Nâng cao hiểu biết về bạo lực trên cơ sở giới tại học đường |
Giải quyết vấn nạn bạo lực học đường - cần sự chung tay của cả cộng đồng |
Các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết “Trường học an toàn thân thiện và bình đẳng” giai đoạn 2018-2022. (Ảnh: Plan International Việt Nam) |
Hội nghị Tổng kết Dự án nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ GD&ĐT và Tổ chức Plan International Việt Nam trong triển khai mô hình Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng đến 5 tỉnh miền núi với đối tượng mục tiêu là học sinh tại các trường dân tộc nội trú và vùng sâu, vùng xa từ năm 2018 – 2022. Sự hợp tác nhằm hiện thực hóa việc triển khai Nghị định 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường và Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong các trường phổ thông và chiến lược chương trình Bảo vệ trẻ em và Bình đẳng giới của Tổ chức Plan International.
Sau bốn năm triển khai, Dự án tại 5 tỉnh miền núi đã cho thấy thành công và hiệu quả rõ rệt trong giải quyết vấn đề bạo lực học đường. Học sinh ở các trường triển khai dự án đã cảm thấy an toàn hơn với môi trường xung quanh trường học và trên đường đi học. Tỷ lệ học sinh bị bạo lực thể chất và tinh thần đã giảm đáng kể so với khi bắt đầu triển khai dự án. Nhận thức về giới của giáo viên chủ nhiệm tăng lên gần 25% (từ 55% năm 2018), giáo viên cũng báo cáo họ đã giảm các biện pháp trừng phạt thân thể và tinh thần, tăng cường các hình thức kỷ luật tích cực; đồng thời khoảng cách giữa học sinh và giáo viên cũng được thu hẹp. Gần 100% học sinh đánh giá cao tính phù hợp và cần thiết của các bài giảng của dự án do giáo viên chủ nhiệm tiến hành, hơn 75% các em học sinh đã giúp đỡ bạn bè khi bị bạo lực; hơn 75% đã có những thay đổi tích cực trong thái độ và cách cư xử với bạn bè; tăng 30% số học sinh chia sẻ và tìm kiếm sự hỗ trợ của cha mẹ và tăng 20% học sinh đã chia sẻ và tìm kiếm sự hỗ trợ của thầy cô.
Thành công quan trọng của dự án là đã đạt được các mục tiêu đã đề ra, bao gồm: (i) nâng cao năng lực của các trường trong thúc đẩy chuẩn mực ứng xử bình đẳng giới, ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ở trong và xung quanh trường học; (ii) học sinh nam và nữ của các trường tích cực tham gia vào ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực giới trong trường học; (iii) được thuyết phục từ bằng chứng hiệu quả của mô hình, Sở Giáo dục & Đào tạo 05 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị và Kon Tum đã nhân rộng mô hình Trường học An toàn, Thân thiện và Bình đẳng từ 47 trường năm thứ nhất (2018) lên 174 trường vào năm thứ tư (2022) thực hiện tại 05 tỉnh, cam kết tiếp tục thực hiện mô hình ở các trường học thực hiện dự án và nhân rộng mô hình ra toàn hệ thống trường học tại toàn tỉnh trong thời gian tới.
Cũng tại Hội nghị, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có phát biểu chỉ đạo việc duy trì và nhân rộng mô hình tại các tỉnh và cả nước trong thời gian tới. Bà Lê Thị Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ GDĐT nhấn mạnh: “Tìm hiểu và triển khai các mô hình là một trong các nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm xây dựng và bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện không có bạo lực học đường. Mô hình Trường học an toàn thân thiện và bình đẳng đã được Bộ GDĐT phối hợp với Plan và 05 địa phương xem xét, cho phép triển khai thử nghiệm trong giai đoạn 2018-2022, kết quả thử nghiệm là căn cứ để xem xét cho việc tiếp tục duy trì và nhân rộng trong thời gian tới. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét một cách tổng thể, cho phép nghiên cứu, xây dựng Hướng dẫn triển khai mô hình này trong thời gian tới”.
“Chúng tôi cảm thấy rất tự hào với những thành quả mà dự án đã đạt được. Cụ thể là các trường thực hiện dự án đã cho thấy những kết quả tích cực với phương pháp tiếp cận phù hợp thu hút được sự tham gia của cả hệ thống trường học, không chỉ các em học sinh với tư cách là các tác nhân thay đổi, mà còn có các giáo viên, các bậc cha mẹ, ban giám hiệu,... tất cả đã cùng nhau tham gia giải quyết vấn đề này. Dự án đã rất thành công khi tạo ra được môi trường thuận lợi để trẻ em gái, trẻ em trai và giáo viên cảm thấy an toàn hơn trong ngôi trường của mình. Các Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh và Bộ Giáo dục đã có được những bằng chứng từ dự án này để có thể tạo ra một số thay đổi trong chính sách. Chúng tôi tin rằng những kết quả của Dự án sẽ được nhân rộng ra khắp Việt Nam, và rộng hơn là các nước trong khu vực và trên thế giới” - Theo Bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý Tác động Chương trình và Đối tác, Tổ chức Plan International Việt Nam.
Đại điện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang, một trong 5 đơn vị thực hiện thí điểm cho biết:“Trong thời gian tiếp theo, trách nhiệm của ngành Giáo dục tỉnh Hà Giang là sẽ tiếp tục phát huy những thành quả và hiệu quả mà Mô hình đã mang lại bước đầu cho các cơ sở giáo dục và địa phương được triển khai, qua đó xem xét nhân rộng những mô hình, những cách làm mà Mô hình đã thực hiện và đã chứng minh được hiệu quả”.
Trường học An toàn, Thân thiện và Bình đẳng là mô hình dự án giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới trong trường học đã được Plan International Việt Nam thử nghiệm thành công tại Hà Nội từ năm 2013-2016 trên 20 trường và hiện đang được Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội duy trì và nhân rộng. Mô hình Trường học An toàn, Thân thiện và Bình đẳng tập trung can thiệp nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng cho các em trong phòng tránh và xử lý khi đối diện với bạo lực giới, bên cạnh đó dự án còn nâng cao năng lực cho Ban giám hiệu và cán bộ giáo viên trong trường để tạo một môi trường thuận lợi cho việc hình thành và duy trì thái độ bình đẳng giới trong học sinh. Dự án kêu gọi, thu hút sự tham gia, ủng hộ của phụ huynh với các hoạt động nâng cao nhận thức dành riêng cho phụ huynh; hướng tới xây dựng cộng đồng xã hội có thái độ không khoan dung với bạo lực giới trong trường học, từ đó vận động cho xây dựng và triển khai các chính sách nhân rộng mô hình trong hệ thống giáo dục trên địa bàn tỉnh và cả nước.
Trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ GDĐT và Tổ chức Plan từ năm 2018 đến 2022, các hoạt động chính được phối hợp triển khai bao gồm: (i) Quản lý điều phối hoạt động đánh giá thực trạng về bạo lực trên cơ sở giới tại trường học trên địa bàn 5 tỉnh vào năm đầu và đo kết quả của sự thay đổi vào năm kết thúc dự án; (ii) Hỗ trợ quá trình thành lập và vận hành phòng tham vấn tâm lý học đường cho 47 trường THCS tham gia dự án thuộc 5 tỉnh (thông qua điều phối, chỉ đạo, hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình đào tạo đội ngũ cán bộ tham vấn tâm lý học đường của các trường); (iii) Hỗ trợ sửa đổi Thông tư Khen thưởng và Kỷ luật tích cực; (iv) Xây dựng Hướng dẫn quốc gia về triển khai Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng; (v) Tổng kết mô hình Dự án và chỉ đạo việc duy trì và nhân rộng mô hình.
Sau 4 năm triển khai thực hiện, Dự án đã đạt được những kết quả cụ thể như sau:
(i) 200 Giảng viên Nguồn và 2.266 giáo viên chủ nhiệm được tập huấn nâng cao về kiến thức và kỹ năng về giảng dạy bình đẳng giới và BLTCSG trong trường học.
(i) 61.074 học sinh (29.234 em gái và 31.840 em trai) tại 2.266 lớp học ở 145 trường THCS và 33 trường tiểu học đã được tham gia vào 31.261 tiết giảng về bình đẳng giới và BLTCSG trong trường học do 2.266 thầy cô giáo chủ nhiệm thực hiện.
(ii) Hơn 2.900 Thủ lĩnh Thay đổi (1.450 học sinh nữ - 1.450 học sinh nam) được tuyển dụng từ học sinh 145 trường THCS và trở thành những hạt nhân thu hút sự tham gia của hơn 53.000 học sinh 145 trường THCS vào phòng chống và ứng phó với BLTCSG trong trường học. Thủ lĩnh Thay đổi với sự hỗ trợ của Ban Giám hiệu, Giảng viên nguồn và các thầy cô giáo đã tổ chức thành công 380 sự kiện truyền thông và triển khai hơn 220 sáng kiến truyền thông trong trường.
(iii) 51,013 mẹ và 53,677 bố đã được nâng cao nhận thức về BLTCSG trong trường học và kỹ năng hỗ trợ con phòng tránh bạo lực thông qua 1.073 buổi truyền thông cho cha mẹ tại buổi họp trên lớp.
(iv) 145 phòng tham vấn tâm lý học đường được thành lập với đầy đủ cơ sở vật chất, 300 cán bộ tham vấn tâm lý trường học được đào tạo và chính thức cung cấp dịch vụ cho học sinh. Tính đến tháng 6/2022 có 7.741 học sinh (3.812 nữ - 3.929 nam) đã tiếp cận và được hỗ trợ trực tiếp từ 145 văn phòng tâm lý học đường tại 145 trường dự án.
(v) 3,768 giáo viên và cán bộ nhà trường được nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và BLTCSG trong trường học thông qua 412 hội thảo định hướng tại trường.
(vi) 832 cuộc giao ban chuyên môn định kỳ giữa giáo viên chủ nhiệm trong trường và 120 cuộc giao ban, chia sẻ kinh nghiệm giữa các trường THCS trong tỉnh đã được triển khai nhằm chia sẻ kinh nghiệm triển khai các tiết giảng và các hoạt động dự án tốt hơn.
(vii) Dự án đã được mở rộng quy mô từ 47 trường năm thứ nhất (2018) lên 174 trường vào đầu năm thứ 4 (2021) tại 05 tỉnh. Vào cuối năm thứ 4 (2022), trong triển khai kế hoạch nhân rộng mô hình dự án ra toàn tỉnh, 105 trường nữa đã được mở rộng tại 05 tỉnh, nâng tổng số trường thực hiện dự án lên 279 trường.
Dự án “Trường học An toàn, Thân thiện và Bình đẳng” tại 05 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Quảng Bình, Quảng Trị và Kon Tum có tổng kinh phí của bốn năm khoảng 66 tỷ đồng, được hỗ trợ bởi Tổ chức Plan quốc tế thông qua văn phòng Plan tại Việt Nam.
Chú thích:
1. Dự án “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” định nghĩa bạo lực trên cơ sở giới tại trường học bao gồm: i) bạo lực tình dục, thân thể hay tinh thần; ii) làm tổn thương trẻ ở trong trường học, trên đường đến trường và xung quanh trường học; iii) các hành vi gây ra bởi các khuôn mẫu giới và vai trò hay định kiến mà dành cho các em dựa trên giới tính của các em. Bạo lực trên cơ sở giới tại trường học cũng đề cập đến các cách mà các em phải trải nghiệm bạo lực hoặc các tổn thương mà các em phải chịu do giới tính của mình. Ở phần lớn các xã hội, mối quan hệ bất công bằng giữa người lớn và trẻ em cũng như những khuôn mẫu giới, những định kiến và vai trò giới đã ăn sâu vào trong đời sống xã hội thường đặt các em gái dễ bị tổn thương bởi các hành vi quấy rối tình dục, bị hiếp dâm, bị cưỡng ép, bị bóc lột và bị phân biệt đối xử bởi bạn bè, thầy cô và những người lớn khác. Các em trai, ngược lại, thì lại dễ bị tổn thương hơn trước các hành vi bạo lực thân thể do bạn bè và người lớn gây ra. Các em trai và gái, những em không thích ứng với các hình thức áp chế về văn hóa và tôn giáo, ví dụ như các quan niệm về nam tính, nữ tính cũng dễ bị bạo lực tình dục và bắt nạt.
2. Nghị định số 80/2017/NĐ-CP giải thích từ ngữ: Bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập.
Phòng chống bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học |
OPPOHack 2022 – cuộc thi hackathon hợp tác và cạnh tranh để giải quyết các vấn đề liên kết của tương lai |
Nguồn bài viết : Điện toán 123