Nhận lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Tổng thống nước Cộng hòa Indonesia Joko Widodo thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 11 đến 13/1/2024.
Chuyến thăm được thực hiện trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm 68 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (30/12/1955-30/12/2023) và 10 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược (6/2013-6/2023).
Chuyến thăm góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Indonesia, đưa hợp tác song phương ngày càng đi vào chiều sâu.
Trong lịch sử, Indonesia là nước đầu tiên ở Đông Nam Á mà Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
Hai nước thiết lập quan hệ ngày 30/12/1955. Mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Indonesia được xây dựng trên nền tảng vững chắc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno gây dựng, được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp, xây dựng, phát triển.
Những thế hệ người Việt Nam vẫn còn nhớ mãi tình cảm giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno xuất phát từ một tình bạn hết sức giản dị và gần gũi. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Indonesia và Tổng thống Sukarno thăm Việt Nam trong cùng một năm 1959, nhân dân Indonesia đã gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Paman Ho,” Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã gọi Tổng thống Sukarno bằng một cái tên cũng rất trìu mến “Bung Karno.”
Đặc biệt, khi sang thăm Việt Nam, Tổng thống Sukarno đã khẳng định: "Cả hai dân tộc chúng ta đều đã chiến đấu, chiến đấu rất nhiều, và trong cùng tháng 8/1945 cả hai nước chúng ta đều đã tuyên bố độc lập. Cả hai nước đều có lòng tin vững vàng và nhờ đó chúng ta đứng vững. Chúng ta là những người bạn, những người bạn chiến đấu."
Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh khi chia tay Tổng thống Sukarno đã tặng câu thơ: "Nước xa mà lòng không xa/Thật là bầu bạn, thật là anh em"!
Kể từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị Việt Nam và Indonesia luôn được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp.
Từ năm 1990 đến nay, hai bên tổ chức nhiều chuyến thăm lẫn nhau giữa các Đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, trao đổi các đoàn cấp bộ, ngành, doanh nghiệp, đoàn thể quần chúng, hoạt động giao lưu văn hóa.
Quan hệ hai nước bước vào giai đoạn mới với chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử của Tổng thống Suharto (tháng 11/1990). Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Indonesia trong 31 năm và cũng là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia ở Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương kể từ năm 1975 (trừ Lào và Campuchia).
Tháng 6/2003, nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Indonesia Megawati, hai nước đã ký “Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác hữu nghị và toàn diện bước vào thế kỷ XXI” và “Hiệp định Phân định ranh giới thềm lục địa.”
Tháng 9/2011, nhân chuyến thăm chính thức Indonesia của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên ra Thông cáo chung, tuyên bố “thúc đẩy quan hệ hướng tới Đối tác chiến lược.”
Tháng 6/2013, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước Indonesia của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên ra Tuyên bố chung chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.
Đây được xem là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Kể từ đây, quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Indonesia phát triển mạnh mẽ, toàn diện và vững chắc.
Tháng 8/2017, một trang sử mới đã mở ra trong quan hệ giữa hai nước với chuyến thăm chính thức Indonesia của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Indonesia, đánh dấu quan hệ hai nước chuyển sang một giai đoạn mới gần gũi hơn, sâu sắc hơn và toàn diện hơn.
Tiếp đó, chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Tổng thống Joko Widodo vào tháng 9/2018 nhân dịp tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN đã làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai bên.
Chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng đánh dấu quan hệ hai nước bước sang một giai đoạn phát triển mới, toàn diện và sâu sắc hơn và 5 năm hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (2013-2018).
Những năm gần đây, dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 song hai nước vẫn tăng cường thúc đẩy trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp, có thể kể đến như Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm trực tiếp với Tổng Thống Joko Widodo nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN tại Indonesia (tháng 4/2021); Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Tổng thống Joko Widodo (tháng 7/2021); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp Chủ tịch Hạ viện Indonesia Puan Maharani bên lề Hội nghị Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tại Áo (tháng 10/2021); Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo (tháng 8/2022); Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Indonesia bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ (tháng 5/2022); Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức Indonesia và đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban Hợp tác song phương (tháng 7/2022); Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm cấp Nhà nước Indonesia (tháng 12/2022); Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-42 (tháng 5/2023) và ASEAN-43 (tháng 9/2023) tại Labuan Bajo, Indonesia, tại Hội nghị cấp cao ASEAN-GCC diễn ra ở Saudi Arabia (tháng 10/2023), tại Hội nghị COP28 diễn ra ở UAE (tháng 12/2023); Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp Tổng thống Joko Widodo nhân dịp dự Diễn đàn cấp cao Hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 3 (tháng 10/2023); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Cộng hòa Indonesia và dự Đại hội đồng AIPA-44 (tháng 8/2023)…
Gần đây nhất, trong chuyến thăm và dự Đại hội đồng AIPA-44 tại Indonesia (tháng 8/2023) của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, lãnh đạo hai nước đều nhất trí tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống gắn bó với tin cậy chính trị cao giữa hai nước, trên cơ sở nền móng vững chắc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno xây dựng nên. Hai bên nhất trí đưa quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Indonesia sang giai đoạn phát triển mới và lên tầm cao mới.
Hai nước đã ký nhiều hiệp định và thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực, trong đó có Chương trình Hành động triển khai Quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2019-2023 (tháng 9/2018). Hai bên đang sớm hoàn tất chương trình hành động giai đoạn 2024-2028 để ký kết trong thời gian sớm nhất.
Các cơ chế hợp tác như Ủy ban hợp tác song phương cấp Bộ trưởng Ngoại giao đã tổ chức được 4 kỳ họp, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật đã tổ chức được 7 kỳ.
Các địa phương hai nước cũng đang tích cực tăng cường quan hệ hợp tác. Hiện hai nước có 4 cặp tỉnh/thành phố kết nghĩa: Jakarta-Hà Nội, Bà Rịa-Vũng Tàu-Padang, Huế-Yogyakarta, Sóc Trăng-Lampung.
Trên các diễn đàn đa phương, hai nước luôn có sự phối hợp chặt chẽ, đồng quan điểm trên nhiều vấn đề có tầm quan trọng chiến lược, gắn với việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh của khu vực.
Do đó, quan hệ gắn bó giữa hai nước không chỉ mang tính chiến lược đối với sự phát triển của mỗi nước mà còn đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực Đông Nam Á nói riêng và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung. Hai nước duy trì phối hợp lập trường chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là tại ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, Phong trào Không liên kết…
Hiện nay, trao đổi thương mại giữa hai nước phát triển rất tốt và rất ấn tượng. Điều này xuất phát từ việc nền kinh tế Việt Nam đã và đang phát triển với tốc độ rất nhanh, trong khi Indonesia cũng tăng trưởng ổn định.
Trong ASEAN, Indonesia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Indonesia. Kim ngạch thương mại năm 2020 đạt 8,2 tỷ USD; năm 2021 đạt 11,5 tỷ USD-lần đầu tiên vượt mục tiêu kim ngạch 10 tỷ USD/năm mà hai nước đã đề ra; năm 2022 đạt 14,1 tỷ USD; năm 2023 ước đạt hơn 12 tỷ USD.
Hai nước đang hướng tới mục tiêu 15 tỷ USD vào năm 2028. Nhằm hướng tới mục tiêu này, hai bên đang nỗ lực tận dụng hiệu quả những tiềm năng hợp tác, duy trì đà tăng trưởng thương mại theo hướng cân bằng hơn.
Việt Nam luôn nằm trong nhóm 3 nước cung cấp gạo hàng đầu cho thị trường Indonesia. Tính đến tháng 11/2023, Việt Nam đã xuất khẩu sang Indonesia hơn 1,1 triệu tấn gạo, trị giá hơn 600 triệu USD.
Về thủy sản và nghề cá, hai bên tiếp tục thúc đẩy các trao đổi gần đây về các nhóm hàng như tôm hùm, cá ngừ, rong biển; tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp, hiệp hội và ngư dân hai nước để phát triển nghề cá một cách bền vững.
Về đầu tư, tính đến ngày 20/12/2023, Indonesia đã đầu tư trực tiếp vào Việt Nam tổng số vốn là 651,43 triệu USD với 122 dự án, đứng thứ 30/144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Nhiều tập đoàn, công ty của Indonesia đang đầu tư và kinh doanh thành công tại Việt Nam như: Ciputra, Traveloka, Gojek, PT Vietmindo Energitama, Jafpa Comfeed Vietnam, Semen Indonesia Group…
Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam đã có mặt tại Indonesia như FPT, Điện máy xanh... và các doanh nghiệp khác cũng đang hoàn thiện thủ tục đầu tư tại Indonesia như Taxi Xanh (Vingroup), Tập đoàn Việt Thái, Thái Bình Shoes, Công ty Cổ phần Thuận Hải…
Đáng chú ý hơn cả là dự án của Vinfast Global với tổng số vốn đầu tư dự kiến là 1,2 tỷ USD xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại Indonesia với quy mô 50.000 xe mỗi năm, dự kiến sẽ động thổ trong quý 1 năm 2024 và hoàn thành vào năm 2026.
Hợp tác du lịch cũng là lĩnh vực đầy tiềm năng giữa hai nước dựa trên cảnh quan thiên nhiên và nền kinh tế du lịch đang trên đà phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Ngoài việc khôi phục các đường bay trực tiếp sau thời gian gián đoạn, năm 2023, hãng hàng không Vietjet đã mở thêm các đường bay mới Thành phố Hồ Chí Minh-Jakarta và Hà Nội-Jakarta.
Đây là điều kiện thuận lợi để trong thời gian tới hai bên có thể hợp tác phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, kết nối các điểm đến, đồng thời cải tiến, sáng tạo các sản phẩm du lịch mới theo hướng xanh, bền vững.
Đánh giá về triển vọng hợp tác giữa hai nước, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Indonesia Tạ Văn Thông cho biết hai nước vẫn còn có nhiều tiềm năng để tiếp tục khai thác, có nhiều thế mạnh có thể bổ sung cho nhau.
Việt Nam và Indonesia đều là hai nền kinh tế có nhiều tiềm lực, đang trỗi dậy, đang phát triển nhanh chóng. Trong ASEAN, Indonesia là thị trường lớn nhất với hơn 285 triệu người tiêu dùng, còn Việt Nam là thị trường lớn thứ ba với 100 triệu người và tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng.
Nhìn tổng thể, dân số hai nước chiếm 60% dân số ASEAN với tổng cộng gần 400 triệu dân. Hai nước cùng là thành viên của Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) nên có nhiều lợi thế để tăng thương mại hai chiều.
Trong bối cảnh kinh tế thương mại toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thương mại hai nước tiếp tục là điểm sáng tăng trưởng gần 10%/năm. Do đó, Đại sứ Tạ Văn Thông cho rằng khả năng đạt mục tiêu 15 tỷ USD trong vài năm tới là triển vọng rất thực tế.
Để tăng cường thương mại hai chiều, Việt Nam và Indonesia đang phối hợp sớm họp Ủy ban Hỗn hợp kinh tế thương mại lần thứ 8 nhằm đưa ra các biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại.
Bên cạnh hợp tác thương mại và kinh tế truyền thống như nông nghiệp, thủy sản, hàng hóa hai chiều, hiện nay hai nước đang thảo luận để hợp tác trong các lĩnh vực mới như kinh tế Halal, kinh tế xanh, kinh tế số, chống biến đổi khí hậu.
Chính phủ Việt Nam đã đưa ra chiến lược phát triển ngành công nghiệp Halal để tăng cường hơn nữa xuất khẩu sang các thị trường Halal. Hiện nay, tiềm năng của thị trường Halal là rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ USD. Do vậy, đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Hai nước đang làm việc để tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam có được các chứng nhận Halal để thâm nhập mạnh hơn vào thị trường xuất khẩu Halal sang Indonesia.
Đại sứ Tạ Văn Thông cho biết thêm, một trong những xu thế nổi bật trên thế giới hiện nay là tăng cường hợp tác để ứng phó với biến đổi khí hậu. Cả Việt Nam và Indonesia đều đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về cắt giảm phát thải carbon, thể hiện trách nhiệm trong việc đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu giảm thiểu và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong quá trình triển khai thực hiện các cam kết quốc tế, hai nước có thể hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, lưu trữ carbon, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, phát triển kinh tế xanh bền vững...
Ngoài ra, Đại sứ Tạ Văn Thông cho rằng, hai nước cũng cần nghiên cứu, tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực mới, tận dụng các cơ hội mà Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại…
Hơp tác trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, tư pháp và pháp luật, giao thông, giao lưu nhân dân… cũng được hai nước củng cố, thúc đẩy bằng những văn bản thỏa thuận, bản ghi nhớ cụ thể, thực chất. Hàng năm, Indonesia cung cấp cho Việt Nam một số học bổng ngắn hạn, trung hạn và dài hạn trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, ngôn ngữ...
Cộng đồng người Việt Nam tại Indonesia có khoảng hơn 300 người, chủ yếu là những người định cư, kinh doanh lâu dài tại Indonesia, hòa nhập tốt với đời sống địa phương, có cuộc sống ổn định. Đa số bà con có ý thức cao tinh thần dân tộc, nhiệt tình, tích cực tham gia các hoạt động hướng về quê hương, đất nước.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Tạ Văn Thông, chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 11 đến 13/1/2024 sắp tới là lần thứ hai Tổng thống Joko Widodo thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam (sau chuyến thăm hồi tháng 9/2018).
Đây là dịp để hai bên tiếp tục trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hợp tác, làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác chiến lược, qua đó thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống đã được vun đắp gần 70 năm qua.
Trong chuyến thăm này, hai bên sẽ trao đổi về nhiều lĩnh vực cùng quan tâm như thúc đẩy thương mại và đầu tư, hợp tác trong chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế xanh và bền vững, kinh tế Số, hợp tác trong lĩnh vực sản xuất xe điện, nông nghiệp công nghệ cao...
Ngoài ra, tình hình quốc tế thời gian qua có nhiều biến động to lớn cả về địa-chính trị, an ninh cũng như kinh tế quốc tế, do đó, hai bên sẽ có nhiều điểm để trao đổi, thúc đẩy hợp tác và phối hợp lập trường trên các diễn đàn khu vực và quốc tế./.
Nhân dịp Tổng thống Indonesia Joko Widodo thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, Đại sứ Indonesia Denny Abdi đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN về ý nghĩa chuyến thăm và quan hệ hợp tác giữa hai nước.