Gặp gỡ nữ nghệ nhân 95 tuổi với 80 năm làm gốm ở Quảng Nam

2025-01-17 20:12:55
Gốm sứ Thanh Hà: Có 4 người tên Trang, xuất hiện thủ kho Chung Làng gốm Bát Tràng - làng gốm cổ nổi tiếng nhất Việt Nam Chuyện tình ông chủ lò gốm Bát Tràng và người đẹp phố cổ
Bà Được đã dành cho gốm một thứ tình yêu mấy chục năm nay không thay đổi

Phận gốm, đời người

Ngừng bàn xoay đã mòn vẹt vì thời gian, bà lão Nguyễn Thị Được (làng gốm Thanh Hà, Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) khua nhẹ mái tóc đã bạc trắng để vết bùn lem trên trán. Rồi bà nhíu mày một chút và cười: “Mùi bùn thơm!”. Dù đã ở tuổi 95, nghệ nhân Nguyễn Thị Được chưa một ngày bỏ bàn xoay, chưa một ngày đôi tay già ấy ngừng vê đất, vuốt gốm. Bà đã dành cho gốm một thứ tình yêu mấy chục năm nay không thay đổi.

Ở làng gốm này, chẳng còn ai không biết đến bà, người đã gắn bó với gốm ngót nghét 80 năm. 80 năm, đó là con số không hề nhỏ cho một đời người, và đó là vài thế hệ, vậy nhưng bà vẫn một lòng với gốm. Một lòng với nghề truyền thống như thuở 13, cái tuổi mà lần đầu tiên tay bà chạm vào bàn xoay, lần đầu tiên nguệch ngoạc với gốm thuở ban đầu.

Bà kể, nhà bà nghèo lắm, bà khi ấy còn tóc bỏ đuôi gà, bà đã biết đi chuốt gốm cho các chủ khác để được trả 8 xu mỗi ngày. Số tiền đó bà đưa cho cha mẹ để nuôi cả gia đình. Bà không học chữ, mà học làm gốm. Cứ thế, buổi tối bà học cách làm gốm của mẹ, ban ngày thì đi chuốt gốm cho các chủ khác kiếm tiền. Vừa làm vừa học, tài làm gốm của những người chủ, lâu dần đôi bàn tay cũng trở nên điêu luyện, thuần thục.

Bà trở thành người thợ làm gốm trẻ nhất làng. Mà lại là thợ nữ thì càng khiến người làng khâm phục. Móm mém cười trong tiếng ù ù của bàn xoay già cỗi như chính tuổi đời của mình, bà nheo mắt kể: “Hồi ấy, lòng yêu nghề đến mức sáng tối trên tay lúc nào cũng có cục đất sắt, sự khổ luyện chải chuốt gốm mỗi ngày khiến tui trở thành đứa con nít làm gốm đẹp nhất làng. Rồi lớn lên, khi lấy chồng, tui đòi chồng phải giao ước dù xảy ra bất kỳ chuyện gì, cũng không được bắt tui... bỏ ghề. Mãi đến tận bây giờ, khi tuổi đã ngấc ngưỡng, trong những giấc mơ vẫn đều đều mơ về gốm…”. Hơn 80 năm với gốm, những câu chuyện thường nhật bà ít nhớ, nhưng khi kể về gốm, bà lại say sưa nhớ rất rõ mồn một.

Ở làng Thanh Hà này, người lớn tuổi nhất trong làng giờ chỉ còn có bà là vẫn làm nghề. Bà bắt đầu lập một cơ sở nhỏ, làm đủ 25 mẫu với các sản phẩm đẹp từ bát, nồi, chum, vại đến bình, chậu kiểng... Trong đó, hũ bảy, sáu là hũ lớn nhất, đòi hỏi kỹ thuật phải cao mới chuốt được, nhưng bả bảo “với tui, già nghề rồi nên làm dễ như chơi”. Những sản phẩm bà làm ra được nhiều người biết đến và đón nhận, nhiều du khách nước ngoài tham quan và mua làm quà lưu niệm.

Dù nghề gốm lắm nhọc nhằn, thế nhưng, với tình yêu bà dành cho gốm mấy chục năm nay thì không thay đổi. Hơn 80 năm làm nghề gốm, chưa một ngày lò nung của bà tắt lửa. Ngày nào cũng thế, dù có lúc bận bịu, hay đau ốm nhưng lò nung của bà vẫn luôn đỏ rực.

Đã 95 tuổi, chưa một ngày bà Được ngừng tay với gốm

Gia đình bà có đến 5 đời làm gốm. Tài hoa và một đời yêu gốm, bà đã không ngại mang hết những bí quyết đi truyền dạy cho những người trong làng, chỉ với mong ước là nghề gốm cổ của làng không bị thất truyền. Những người trong làng được bà chỉ dạy giờ đã là những người thợ giỏi. Bởi họ biết bà là một trong hai người cuối cùng ở làng này nắm được chế tác và trực tiếp chuốt thành công nhiều mẫu đất và kĩ thuật nung sành. Cả những am hiểu về cách nhận biết trạng thái gốm sành trong khi nung theo kinh nghiệm dân gian bao đời của các thợ gốm tiền bối truyền lại.

Ngày nào người ta cũng thấy bà nhồi, nặn rồi nung nhồi đất sét, vừa chuốt vừa phục vụ du khách. 95 tuổi, gần như cả một đời bà với một tình yêu say sưa và gắn với nghiệp gốm, với mẻ đất sắt nâu và lửa hồng. Bà luôn bám nghề dù có lúc làng gốm rơi vào tình cảnh khó khăn nhất.

Các sản phẩm của bà làm ra mang một nét rất riêng. Bởi bà bảo, làm gốm không chỉ có đôi tay “nhạy” với đất, mà còn có trái tim yêu nghề, yêu đến mê hoặc thì mới có thể thổi hồn mình vào từng sản phẩm.

Cái xưởng nhỏ của bà vẫn luôn được bày bán đủ thứ mẫu mã gốm do bà làm nên. Nhưng gốm cứ đặt lên đó là lại bán hết. Vì sự tình xảo, vì chất đất hồn người của làng gốm được bà lưu vào trong đó.

Với bà, giữ xưởng gốm là giữ cả kí ức, hoài niệm, cả tuổi trẻ và tổ tiên của mình, vậy nên dù tuổi cao, sức yếu, nhưng con mắt và đôi bàn tay vẫn không mệt mỏi chuốt gốm. Bà vẫn đắm mình trong từng con đất, con nước làm ra những sản phẩm tinh xảo, như thổi linh hồn và hơi thở của người Hội An hồn hậu bao đời nay vào gốm.

Thảnh thơi…

Ngôi nhà nhỏ của bà Được nằm ven dòng Thu Bồn thơ mộng ở đoạn hạ lưu. Nhà bà, ở ngay cổng ra vào của làng gốm có tuổi đời ngót ngét gần 500 tuổi. Bà ngồi đó, bên chiếc bàn xoay, đôi tay luôn thoăn thoắt chuốt gốm, mỗi ngày trình diễn cho hàng ngàn khách du lịch trong và ngoài nước được thỏa sức ngắm nhìn.

Bà bảo, “để làm được một sản phẩm đẹp, ngoài năng khiếu về thẩm mỹ và kỹ thuật làm gốm, đòi hỏi người thợ phải tỉ mẩn từng chi tiết nhỏ”. Với tài hoa đó, bà được mời tham gia nhiều chương trình ngày hội gốm trên cả nước. Đi đến đâu bà cũng tranh thủ giới thiệu về làng gốm Thanh Hà. Dần dần, tiếng của làng gốm được nhiều người biết đến, làng gốm Thanh Hà trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn không thể thiếu sau mỗi hành trình khách đến thăm quan tại phố cổ Hội An. Nhiều người ở làng ví bà là phần linh hồn không thể thiếu của gốm. Có bà, làng gốm mới có thể sống dậy và phát triển thịnh vượng như ngày hôm nay…

Giọng bà ấm áp rằng bà muốn con cháu nhìn thấy được tình yêu nghề của mình, muốn truyền ngọn lửa cho chúng nó, muốn truyền giữ lại cho thế hệ sau biết đến nghề gốm này. Bây giờ tay bà đã yếu, không còn đủ sức để làm ra nhiều sản phẩm, nhưng bà luôn mày mò, tìm hiểu để làm ra những sản phẩm tinh tế, lạ để dạy cho con cháu và người làng. Bà ngày nào còn sống thì ngày ấy tay còn muốn chạm đến những khối đất sét để tạo hình hài cho đất. Không gì bền bằng gốm, những sản phẩm đã sống đủ các hành trình từ đất qua lửa. Như hiện thân của ước mơ và khát vọng, như lòng yêu gốm, vượt qua bao thử thách thăng trầm của làng nghề vẫn luôn nung nấu tâm hồn bà với gốm như thế.

Phút thảnh thơi của bà Được, những người con người cháu lại ngồi quanh để nghe bà kể về gốm

Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Văn Xê, Trưởng ban quản lý làng nghề truyền thống gốm Thanh Hà chia sẻ: “Những năm trước, sức khỏe bà Được còn tốt, bà đã đi đến nhiều nhà trong làng để truyền đạt kinh nghiệm làm gốm của mình cho những người nhỏ tuổi hơn. Ai cần học hỏi điều gì bà sẵn sàng chỉ bảo, không câu nệ khó khăn hay sợ người khác giỏi hơn mình. Giờ thì ai cần gì đến hỏi, bà chỉ bảo tận tình”.

Chính quyền địa phương ở đây cũng đã tạo nhiều điều kiện để làng nghề phát triển. Điều này cũng ít nhiều làm hài lòng những người yêu nghề trong làng như bà. Sản phẩm ở Thanh Hà làm ra luôn thu hút du khách địa phương, trong nước và nước ngoài, bởi có đặc điểm riêng không giống ở bất cứ nơi nào. Người thợ Thanh Hà đã biết thổi hồn mình vào đất để tạo nên những sản phẩm tinh xảo với nhiều mẫu mã, kết hợp với các yếu tố đất, nước, lửa cùng những kinh nghiệm để làm nên cái hồn cho gốm.

Bà Được cũng hay nói với con cháu rằng, dù nghề gốm có vất vả nhưng đó là một gia sản lớn mà ông cha để lại, không cho ta được sự giàu sang về vật chất nhưng mang đến sự “giàu có kiêu hãnh” về một làng nghề với nhiều sản phẩm đẹp lâu đời. Trong ánh lửa nung của lò gốm vào những ngày sắp thu, tôi biết bà luôn muốn giữ cho chúng luôn cháy.

Người làng đặt cho bà Được cái tên khác là “Phú”, nghĩa là giàu có, một sự giàu có “tài hoa trong nghề”, chứ không giàu tiền bạc. Và làng gốm Thanh Hà bây giờ, còn bà là còn gốm, và gốm đã không chỉ đưa đến cho người dùng ở quanh vùng mà đã đi xa, rất xa ở nước ngoài trong những tặng phẩm lưu niệm. Đó không chỉ là món quà của xứ này, mà còn là hồn đất, hồn người gói trong gốm cổ theo tay người đi đến những miền xa.

Nguồn bài viết : KM Game Bài 3d

Top