Cựu binh Paul Cox - người mang sự thật về cuộc chiến thảm khốc tại Việt Nam cho người dân Mỹ Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam cải thiện sức khỏe trẻ sơ sinh tại vùng nhiễm chất độc da cam Dự án RENEW trao xe lắc cho người bị ảnh hưởng của chất độc da cam |
Cựu chiến binh Matt chia sẻ tại buổi gặp gỡ hữu nghị với cựu chiến binh Việt Nam tháng 9/2019. Ảnh: P.Y |
Ông là Matthew Keenan (Matt), 69 tuổi đến từ thành phố New York. Từ 4 năm nay, ông đã tình nguyện khoác lên vai mình trọng trách đặc biệt: trở thành cha của những trẻ em là nạn nhân chất độc da cam.
Matt Keenan đến Việt Nam vào cuối năm 1971, làm nhân viên hành chính tại các khu căn cứ của quân đội Mỹ ở Cam Ranh (Khánh Hòa), Chu Lai (Quảng Nam) và Đà Nẵng.
Matt kết thúc nhiệm kỳ phục vụ ở Việt Nam và trở về Mỹ vào tháng 5/1972. Ông kể lại: "Giây phút đặt chân lên bậc thềm ngôi nhà thân yêu sau hơn 1 năm xa cách, mẹ tôi đã đón con trai bằng một thông điệp dán trên cánh cửa: "Welcome home, Matt. Love, Peace, Happiness"(Chào mừng Matt trở về. Tình yêu, Hòa bình, Hạnh Phúc).
Cuộc sống của cựu binh trẻ cứ thế trôi qua suôn sẻ, bình lặng như lời chúc của mẹ. Matt hoàn tất chương trình Cử nhân, có công việc ổn định trong ngành luật rồi lập gia đình. Ông tâm sự, lành lặn trở về Mỹ, bản thân chưa bao giờ có ý định quay lại Việt Nam và chỉ muốn xóa sạch những ký ức đáng sợ nơi chiến trận. Ý nghĩ ấy đã theo Matt mãi cho tới năm 2013, khi ông nhận được chẩn đoán mình mắc bệnh ung thư, nhiều khả năng là di chứng của chất độc da cam.
Cựu binh Matt và mẹ trước nhà mình ngày 12/5/1972. Trên cửa là dòng chữ "Chào đón trở về. Tình yêu. Hòa bình. Hạnh phúc". Ảnh: NVCC |
Dành thời gian tìm hiểu, Matt sững sờ khi biết rằng các căn cứ mình từng làm việc nằm trong những điểm nóng của chất độc da cam. Thứ hóa chất thảm họa này không chỉ hành hạ những người bị phơi nhiễm trực tiếp, mà còn truyền sang thế hệ con cháu họ, là "thủ phạm" gây nên những khuyết tật nặng nề từ trong bào thai.
Bản thân cũng là nạn nhân chất độc da cam, Matt cảm thấy thấm thía hơn bao giờ hết về trách nhiệm của mình đối với những người cùng cảnh ngộ tại Việt Nam. Năm 2015, ông đến Hà Nội theo chương trình của tổ chức Tình nguyện viên vì Hòa bình Việt Nam (Volunteers for Peace Vietnam). Chuyến đi này đã đưa Matt đến với Làng Hữu nghị, nơi điều trị, hồi phục sức khỏe cho các thương binh cũng như chăm sóc, dạy dỗ con em cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam.
Cựu binh Matt (áo xanh) với trẻ em Làng Hữu nghị năm 2015. Ảnh: Facebook nhân vật |
Trong hơn một tháng ở làng Hữu nghị, Matt đã trở nên thân thiết với những người Việt Nam cùng cảnh ngộ. Ông đã hòa mình vào cuộc sống bình dị ở đây, cùng các cán bộ, nhân viên làng Hữu nghị chăm sóc, dạy học, vui chơi cùng các em nhỏ.
Không lâu sau đó, Matt được một người bạn kết nối với Hội nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng, nơi ông từng đóng quân. Và kể từ năm 2015 đến nay, Đà Nẵng đã trở thành ngôi nhà thứ hai của người cựu binh Mỹ. Mỗi năm, ông dành khoảng 6 tháng ở lại đây, toàn tâm toàn ý hỗ trợ Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng.
Một ngày của Matt thường bắt đầu tại cơ sở 1 của Trung tâm (quận Thanh Khê), đến chiều, ông lại chạy xe máy tầm 20km đến cơ sở 3 (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang). Là một tình nguyện viên, Matt đảm nhận rất nhiều vai trò. Có lúc ông là người thầy cần mẫn dạy các cô bé, cậu bé viết, vẽ tranh; có khi ông lại đóng vai huấn luyện viên sôi nổi trên sân bóng rổ; có lúc là người phụ tá tỉ mẩn xếp từng bó hương (sản phẩm của các thành viên trung tâm) ra sân phơi nắng.
Matt làm Huấn luyện viên bóng rổ cho trẻ em nhiễm chất độc da cam. Ảnh: Giang Thanh/TP |
Ngày lại ngày, những người khách ghé thăm Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh Đà Nẵng đã quen với hình ảnh những em bé khuyết tật ở nhiều lứa tuổi ríu ran vây quanh Matt như đàn con nhỏ quấn quýt bên cha. Khuôn mặt đỏ bừng dưới cái nắng miền Trung, lưng áo ướt đẫm mồ hôi, nhưng đôi mắt người cựu binh luôn lấp lánh niềm vui.
Ông tâm sự: "Tôi và những đứa trẻ ở đây không nói cùng ngôn ngữ. Nhưng tôi tin rằng các em hiểu được sự quan tâm, chăm sóc của tôi. Bởi có những yêu thương không cần diễn đạt bằng lời nói, mà từ trái tim.”
Suốt hơn 4 năm qua, bên cạnh trực tiếp chăm sóc những đứa "con nuôi da cam", Matt còn nỗ lực kêu gọi, vận động các cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế, đến từ Australia, Nhật Bản, Mỹ, Canada... tới hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam tại Đà Nẵng.
Để đem lại điều kiện sống tốt hơn cho các thành viên Trung tâm, Matt không bỏ qua hoạt động gây quỹ nào, từ chạy marathon, đạp xe cho tới bán các sản phẩm của Trung tâm.
Thỉnh thoảng, nhận thấy Trung tâm còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, Matt lại tự tay mua về, có khi là chiếc ti vi màn hình phẳng, khi là dàn âm thanh mới. Năm 2017, cùng với sự giúp sức của các cựu chiến binh, ông đã mua tặng Trung tâm ba chiếc ghế xích đu, bỏ tiền túi xây sân bóng rổ cho các em nhỏ...
Quê hương thứ hai: Tình yêu, hòa bình, hạnh phúc
"Kể từ khi tôi tới Việt Nam, bạn bè, người thân đã hết sức ngỡ ngàng về sự thay đổi của tôi. Họ nói rằng, chưa bao giờ thấy tôi vui vẻ, hạnh phúc đến thế trong hàng chục năm quen biết", Matt chia sẻ trong buổi giao lưu hữu nghị với các cựu chiến binh Việt Nam tại Hà Nội tháng 9/2019.
Matt nói, ông tìm thấy niềm vui từ trong trái tim mình, bởi có một sợi dây kết nối ông với những em nhỏ ông giúp đỡ: “Chúng tôi đều là nạn nhân chất da cam."
Cựu binh Matt với trẻ mồ côi thành phố Đà Nẵng. Ảnh: NVCC |
Không chấp nhận để "cơn ác mộng da cam" ăn mòn tinh thần, thể xác, Matt đã chọn cho mình một lối thoát được chiếu sáng bởi tình yêu thương, sự sẻ chia. Cuộc sống của một tình nguyện viên tại Việt Nam có thể không tiện nghi, an nhàn như ở Mỹ, song nó đem lại cho Matt những điều vô giá. Đó là sự ấm áp trong tâm hồn, an lành trong trái tim và cảm giác được sống trọn vẹn từng phút giây.
Matt tâm sự, gần 50 năm trước ông tới Việt Nam và "đếm từng ngày để quay về". 50 năm sau, Việt Nam, Đà Nẵng đã trở thành quê hương thứ hai của ông.
“Tôi rất yêu Việt Nam và sẽ tiếp tục quay trở lại để cống hiến sức lực giúp đỡ nạn nhân da cam. Tôi có một khát khao mãnh liệt để sống đúng với lời nhắn gửi của mẹ khi đón tôi trở về sau chiến tranh: "Tình yêu, hòa bình và hạnh phúc," ông nói.
Đêm nhạc Hữu nghị Việt - Nhật vì nạn nhân chất độc da cam Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Hội Nạn nhân Chất độc da cam/Dioxin Việt Nam và Nhà ... |
VESAMO trở lại Việt Nam vì niềm tin và lòng thân ái của người Việt Tối ngày 26/6, tại Hà Nội đã diễn ra Đêm giao lưu hữu nghị Việt – Hàn với sự góp mặt của hàng chục hội ... |
Liên hiệp Hậu Giang phối hợp trao 200 phần quà tết cho nạn nhân chất độc da cam TĐO- Ngày 27/1, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Hậu Giang phối hợp với Hội Nạn nhân Chất độc da cam tỉnh đã ... |