Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Đây không phải riêng cô giáo mầm non, mà đây là thực trạng phổ biến của các thầy, cô vì thang bảng lương trong giáo dục thấp so với yêu cầu, nhất là yêu cầu đổi mới nên tôi đã làm việc với Bộ Nội vụ phải có đánh giá một cách công bằng khi các thầy đảm nhận các nhiệm vụ, yêu cầu đổi mới thì chế độ đãi ngộ phải phù hợp mới tạo động lực.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. (Ảnh: VH)
Theo Bộ trưởng Nhạ, trường hợp của cô Lan vừa rồi rất đáng trăn trở. Đứng về mặt nhà nước quy định là như thế, nhưng thực tế về mặt con người thì các thầy, cô hy sinh gần như cả đời, bây giờ về hưu mới được 1,3 triệu đồng thì sống sao được. "Tôi rất suy nghĩ cái này và đang làm việc với Bộ Nội vụ, Tài chính để làm sao nhìn thang, bảng lương của các thầy cô đưa vào Luật giáo dục. Trong sửa luật giáo dục tới đây, vị trí của thầy cô phải xứng đáng với yêu cầu, nhiệm vụ.
Bộ đang tích cực rà soát, chỉnh sửa, bổ sung những vấn đề bất hợp lý để làm sao vị thế của giáo viên đặt đúng chỗ thì mới khuyến khích các thầy cô, động viên được. Đây là những vấn đề ưu tiên sao cho chế độ làm việc gắn với đãi ngộ mới tạo được động lực. Trong Nghị quyết trung ương cũng đã nói thang bảng lương của các thầy cô phải được xếp cao nhất. Với tư cách là người phụ trách ngành thì tôi đang tích cực, phối hợp với các Bộ ngành để làm sao theo đúng Nghị quyết của Đảng".
Nói về việc cô Trương Thị Lan dạy học 37 năm nhưng chỉ có 22 năm biên chế, Bộ trưởng Nhạ cho rằng cái này do quy định của bảo hiểm hoặc Bộ Nội vụ quy định biên chế.
Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh: Bộ đang có chương trình đưa Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 19 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, trong đó có rà soát, sắp xếp kèm theo chế độ phù hợp. Hiện nay thang, bảng lương cơ bản của thầy cô là thấp so với yêu cầu, muốn có động lực thì phải có chế độ phù hợp, phải có thu nhập để các thầy cô yên tâm chứ không chỉ hô hào.
Theo Báo Lao động
Nguồn bài viết : Trò chơi điện tử