Chuẩn bị vào lớp 1: Rèn kỹ năng mềm, nuôi dưỡng con từ phần gốc 

2025-01-17 20:12:56
Phụ huynh nháo nhác tìm lớp, chi tiền triệu cho con ôn vào... lớp 1 Con nghỉ hè, mẹ "nghỉ thở" Nghỉ hè, phụ huynh nháo nhào tìm chỗ học hè bán trú cho con

Rèn kỹ năng mềm, nuôi dưỡng con từ phần gốc

Khi nói đến tiền tiểu học, đa số bố mẹ vẫn lo lắng đến chuyện con nên học gì, luyện gì, chọn trường nào nhưng lại ít khi dành thời gian quan tâm đến việc xây dựng cho con những kĩ năng mềm để chuẩn bị vào lớp 1.

Nếu như con được chuẩn bị mọi kĩ năng và tâm thế để có thể thích nghi với mọi môi trường, khi ấy việc con học trường nào không phải là điều quá quan trọng, dù là trường công hay trường tư, khi ấy bố mẹ cũng đã bớt đi 80% lo lắng. Chuẩn bị cho con những kĩ năng để con học trường nào cũng được, có thể thích nghi với các môi trường dù là trường công hay trường tư. Đó gọi là nuôi dưỡng phần gốc cho con.

Việc học trước về Toán, tiếng Việt vẫn chỉ là phần ngọn. Nếu con có cái gốc tốt, là kỹ năng mềm, là khả năng thích nghi với môi trường, kỹ năng giao tiếp tốt, tư duy tốt thì con sẽ có nền tảng để học được ở mọi môi trường. Thế hệ của chúng ta chủ yếu là vui chơi trước khi vào lớp 1 chứ không học trước, nhưng rồi chúng ta vẫn vào lớp 1 rất ngon lành, là bởi vì những hoạt động vui chơi ấy đã rèn cho chúng ta hầu hết những kỹ năng để vào lớp 1. Nó giống như cái gốc đã nuôi dưỡng rất bèn chặt, vào lớp 1 chỉ việc bắt đầu đâm chồi, mọc lá mà thôi.

Rèn những kỹ năng nào cho con?

Việc rèn kỹ năng cho con nên xuyên suốt quãng thời gian ấu thơ của con, từ 2-3 năm trước khi con vào lớp 1. Sau đây là những kỹ năng mềm giúp con vững bước bước vào lớp 1.

Khả năng thích nghi và đối diện với khó khăn

Bố mẹ đừng bảo bọc con quá. Nền giáo dục của một số nước Bắc Âu như Đan Mạch, Na uy, Thuỵ Điển có một ưu điểm đó là họ để con trẻ được tự do vui chơi ngoài trời nhiều và thậm chí chơi cả những trò chơi mạo hiểm mà không hề cấm đoán con. Họ lí giải rằng việc con trẻ được vui chơi và thử thách những trò leo trèo mạo hiểm chính là rèn luyện cho trẻ khả năng thích nghi với khó khăn và đối mặt với thử thách để giúp chúng vượt qua nỗi sợ. Khi lớn lên đối diện với stress chúng sẽ học được cách vượt qua. Vì thế những người Bắc Âu, đặc biệt là người Đan Mạch được đánh giá là những người cân bằng cuộc sống tốt nhất thế giới.

Trong cuốn “Cha Voi”, giáo sư Trương Nguyện Thành cũng rất ca ngợi nền giáo dục của Đan Mạch trong việc dạy cho con trẻ cách đối diện khó khăn để học cách cân bằng cuộc sống. Vì đây là năng lực vô cùng quan trọng mà trẻ con thời nay sẽ phải đối diện trong xã hội hiện đại.

Nhìn lại tuổi thơ thế hệ 7X, 8X được thỏa sức leo trèo cây cối, chơi những trò chơi mạo hiểm , nhận định trên có phần đúng đắn. Chính nhờ những trò chơi như vậy hồi ấu thơ mà thế hệ 7X, 8X có khả năng thích nghi và vượt qua áp lực công việc cũng như cuộc sống tốt hơn thế hệ trẻ bây giờ.

Trẻ con thực sự rất cần được chơi tự do ngoài trời, điều mà ở thành phố đang ngày một trở thành điều xa xỉ với trẻ. Bởi vì không có không gian để trẻ vận động, và phần lớn vì bố mẹ chỉ muốn chạy theo thành tích và ép con học hành. Vì thế khi thay đổi môi trường trẻ không thể thích nghi ngay. Và rất nhiều bố mẹ vì tâm lí bảo bọc con, không muốn con phải khổ, lo sợ con bị áp lực đã luôn chọn con đường đi an nhàn nhất.

Cho con được tự chủ, tự ra quyết định và hiểu việc học là việc của bản thân con

Suy cho cùng việc học là việc của con trẻ chứ cha mẹ không thể chạy theo cả đời để lo cho con. Vì thế tâm thế chủ động tìm tòi, chủ động học tập là một nền tảng vô cùng quan trọng để bắt đầu cho sự nghiệp học hành.

Tự chủ, tự quyết: Để đứa trẻ thích học thì điều đầu tiên là đừng ép chúng phải học những gì chúng không thích. Vì bộ não sẽ chỉ tiếp thu tốt nhất nếu như con người ta có hứng thú. Thay vì phải cố gắng ép trẻ giỏi đều, giỏi toàn diện thì hãy cứ để trẻ được chơi những gì chúng thích trước đã.

Việc học là việc của bản thân: Hãy nói với con rằng việc của bản thân con thì con sẽ phải tự làm và tự chịu trách nhiệm. Khi đã lựa chọn thì cần đối diện với hậu quả mà lựa chọn đó đem lại. Việc học cũng là việc của bản thân con chứ không phải của bố mẹ. Bố mẹ nên cố gắng nói cho con hiểu vì sao con cần phải học.

Rèn luyện tư duy phản biện thông qua cách đặt câu hỏi với con

Có ai đó đã nói rằng nếu bạn đặt một câu hỏi đúng, bạn đã tìm được một nửa đáp án rồi. Kỹ năng đặt câu hỏi là điều cực kì quan trọng để rèn luyện tư duy cho trẻ. Tiếc là giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường ở Việt Nam lại rất ít chú trọng đến khía cạnh này.

Trong cuốn "Cha Voi", GS Trương Nguyện Thành có viết rằng: “Tư duy phản biện là tư duy suy nghĩ chín chắn và đa chiều”, vì thế ông thường hay đặt với các con câu hỏi “Tại sao con nghĩ vậy. Nếu con là người đó con sẽ nghĩ gì, làm gì. Con thử đặt mình vào vị trí người đó để suy nghĩ xem".

Bố mẹ hãy áp dụng cách này, qua một thời gian dài thực hành có thể rèn cho con tính tự chủ trong suy nghĩ, có chính kiến riêng, biết đưa ra được các lí do, biết quan tâm đến cảm xúc của người khác.

Rèn luyện những kĩ năng sống

Có những kỹ năng sống mà bố mẹ nên rèn luyện cho con từ sớm. Nên kiên nhẫn rèn luyện cho con chứ đừng đòi hỏi con phải hoàn hảo ngay. Những kỹ năng sống cần thiết gồm:

Tự chăm sóc bản thân

Những việc liên quan đến vệ sinh cá nhân đều có thể tự mình làm được như tự ăn, sáng dậy tự đánh răng, rửa mặt, ăn sáng và việc vệ sinh cá nhân khi đi vệ sinh.

Tự chuẩn bị đồ đạc khi đến trường

Từ 5 tuổi trẻ cần được rèn kỹ năng chuẩn bị đồ cá nhân trước khi đi học. Bố mẹ có thể dán hình ảnh những đồ con cần chuẩn bị lên tường chỗ để balo, để tối trước khi đi ngủ hỏi lại con đã chuẩn bị chưa, hoặc sáng trước khi ra khỏi nhà xem lại một lần. Khi rèn được thói quen này, lên lớp 1 con cũng sẽ học rất nhanh việc chuẩn bị sách vở và đồ dùng khi đi học

Bảo quản đồ đạc

Bố mẹ có thể dạy con cách bảo quản đồ đạc bằng cách nói với con rằng nếu con mang đồ đó đi và để quên/ làm mất thì con sẽ chịu hậu quả là không được đem đồ đó đi chơi trong cả tháng đó. Mỗi lần xuống xe hay trước khi đi về phải có thói quen xem mình có bị quên gì không. Nếu con làm mất đương nhiên sẽ không bao giờ được mua lại. Vậy con đi học lớp 1 mà mất đồ thì sao? Khi đó hãy để con tự kiếm tiền hoặc lấy từ tiền nuôi lợn đất để bỏ ra mua, để con học bài học chịu trách nhiệm.

Biết hỏi người khác để nhờ giúp đỡ khi gặp khó khăn

Việc cho trẻ trải nghiệm được tự mình hỏi người khác khi có khó khăn rất cần thiết. Để rèn điều này bố mẹ có thể cho bạn ấy tự mình hỏi nhân viên nhà hàng khi bạn ấy muốn đi vệ sinh, muốn dùng đồ gì đó thay vì bố mẹ hỏi hộ. Ở trường nếu có khó khăn gì con nên hỏi ai, đó là điều mà bố mẹ nên trao đổi với con trước khi đi học.

Thói quen sinh hoạt có quy tắc: ngủ sớm dậy sớm đúng giờ

Không gì tốt bằng việc rèn cho một đứa trẻ tính kỉ luật, thói quen sinh hoạt có quy tắc. Chỉ cần đứa trẻ thức dậy đúng giờ giấc thì đã có một buổi sáng tốt đẹp. Nếu hình thành thói quen này trước khi đi học 1 năm thì trẻ không còn bị sốc múi giờ sinh hoạt khi vào lớp 1 nữa. Buổi sáng dậy sớm có thể trảnh thủ đọc 1-2 cuốn truyện rồi mới đến trường.

Khả năng tập trung làm một việc gì đó (hoạt động tĩnh)

Mỗi tuần 1-2 buổi bố mẹ có thể cho trẻ làm quen với hoạt động tĩnh để rèn khả năng ngồi tập trung. Không nhất thiết chỉ là ngồi làm bài tập sách vở như tô chữ, học đọc, làm toán mà cả việc ngồi vẽ, tô màu, cắt dán gì đó cũng được.

Khả năng tự kiềm chế

Với những đứa trẻ hiếu động, bố mẹ cũng không nên lo lắng quá. Vì đơn giản là những đứa ấy chúng cần nhiều thời gian hơn để rèn luyện cho mình khả năng tự kiềm chế: việc mình muốn làm nhưng không được phép làm, và việc dù mình không muốn nhưng vẫn cần phải làm. Khả năng tự kiềm chế là một năng lực rất cần thiết để giúp con thành công sau này, và để con rèn được kỹ năng này mẹ sẽ cần đồng hành cùng con trong thời gian rất dài nữa. Đứa mà biết mình cần gì, muốn gì thì thường sẽ tốn thời gian để thuyết phục và để chúng tự nhận ra mình cần kiềm chế bản thân hơn.

Khả năng lắng nghe người khác nói

Có thể tập trung lắng nghe lời dặn dò của cô giáo, lời giảng của cô giáo đó là kỹ năng cực kì quan trọng khi con vào lớp 1. Khi người khác nói mình không được làm ồn, nói chen ngang mà phải lắng nghe đến cuối rồi mới nói. Để rèn việc này điều đầu tiên bố mẹ có thể làm chính là hãy lắng nghe điều con nói, để con học hỏi từ chính tâm thế đó của bố mẹ. Hãy đọc truyện cho con thật nhiều từ khi con còn nhỏ. Có thể đọc truyện Ehon cho con từ nhỏ để giúp cải thiện khả năng lắng nghe và khả năng học tập, tiếp thu kiến thức.

Tuân thủ những quy tắc nơi công cộng

Xếp hàng theo thứ tự, không gây ổn ào nơi công cộng. Đi trên xe ô tô thì giữ phép lịch sự là không nói to không làm ồn tránh ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Bỏ rác đúng nơi quy định. Không tè hay khạc nhổ bậy bạ. Không dứt lá bẻ cành ngắt hoa…Những quy tắc ấy khi trẻ bắt đầu bước vào lớp 1 sẽ không còn bố mẹ ở bên, trẻ bắt đầu hoà nhập môi trường xã hội hơn rồi, trẻ cần ý thức để tự biết giữ quy tắc những điều này.

Quan tâm đến bạn bè và mọi người xung quanh

Quan tâm đến bạn bè và những người xung quanh, đặc biệt là cảm xúc của mọi người là điều rất quan trọng. Nếu con chỉ giỏi một mình con sẽ chẳng thể đem lại hạnh phúc bằng việc con biết giúp đỡ và quan tâm đến bạn bè.

Người Do Thái nói rằng nếu bạn chỉ học những gì người khác dạy, bạn chỉ nhớ 30%.

Nếu bạn học những gì bạn thích, bạn chỉ nhớ được 70%.

Nhưng nếu bạn dạy lại được cho người khác, bạn sẽ nhớ được 90% kiến thức.

Việc giúp đỡ bạn như vậy không chỉ tốt cho bản thân mình, mà còn dạy con trẻ biết quan tâm và chia sẻ với mọi người.

Đừng đợi tìm trường tốt, hãy cố gắng để con mình tốt nhất và trường nào cũng cần học sinh như vậy.

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả

Xem thêm:

"Nếu con thi không đỗ thì cũng không sao đâu"

Nếu chẳng may con thi không đỗ, thì chắc chắn tôi sẽ không sao đâu. Và con tôi chắc chắn cũng không sao đâu.

Quỳ không chết, con hư mới chết!

Quỳ một lần để sám hối cái sai không chết được, chỉ sợ dung túng cho con trước cái sai, từ đó sinh ra cái ...

Nếu có ngày con bạn hâm mộ Khá Bảnh

(TĐO) - Nếu có một ngày nào đó con trai mình cũng hâm mộ hay hứng thú với một nhân vật như Khá Bảnh mình ...

Nguồn bài viết : Bảng đặc biệt năm 2024

Top