Đừng để cục kim cương không mua nổi mét vuông đất

2025-01-17 20:13:24
Giá đất ở Hà Nội tối đa chỉ 81 triệu đồng/m2 như quy định trong khung giá được HĐND thành phố thông qua sáng nay (10/12), được đánh giá là chưa sát thị trường.
- Giá đất ở Hà Nội tối đa chỉ 81 triệu đồng/m2 như quy định trong khung giá được HĐND thành phố thông qua sáng nay (10/12), được đánh giá là chưa sát thị trường. Trao đổi với báo chí, đại biểu HĐND, KTS Trần Trọng Hanh cho rằng việc định giá đất của nhà nước phải có chiến lược, có quy luật chứ đừng mang tính thổi phồng.

Không nên chạy theo đột biến thị trường

Theo nghị quyết vừa được HĐND thành phố thông qua, khung giá tối thiểu là hơn 2,3 triệu đồng/m2 (đường 72 qua phường Dương Nội, quận Hà Đông); tối đa vẫn như trước, 81 triệu đồng/m2 (phố Hàng Ngang, Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm). Theo ông, khung giá như vậy có quá cách xa thực tế không?

KTS Trần Trọng Hanh.

Vấn đề này có nhiều điều khống chế, là một hàm số của nhiều biến số. HĐND không thể thông qua một khung giá đất chạy theo những đột biến của thị trường do những nguồn thông tin không chính thức, cũng không thể làm sai pháp luật của nhà nước, càng không thể không tính đến sự ổn định dân cư của hơn 6 triệu người dân Thủ đô. Với những trường hợp đặc biệt, có thể dùng những cơ chế đặc biệt để định giá theo hình thức đấu thầu, đấu giá.

Theo ông, nếu không có khung giá đất do Chính phủ quy định, thì trong hoàn cảnh giá đất quy định cách quá xa thực tế thế vậy, có nên điều chỉnh tăng không?

Việc điều chỉnh giá đất không nên tiếp tục gây ra áp lực đối với đời sống cán bộ công nhân viên. Giá đất tăng không chỉ khiến thuế chuyển đổi đất hàng năm tăng lên mà còn ảnh hưởng đến từng doanh nghiệp và đời sống của từng gia đình. Theo tôi, biện pháp duy nhất là giảm tải áp lực đối với Thủ đô, xây dựng đô thị theo kiểu phi tập trung, tạo điều kiện về mạng lưới giao thông, giúp người dân có thể mua nhà, mua đất ở chỗ xa.

Không ai mong muốn giá đất tăng lên, từ người nghèo đến người trung lưu, đến các doanh nghiệp. Giá đất, giá nhà là vấn đề chiến lược, mà mục tiêu là phải giảm xuống chứ không phải tăng lên để đuổi theo thị trường.

Nhưng nếu giá đất giảm xuống thì lại khó khăn cho công tác đền bù và giải phóng mặt bằng?

Đó là vấn đề mang tính tình huống, quá độ, giải quyết vấn đề chiến lược phải là mô hình phi tập trung. Giải pháp quá độ là thoả mãn yêu cầu về đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân, nhưng nếu phát triển mà cứ tăng áp lực lên đất, khiến dân tiếp tục mất đất, không những không thoả mãn được nhu cầu tạm thời mà đói nghèo, ách tắc giao thông sẽ tăng lên. Giai đoạn quá độ chỉ có thể 5-10 năm chứ về lâu dài không nên tiếp tục.

Mỗi lần có thông tin phong thanh về quy hoạch Thủ đô là giá đất ở các vùng ven đô lại biến động lớn, nhưng tờ trình của UBND vẫn nhận xét tình hình giá đất năm qua ổn định, không biến động. Nhận định đó có thoả đáng không?

Hiện tượng tăng đột biến có nguyên nhân do thổi phồng thông tin. Việc định giá đất của nhà nước phải mang tính chiến lược lâu dài, mang tính quy luật chứ đừng mang tính thổi phồng. Chúng ta phải thật bình tĩnh để đừng rơi nguy cơ "một cục kim cương không mua nổi một mét vuông đất" rất nguy hiểm. Minh bạch thông tin và thông tin có hệ thống sẽ giải quyết được vấn đề thổi phồng và bớt người bị mắc lừa bởi những thông tin đó.

Không để "ôm" đất

Ông nhận định gì về tình trạng nhiều chủ đầu tư đang "ôm" đất ven đô?

Đây là vấn đề hết sức nguy hiểm và đáng quan ngại. Các doanh nghiệp đều mong muốn có đất xây cơ sở để đảm báo chiến lược công ăn việc làm của mình trong tương lai, lợi ích đó của doanh nghiệp là hoàn toàn chính đáng, nhưng lại mâu thuẫn với lợi ích quốc gia và xã hội. Việc phát triển tràn lan ra ven đô sẽ tạo ra một siêu thành phố với áp lực quá lớn, dẫn đến những căn bệnh đô thị của thế kỷ 21 cực kỳ nguy hiểm, cần báo động và chấm dứt càng sớm càng tốt.

Bài thuốc ở đây, trước hết là quy hoạch chung của Thủ đô, dù đã làm xong nhưng vẫn cần nghiêm túc chỉnh sửa cho đúng quy luật phát triển. Thứ hai, những dự án treo dứt khoát phải có biện pháp thu hồi. Nếu cứ "ôm" đất như vậy, nông dân mất ruộng, đầu tư hạ tầng không có, đất để hoang hoá sẽ gây thiệt hại rất nhiều.

Theo ông, đâu là những vướng mắc trong xoá quy hoạch treo ở Hà Nội hiện nay?

Quy hoạch treo về bản chất là những quy hoạch không có chất lượng, chủ đầu tư được giao dự án nhưng không có vốn thực hiện, hoặc dự án đã quy hoạch nhưng không có chủ đầu tư. Xoá quy hoạch treo phải làm từ tốn, có phân loại, biện pháp, tránh hô khẩu hiệu.

Đây là nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước, họ phải có thông tin và đối sách xử lý với từng trường hợp. Nhưng các cơ quan này nhiều khi cũng "lực bất tòng tâm" vì có quá ít người để làm việc. Công tác rà soát liên quan nhiều đến việc đền bù cho những chủ đầu tư đã được giao đất, những vướng mắc này không dễ dàng giải quyết được một cách có lý, có tình, có luật. Vì vậy, phòng bệnh hơn chữa bệnh, trước khi quyết định điều gì cần cân nhắc kỹ, đừng để hệ lụy sau này.

Thủy Chung ghi

Nguồn bài viết : Crowne International Club

Top