Ngược dòng “độ” 600 người thoát kiếp trôi sông

2025-01-17 20:12:53
Trao tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho học sinh cứu người bị đuối nước
IMO gửi thư khen trung úy biên phòng vì đã có hành động dũng cảm cứu người trên biển

Hơn 30 năm vớt 600 người xấu số

10 phút đồng hồ trên chiếc xuống máy tôi mới vượt được sông Hồng ra đến bãi giữa (Phường Nhật Tân – quận Tây Hồ). “Bản doanh” của vị “chúa đảo” là căn lều chừng 30 m2, mái lợp tôn, 4 cột bê tông 4 góc, xung quanh là những tấm bạt che lại làm tường. Sau tiếng gọi, từ trong lều thò ra cái đầu trọc của người đàn ông cao to, da ngăm đen. Ông hất hàm: “Hỏi ai? Tìm xác người thân à?”

Đó chính là ông Nguyễn Văn Dũng (Phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) người đã tự tay vớt hơn 600 xác người xấu số dưới sông Hồng.

Vẻ ngoài bặm trợn, sương gió không che mờ đi tấm lòng lương thiện của ông

Khác vẻ bên ngoài, khi nói chuyện, ông “thân tình”: “Nhân sinh, cùng một kiếp người, xấu số thì mới nổi trôi cùng Hà Bá. Người mình thường mong được Phật độ, nhưng tôi chỉ nghĩ trước hết mình độ người cái đã”.

Cái “nghiệp” vớt xác cứu người đến với ông ngay từ khi còn nhỏ. Ông kể, làng ông ven sông, chuyện sông nước sống chết cũng như lẽ thường. Con sông Hồng này chứa đựng bao nhiêu kiếp người, cả chuyện hay dở bao nỗi oan khiên. Người chết trôi về đây nhiều lắm. Làng của những người ven sông, thấy thi thể người gặp nạn thì ra tay đưa họ vào bờ, khâm liệm, chôn cất. Việc nghĩa, đã làm chẳng ai cần ghi nhận.

Người làng truyền lại, từ lâu lắm, có một xác người con gái tuổi chừng 18 đôi mươi trôi về từ thượng nguồn. Người làng đưa về, khâm liệm chôn cất. Tương truyền chỉ sau một đêm, mối xông lên thành một nấm lớn. Người làng thấy thiêng, ai gặp khốn khó gì ra xin gì cũng được, từ đó lập miếu thờ đặt tên là miếu Cô Trôi. Khu đất xung quanh cũng thành nơi tập kết của những thân phận kém may mắn trôi dạt từ tứ phương...

Miếu Cô Trôi lập ra khi một cô gái chết trẻ được dân làng an táng và lập miếu

Ông Dũng nghe câu chuyện của cụ thân sinh của người những người trong làng kể từ lâu. Lúc rảnh rỗi ông theo chúng bạn ra chơi ở miếu Cô Trôi. Chuyện thành quen. Nên có lần khi ông còn là thiếu niên, có người chết đuối dạt về bãi giữa, ông bơi ra đưa xác vào chôn cất ở gần miếu Cô Trôi. Chúng bạn lớn lên, mỗi người một nghề một nghiệp, câu chuyện hư thực về duyên nghiệp không mấy ai còn nhớ. Chỉ riêng với ông Dũng còn đeo đuổi “nặng nghiệp” với bến sông này. Ông Dũng “khùng” cũng đương nhiên trở thành thủ nhang và trông coi hương khói ở miếu Cô Trôi.

Miếu Cô Trôi được ông chăm lo hương khói, sửa sang sạch đẹp để khách tứ phương tới thăm viếng

Năm 1990 không một lời cãi cọ, ông rời mái ấm gia đình có vợ con ra hẳn bãi giữa sông Hồng và ở lại. Ngày ông đi vợ níu tay bảo, có gì không hài lòng, mình cứ nói để mẹ con em sửa. Ông cười: “Tính tôi thế, mình ráng chịu, tôi vẫn thương yêu mình và các con. Hàng tháng, nếu tiện thì đi thuyền ra thăm tôi nhé...” Từ hôm đó ông ra hẳn bãi giữa sống với trăng với gió sông Hồng và với nhiệm vụ chẳng ai giao: vớt xác.

Ở bãi giữa sông Hồng, ông Dũng tranh thủ làm kinh tế với hơn chục con lợn và trồng cây trái

Và rồi ông nổi tiếng trong nghề vớt xác. Cứ như thế, suốt 30 năm sống bên bờ sông, mỗi lần có người nhảy sông, chết đuối, người ta lại nhờ ông vớt.

Chiếc thuyền lớn dùng để ăn ở, sinh hoạt khi cần qua đêm trên sông chờ xác nổi

Mỗi ca vớt xác tiêu tốn từ 10 đến 15 triệu đồng, chi phí cho một người “thợ cả” và một người “thợ phụ”. Ông tự đảm nhận vị trí thợ cả, nhưng tìm thợ phụ cũng khó vì không mấy người dám đi vớt xác. Ông Dũng phải tự bỏ tiền túi để thuê người với giá 500 nghìn đồng/ngày. Nhưng khi việc đã xong, ông Dũng chưa bao giờ đòi gia chủ một xu. “Nhiều nhà nghĩ ngợi dứt khoát trả thù lao, tôi đành nhận gói bánh, lạng chè để họ an lòng...,” ông Dũng giãi bày. 30 năm có lẻ, chẳng “ghi sổ” nhưng ông ước tính đã vớt hơn 600 xác xấu số trôi trên sông.

2 chiếc thuyền chuyên dùng để vớt các nạn nhân xấu số

Ân oán âm dương

Ở nhiều xứ vạn chài, ngư dân thường không bao giờ dám cứu người chết đuối vì họ quan niệm rằng số mệnh của nạn nhân đến đó là hết, một khi Hà Bá đã gọi thì không ai dám cưỡng lại. Nếu cố tình cứu người chết đuối, ngư dân sẽ phải thế mạng. Nhưng với Dũng “khùng” thì lại hoàn toàn khác, ông bỏ ngoài tai tất cả những lời đồn: “Làm phúc cho đời thì việc gì phải sợ.”

Miếu Cô Trôi là nơi an nghỉ của các nạn nhân xấu số vô danh tính

Chuyện “thù lao” giữa những đội vớt xác thuê với gia đình nạn nhân thì cũng đa dạng. Việc chẳng ai muốn làm nên chuyện bên trong cũng có khi chẳng ai muốn biết. Ông Dũng thở dài: Mình chẳng dám áp đặt hay dậy khôn ai, nhưng nhiều lúc thấy quá đáng thì không nhẫn nhịn được. Có những đội vớt xác thuê, khi tìm được xác nạn nhân thì gọi người nhà đến rồi “ép giá” ngay trên sông. Khi không được ý họ dọa sẽ thả trôi thi thể nạn nhân. Việc chẳng phải của mình nhưng bất bình ông vẫn lên thuyền lao ra giữa dòng đòi ăn thua đủ...

Vớt xác người chết đuối đã đành, có lúc ông còn phải lo mai táng cho người trên cạn. Ông Dũng kể: “Có lần sáng ra tôi quét miếu thấy một thùng giấy cat-ton nhỏ để ở cổng. Bên trong là thi thể một bé sơ sinh. Bẵng đi khoảng 1 năm sau, cũng vào buổi sáng, cũng ở vị trí từng đặt thùng giấy, có 1 bia đá để với ít hoa quả. Trên bia ghi đầy đủ họ tên, năm sinh tháng mất của cháu bé.” Ông đem bia đá trồng lên ngôi mộ hài nhi. Đây cũng là ngôi mộ duy nhất có danh tính ở nghĩa trang Cô Trôi. Không gặp người nhà, nhưng trong linh cảm ông biết, người mẹ của hài nhi vẫn hàng năm tìm về. “Có lẽ mẹ đứa bé đã có một gia đình mới và câu chuyện không dễ để chia sẻ nên chị ấy vẫn âm thầm về hương khói cho con bé. Ngày lễ, ngày Tết tôi thấy trên mộ thường có nén hương mới, vì vậy những ngày đó tôi ít đến khu nghĩa trang Cô Trôi để họ có chút không gian riêng tư,” ông thổ lộ.

Ngôi mộ duy nhất có danh tính tại Miếu Cô Trôi

Khi được hỏi: “Thế khi nào anh định thôi nghề?”. Anh Dũng không do dự: “Tôi chỉ bỏ nghề khi nào không còn sức để bơi, không còn hơi để lặn!”.

Với những việc làm của mình, gia đình anh Dũng được công nhận là gia đình chữ Thập đỏ cấp phường, quận về làm việc thiện. Anh cũng là hội viên của Hội Chữ thập đỏ, thanh niên xung kích cứu nạn cứu hộ chữ thập đỏ của phường, thành viên HTX nông nghiệp Nhật Tân. Anh đã được tặng Bằng khen, giấy khen từ Hội Chữ thập đỏ... và giấy chứng nhận gia đình nhân đạo. Gia đình anh năm nào đóng góp cho Quỹ vì người nghèo của phường.

Ông Bùi Văn Đê, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Nhật Tân

Chỉ mong giúp đỡ người cùng cảnh ngộ có niềm tin và vươn lên trong cuộc sống
"Sự cống hiến, hy sinh của các thương, bệnh binh là tấm gương sáng để các thế hệ noi theo"

Nguồn bài viết : Lô Đề

Top