Theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 mới được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 2/4/2019, hệ thống phát thanh, truyền hình đổi mới theo hướng tập trung sản xuất chương trình, bảo đảm thời lượng phát sóng chương trình sản xuất trong nước của kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và địa phương đạt tỷ lệ tối thiểu 70% tổng thời lượng phát sóng trong 1 ngày của từng kênh chương trình (trong đó, thời lượng chương trình tự sản xuất mới đạt tối thiểu 30% thời lượng các chương trình sản xuất trong nước); việc khai thác các nội dung từ kênh chương trình nước ngoài tập trung vào tin thời sự quốc tế, khoa học, kỹ thuật, thể thao, giải trí và không vượt quá 30% tổng thời lượng phát sóng trong 1 ngày của kênh đó.
Đến năm 2020, các đài phát thanh, truyền hình tự bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên. Nhà nước có cơ chế hỗ trợ, đặt hàng đối với các kênh, chuyên mục, chương trình phục vụ các nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền thiết yếu và có cơ chế phù hợp để từng bước hình thành và phát triển ngành công nghiệp sản xuất nội dung trong nước.
Đối với hệ thống dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, số lượng kênh chương trình nước ngoài được phép khai thác nguyên kênh trên hệ thống không vượt quá 30% tổng số kênh khai thác.
Các kênh Truyền hình Thông tấn của Trung tâm Truyền hình Thông tấn (chủ quản Thông tấn xã Việt Nam), kênh Truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam của Đài Tiếng nói Việt Nam, kênh Truyền hình Công an Nhân dân của Cục Truyền thông Công an nhân dân (chủ quản Bộ Công an), kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam của Trung tâm Phát thanh, truyền hình Quân đội (chủ quản Bộ Quốc phòng), kênh Truyền hình Quốc hội của Truyền hình Quốc hội Việt Nam (chủ quản Văn phòng Quốc hội), kênh Truyền hình Nhân dân của Báo Nhân dân (chủ quản Ban Chấp hành Trung ương Đảng) không xây dựng hệ thống truyền dẫn, phát sóng riêng biệt. Các Trung tâm truyền hình khu vực của Đài Truyền hình Việt Nam chỉ thực hiện chức năng sản xuất chương trình cho Đài Truyền hình Việt Nam tại khu vực đó, không phát sóng riêng kênh chương trình khu vực.
Phương án sắp xếp mô hình tổ chức của hệ thống phát thanh, truyền hình gồm:
Đài Truyền hình Quốc gia: Đài Truyền hình Việt Nam;
Đài Phát thanh Quốc gia: Đài Tiếng nói Việt Nam (bao gồm Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC);
Các đơn vị hoạt động truyền hình của bộ, ngành gồm: Trung tâm Truyền hình Thông tấn; Cục Truyền thông Công an nhân dân (thuộc Bộ Công an); Trung tâm Phát thanh, truyền hình Quân đội; Báo Nhân dân; Truyền hình Quốc hội Việt Nam;
Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 1 đài phát thanh và truyền hình; riêng thành phố Hồ Chí Minh có 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình. Mỗi đài chỉ có 1 kênh phát thanh, 1 kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu; Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có cơ chế đặc thù về mô hình tổ chức và phạm vi thông tin, mỗi đài có tối đa 2 kênh phát thanh, 2 kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu.
Lộ trình thực hiện: Đến hết năm 2020, các đài phát thanh, truyền hình trên cả nước hoàn thành việc sắp xếp theo phương án này.
Nguồn bài viết : Thống kê giải đặc biệt theo tuần