Sẽ có Luật Tư pháp cho người chưa thành niên

2025-01-17 20:12:53
Xét xử trực tuyến là xu hướng tất yếu nhưng phải bảo đảm đúng pháp luật
Tìm kiếm giải pháp hỗ trợ trẻ em giải quyết các mâu thuẫn trong cuộc sống

Xóa bỏ tình trạng “manh mún”, “rải rác”

Thông tin tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TANDTC cho biết, Chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc củng cố hệ thống tư pháp người chưa thành niên, và có nhiều quy định đặc biệt dành cho người chưa thành niên theo các luật điều chỉnh hệ thống tư pháp hành chính và hình sự.

PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND TC phát biểu tại Hội thảo

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có một luật toàn diện, chuyên biệt để tạo nền tảng vững chắc cho một hệ thống tư pháp vị thành niên riêng và khác biệt. Các biện pháp xử lý đặc biệt đối với người chưa thành niên (hành chính và hình sự) vẫn nằm rải rác ở nhiều luật và văn bản dưới luật, dẫn đến sự phân tán và thách thức trong việc thực thi hiệu lực và hiệu quả.

Theo Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ khoá XV, TAND tối cao được giao phụ trách 14 luật, pháp lệnh, trong đó có việc xây dựng Luật điều chỉnh về tư pháp người chưa thành niên.

Dự án Luật sẽ cung cấp khung pháp lý thống nhất hơn dành cho hệ thống tư pháp người chưa thành niên thông qua tổng hợp và tăng cường các quy định đang nằm rải rác trong nhiều luật; hưởng đến đảm bảo tiếp cận toàn diện và chuyên nghiệp hơn trong giáo dục và giám sát người chưa thành niên vi phạm pháp luật đang chịu các biện pháp phạt cải tạo không giam giữ; tăng cường phối hợp, hợp tác và cải thiện hiệu quả của các biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên.

Việc đưa ra một luật mới để hợp nhất và thay thế tất cả các quy định pháp luật hiện hành về tư pháp người chưa thành niên sẽ giải quyết được tình trạng manh mún này.

Mặt khác, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia tham gia nhiều văn kiện quốc tế về quyền trẻ em, để từng bước thực hiện những cam kết quốc tế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ trẻ em trong nước, phù hợp với xu hướng phát triển chung và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Việc nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật tư pháp người chưa thành niên do đó là một trong những nhiệm vụ cần hướng đến trong thời gian tới.

Bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người chưa thành niên

Khẳng định sự cần thiết phải xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên, PGS.TS. Đỗ Thị Phượng, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, việc xây dựng một đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên là hoàn toàn phù hợp với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và giáo dục, xử lý người chưa thành niên. Đây cũng là tư tưởng tiến bộ, nhân đạo, giúp cho việc giải quyết các vụ việc đối với người chưa thành niên được nhanh chóng và đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên.

Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICCEF tại Việt Nam đánh giá cao về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên

Theo bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICCEF tại Việt Nam, Công ước về quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc đã yêu cầu các quốc gia thành viên sẽ phải thành lập một hệ thống tư pháp riêng biệt dành cho người chưa thành niên. Trong đó, giới thiệu những quy định đặc biệt có cách tiếp cận phù hợp với sự phát triển của những người chưa thành niên khi vi phạm pháp luật.

Được biết, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có hệ thống pháp luật về người chưa thành niên. Tùy từng quốc gia mà hệ thống pháp luật này có sự khác nhau. Tựu chung lại, pháp luật về người chưa thành niên được thể hiện theo hai hình thức cơ bản:

Một là, theo truyền thống, nhiều quốc gia giải quyết các quyền của người chưa thành niên trong hệ thống tư pháp bằng cách quy định một chương riêng về xử lý người chưa thành niên trong Bộ luật Hình sự và Luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, cách tiếp cận này không hiệu quả vì nó chỉ mang lại những sửa đổi nhỏ đối với các hệ thống và quy trình được thiết kế chủ yếu cho người lớn.

Hai là, các quốc gia đạt được nhiều tiến bộ nhất trong việc củng cố hệ thống tư pháp cho người chưa thành niên và cũng là xu hướng phổ biến hiện nay là ban hành một đạo luật toàn diện về tư pháp cho người chưa thành niên (22 quốc gia và vùng lãnh thổ). Được biết mới đây nhất, tại Pháp đã ban hành Bộ luật tư pháp Hình sự cho trẻ em vị thành niên có hiệu lực từ ngày 30/9/2021.

Hiện TAND tối cao đã xây dựng dự thảo đề cương “Luật Tư pháp người chưa thành niên” với với 5 phần, 126 điều gồm: những quy định chung; biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên; xử lý hình sự đối với người chưa thành niên; tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên; điều khoản thi hành. Trên cơ sở ý kiến góp ý, dự thảo sẽ tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện trước khi trình Quốc hội.

Nhiều nỗ lực bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trong và sau đại dịch Covid-19
Nghị quyết điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021

Nguồn bài viết : SE Trực Tuyến

Top