Câu nói “Quảng Nam hay cãi” như nét đặc trưng của vùng đất “chưa mưa đã thấm” này. Và một điều ít ai ngờ, tại đây lại có một nơi được xem là “tổ cãi” như minh chứng thêm cho câu nói về người xứ Quảng.
Vào một ngày cuối tháng chạp, trong cơn mưa trắng trời, chạy dọc QL1A ngang qua địa phận xã Quế Phú (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), chúng tôi tìm đến làng Hương Quế - nơi được xem là “tổ cãi” trong câu nói “Quảng Nam hay cãi” lưu truyền.
Lân la qua nhiều đường làng, lối xóm, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Ngọc Yên (70 tuổi), hiện đang là Chủ tịch Hội đồng gia tộc Nguyễn Văn làng Hương Quế. Mặc dù tuổi đã ngoài 70 nhưng nhìn ông Yên trẻ so với tuổi, tóc ít sợi bạc, giọng sang sảng tiếp chuyện PV cả tiếng.
Sau câu chuyện chào hỏi, biết được mong muốn của chúng tôi về việc tìm hiểu rõ hơn “tổ cãi” ở Quảng Nam, ông Yên giới thiệu những thông tin đã được sử sách ghi lại, đặc biệt, quyển sách quý “Một tài liệu về cuộc di dân Nam tiến của tiền nhân”.
Ông Nguyễn Ngọc Yên (70 tuổi), hiện là Chủ tịch Hội đồng gia tộc Nguyễn Văn làng Hương Quế |
Ông Yên say sưa kể, thủy tổ (Người có công khai phá ra làng – PV) của làng Hương Quế là ông Nguyễn Văn Lang (1435-1513), tức Văn Giàu. Trong cuốn gia phả họ Nguyễn ở Hương Quế ghi rõ, ông là cháu nội của Nguyễn Công Duẩn, gọi Nguyễn Trãi bằng ông cố. Ông sinh ra và lớn lên trong gia đình danh tướng, học rộng, tinh thông thao lược, giỏi về thiên văn, có sức khỏe phi thường và bắt được hổ.
Thời vua Tương Dực, ông được thăng làm Thừa tướng Thượng tể. Lúc bấy giờ, võ tướng Mạc Đăng Dung có âm mưu cướp ngôi nên ra tay sát hại công thần, nhà vua đam lại mê tửu sắc, nhân dân ta thán.
Ông nhận thấy trên bất chính, dưới không trung, một mình ông phải lo trăm việc. Nhân dịp trong nhà có tang cha, ông xin nhà vua về lo hậu sự và nghỉ ngơi. Một thời gian sau, vua Tương Dực ban chiếu chỉ lệnh cho ông vào triều bái yết, ông không vào và dâng tờ “Bình trị” gồm 14 điều trần khuyên răn vua.
Nhà thờ tộc Nguyễn Văn nằm trên gò đất cao, trước mặt nhà thờ là cánh đồng lúa bao la |
Trong 14 điều trần tập trung khuyên nhà vua tự sửa lỗi để tránh mọi tai hại cho dân; phát huy lòng hiếu thảo, nhớ ơn các dâng tổ tiên đã dày công xây dựng non sông để tỏ tấm lòng trung hậu; lánh xa thanh sắc, để chỉnh lòng người…
Đoạn cuối tờ “Bình trị”, ông Nguyễn Văn Lang có viết: “Thần hạ nghe người xưa có nói: những người hái rau đốn củi mà các bậc thánh nhân còn để ý lựa chọn, không khinh bỏ Kinh Thi có câu: “Biết việc không khó mà thực hành cho đúng thì rất khó”.
Thần hạ kính dâng 14 điều, rất mong bệ hạ chọn đó mà làm. Sợ việc đáng sợ, lo việc đáng lo. Ngỏ hầu thuận được đạo trời, an được đạo đất, hòa được đạo người và dân trong nước chung hưởng thái bình thịnh trị”.
Nhận được tờ “Bình trị”, Nhà vua đưa 14 điều nói trên ra để luận bàn cùng với quần thần. Quần thần cho rằng ông làm như thế là dạy vua, nếu làm theo những điều trên sẽ gây rối loạn. Vua Tương Dực bạc nhược và không làm theo lời nào.
14 điều trần của ông Nguyễn Văn Lang vẫn được treo trang trọng trong nhà thời |
Tài liệu của dòng tộc vẫn còn ghi lại 14 điều trần của ông Nguyễn Văn Lang dâng lên vua |
Việc khuyên can vua không có hiệu quả, ông dâng sớ xin vua cấp cho đất đai, tuyển mộ nông dân vào Nam khai khẩn đất hoang, dựng thêm làng ấp. Ông Nguyễn Văn Lang đưa nông dân mới tuyển và gia đình vào Nam định cư tại làng Hương Ly, về sau đổi thành Hương Quế (Quế Phú) ngày nay.
Ông Yên trầm ngầm, có thể do 14 điều trần dâng vua đó mà người ta mới có câu rằng: “Quảng Nam hay cãi”.
Người Quảng Nam khẳng khái lắm
Theo chân Chủ tịch Hội đồng gia tộc Nguyễn Văn làng Hương Quế trong cơn mưa xối xả, chúng tôi đến diện kiến nhà thờ tộc Nguyễn Văn. Nằm trên gò đất cao, trước mặt nhà thờ là cánh đồng lúa bao la.
Thắp nén hương cho người lập nên ngôi làng này, ông Yên giới thiệu, nhà thờ tộc được xây dựng theo phong cách 3 gian 2 chái. Gian giữa thờ ông Nguyễn Văn Lang, hai các gian trái phải dành cho các con trai thứ, út và những thế hệ về sau.
Ở đây, 14 điều trần của ông Nguyễn Văn Lang được con cháu treo trang trọng.
Hai gian trái phải dành cho các con trai thứ, út và những thế hệ về sau |
Năm 2016, nhà thờ tộc họ Nguyễn Văn được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh |
“Hiện gia tộc vẫn đang cắt cử người quản lý, chăm nom, hương khói, mỗi năm sẽ có 4 lễ cho 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Lễ lớn nhất vào ngày 7/12 âm lịch hàng năm, khi con cháu tề tựu để kính lễ ông bà, tổ tiên. Vào năm 2016, nhà thờ tộc họ Nguyễn Văn được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh”, ông Yên thông tin.
Ngồi tâm sự hồi lâu, ông Yên mở lòng, bản thân thấy, câu “Quảng Nam hay cãi” đó nó còn giải thích rõ tính tình của người Quảng Nam.
“Người Quảng Nam khẳng khái lắm, nếu như sai người ta sẽ nói cho để điều chỉnh ngay ở đó. Với đó, khi đưa ra bàn luận sẽ tìm ra nhiều cái mới, phản ứng để phát triển, giọng người Quảng Nam nói chuyện lại to nên người ta cứ nhầm tưởng là cãi”, ông Yên khà khà.
Phó chủ tịch UBND xã Quế Phú Nguyễn Văn Hoa kể: “Xưa làng Hương Quế có đất đai rất rộng, bao gồm cả một phần xã Phú Thọ và Quế Cường….
Sau khi phân chia lại địa chính, bây giờ thành 2 thôn đó là Hương Quế Đông và Hương Quế Nam. Diện tích làng Hương Quế nói chung hiện 385ha, với 735 hộ cùng 3.144 khẩu. Hiện đây là vùng phát triển nhất của xã, với nhiều người thành tài”.
Ông Hoa tự hào cho biết thêm, nơi này có nhiều người rất giỏi trong lịch sử như Trung tướng Nguyễn Huy Chương, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Quốc Dũng hay hiện tại là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc...
Công Sáng
Những khu chợ truyền thống tại Phú Thọ, Quảng Ngãi, Thái Nguyên trong dịp Tết Nguyên Đán trở thành bối cảnh chụp hình ấn tượng của nhiều bạn trẻ.
Nguồn bài viết : VA Điện Tử