm 2018, Bộ GD&ĐT “thắt chặt” việc ra đề thi đến nỗi nhiều thí sinh và chuyên gia giáo dục đều nhận định, đề thi năm nay quá khó. Tuy nhiên, khi nhìn vào phổ điểm thi của tất cả các môn ở các địa phương, nhiều nhà giáo, chuyên gia giáo dục đặt nghi vấn điểm thi của tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình và một số địa phương khác có sự bất thường.
Có thể nói, sự việc gian lận, làm thay đổi kết quả điểm thi THPT Quốc gia xảy ra ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình với những kết luận ban đầu đã công bố là một thất bại nặng nề của một kỳ thi quốc gia và ai cũng thấy đau xót. Niềm tin vào một kỳ thi quan trọng với gần triệu thí sinh, hàng triệu người thân, hàng triệu giáo viên tổn thương và mất mát.
Cho đến nay, việc xác minh gian lận thi cử tại một số địa phương vẫn đang được cơ quan công an điều tra làm rõ. Những mặt tích cực và hạn chế của kỳ thi đã được ngành Giáo dục và các đơn vị liên quan phân tích. Chính phủ vẫn quyết định trong năm 2019, vẫn tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia. Điều quan trọng là cần có những giải pháp hữu hiệu hơn để ngăn chặn sự can thiệp vào bài thi của thí sinh.
Ảnh minh họa
Vì vậy, nhiều giải pháp đã được đưa ra như: Phải scan bài thi ngay sau khi kết thúc thời gian làm bài, tổ chức thi trắc nghiệm ngay trên máy tính và Bộ GD&ĐT cũng vừa thông báo sẽ đánh phách điện tử phiếu trắc nghiệm, yêu cầu các trường ĐH đặt camera giám sát phòng chứa tủ đựng đề thi, bài thi 24 giờ/ngày. Bên cạnh đó là tăng cường trách nhiệm của các đối tượng có liên quan trong bảo quản đề thi, bài thi tại điểm thi, hội đồng thi...
Những giải pháp để ngăn ngừa sự can thiệp của con người làm thay đổi kết quả thi của thí sinh đang tiếp tục được đưa ra với những quyết tâm cao của ngành Giáo dục nhằm ngăn chặn tiêu cực, gian lận. Giải pháp nào hữu hiệu nhất thì chúng ta vẫn phải đợi chờ kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 và cần có sự nhìn nhận, đánh giá kỹ lưỡng.
Tuy nhiên, ngăn chặn, chống gian lận thi cử là phải từ việc chống tiêu cực trong tư tưởng của mỗi con người. Dù máy móc, thiết bị có hiện đại như thế nào đi chăng nữa mà ý thức của người tham gia công tác coi thi, chấm thi không tốt thì vẫn có thể xảy ra sai phạm.
H.N (t/h)
Nguồn bài viết : ON Trực Tuyến