Tìm lời giải cho bài toán tăng năng lực lao động trong lĩnh vực STEM

2025-01-17 20:14:47
ictnews Đó là một trong những nội dung của phiên thảo luận chính tại Hội nghị Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học tại Việt Nam lần thứ 7 - năm 2019 (STEMCON 2019) được tổ chức tại Đà Nẵng trong hai ngày 14 và 15/3/2019.

Cơ hội lẫn thách thức của nguồn nhân lực trong nền kinh tế số

Phát triển công nghiệp 4.0 là xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam. Điều này, đồng nghĩa với việc có nhiều cơ hội việc làm hơn cho nguồn nhân lực trong lĩnh vực STEM.

Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc FPT Software Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, FPT Software Đà Nẵng cung cấp dịch vụ số cho các công ty toàn cầu. Do nhu cầu phát triển trong những năm trở lại đây, lĩnh vực phần mềm của FPT Đà Nẵng luôn đạt được những con số tăng trưởng cao từ 50 – 60% mỗi năm, đội ngũ kỹ sư phần mềm FPT Đà Nẵng cũng tăng vọt từ con số 400 người trong năm 2011 đến nay lên hơn 3000 và dự kiến lên 10.000 người vào năm 2020. FPT Đà Nẵng luôn ở trong tình trạng “khát” nguồn nhân lực công nghệ có năng lực chuyên môn và các kỹ năng đáp ứng yêu cầu nền kinh tế số.

Đồng tình với ông Phương, bà Mai Trang Thanh, Chủ tịch Công ty Honeywell tại Thái Lan và Khu vực Đông dương cho rằng, HoneyWell là công ty hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, sinh học…trong 6 năm qua, Honeywell đã tuyển dụng các kỹ sư tốt nghiệp các chuyên ngành dầu khí, sinh học từ các trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, Đại học Bách khoa và Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Bà Thanh đánh giá đây là nguồn lao động chất lượng cao của các trường Đại học kỹ thuật của Việt Nam, có khả năng làm chủ công nghệ và các kỹ năng đáp ứng nên kinh tế số, tuy nhiên số lượng lao động này quá ít.

Trong khi đó, làn sóng đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao cũng đang tiếp tục tràn vào Việt Nam với một nhịp độ rất sôi động.

Đơn cử, tại “Tọa đàm mùa xuân 2019” vừa diễn ra ở Đà Nẵng vào đầu tháng 3/2019, UBND Thành phố Đà Nẵng đã trao Giấy chứng nhận đầu tư và Thông báo cho phép nghiên cứu đầu tư cho 19 dự án với tổng vốn đầu tư gần 4 tỷ USD, đáng chú ý là dự án Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine, do Tập đoàn Universal Alloy Corporation Asia Pte. LTD (Mỹ) đầu tư, dự án Nhà máy Sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử, tổng vốn 70 triệu USD, do Tập đoàn Key Tronic EMS (Mỹ) đầu tư; Dự án Mở rộng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Mabuchi Motor, có tổng vốn 30  triệu USD, do Công ty TNHH Mabuchi Motor đầu tư…Khi các dự án này triển khai đi vào hoạt động sẽ thu hút một lượng lớn nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc.

Cơ hội nhiều, nhưng thách thức không ít. Mặc dù rất thiếu nguồn lao động công nghệ tuy nhiên nhiều doanh nghiệp có chung nhận xét về chất lượng nguồn nhân lực: Hầu hết các ứng viên chưa sẵn sàng cho công việc mà họ tìm đến, đa số còn thiếu kinh nghiệm, yếu về kỹ năng lập trình và kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh). Các sinh viên được đào tạo về lý thuyết mà chưa có điều kiện thực hành. một số doanh nghiệp phải đào tạo lại khoảng 80-90% những sinh viên tốt nghiệp vừa được tuyển dụng trong thời gian ít nhất 1 năm.

Nguồn nhân lực chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng so với nhu cầu là một thực tế khó có thể phủ nhận. Đã có nhiều nguyên nhân được các chuyên gia nêu ra để lý giải cho hiện trạng này, đó là chúng ta chưa xây dựng được hệ thống chương trình đào tạo theo chuẩn chất lượng của thế giới; Khả năng tự học, tự đào tạo và tiếp cận thực tế của một bộ phận không nhỏ sinh viên chưa tốt…

Phiên thảo luận chính tại STEMCON 2019  với nội dung nâng cao năng lực cho  nguồn lao động trong lĩnh vực STEM

Tìm giải pháp nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực của Việt Nam

TS. Charlie Nguyễn, Giáo sư – Trưởng khoa Danh dự, Đại học Công giáo Hoa Kỳ cho rằng, trước những cơ hội và thách thức của nền kinh tế số, việc tổ chức STEMCON Việt Nam là dịp để lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học, các nhà đổi mới, nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục, và lãnh đạo các doanh nghiệp cùng ngồi lại và cùng chia sẻ các ý tưởng về cách thức nâng cao năng lực nguồn lao động, đặc biệt trong lĩnh vực STEM của Việt Nam.

Học qua dự án là một giải pháp được Đại học Bách khoa Đà Nẵng áp dụng  để thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và môi trường làm việc thực tế. Theo PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng cho biết: “Đại học Bách Khoa Đà Nẵng là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam triển khai một cách có hệ thống phương pháp giảng dạy học theo dự án. Theo phương pháp này, thời lượng giảng dạy lý thuyết sẽ được giảm rõ rệt, từng sinh viên sẽ nhận một dự án liên môn. Các em tự học, tự nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của đội ngũ giảng viên, trợ giảng để hoàn thành các dự án. Điều này giúp sinh viên nâng cao khả năng tự học, tự nghiên cứu, khả năng giải quyết các vấn đề tổng thể, tư duy phản biện, óc sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp của các em khi ra trường, những kỹ năng hết sức cần thiết cho lực lượng lao động của thời kỳ công nghiệp 4.0”.

Ở góc độ khác, PGS. TS. Nguyễn Danh Thảo, Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Cần đổi mới trước hết là mô hình đào tạo, chương trình đào tạo, đổi mới phương thức đào tạo. Cũng phải đổi mới chính từ hạ tầng cơ sở kỹ thuật trong nhà trường và đổi mới từ người thầy. Lực lượng giáo viên trong trường đại học cần phải được đào tạo nhiều hơn nữa, cung cấp kiến thức nhiều hơn nữa để đáp ứng được yêu cầu thực tế. Có như vậy, chất lượng nguồn nhân lực  mới có thể đáp ứng được yêu cầu thực tế”.

Sự bắt tay chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp cũng là một giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực. Một kinh nghiệm đang được FPT Đà Nẵng áp dụng là doanh nghiệp này đã phối hợp chặt chẽ với Đại học Bách Khoa Đà Nẵng trong việc xây dựng chương trình đào tạo chuyên biệt cho doanh nghiệp, đào tạo kỹ năng mềm, tạo điều kiện cho sinh viên đến thực tập, làm quen văn hóa doanh nghiệp… Với sự hợp tác chặt chẽ như vậy, cho nên có hơn 50% lực lượng lao động tại FPT được tuyển dụng từ Đại học Bách Khoa Đà Nẵng.

Các hoạt động triển lãm công nghệ tại STEMCON 2019

Còn theo ông Jeffrey Goss, Phó Hiệu trưởng phụ trách các Chương trình tại Đông Nam Á, Đại học Bang Arizona (ASU), từ năm 2009, ASU đã là một đối tác thúc đẩy việc xây dựng mối quan hệ đối tác công tư tại Việt Nam với mục tiêu cải thiện chất lượng giáo dục đại học và sinh viên tốt nghiệp thông qua các dự án như HEEAP, VULII và BUILD IT. Các dự án này thúc đẩy mối quan hệ đối tác sâu sắc và đa dạng giữa chính phủ-doanh nghiệp-đại học, vốn cùng chia sẻ một mục tiêu gắn kết chặt chẽ việc giảng dạy khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) trong các trường đại học tại Việt Nam nhằm tạo ra lực lượng kỹ sư và nhà khoa học sẵn sàng bắt tay ngay vào công việc sau khi tốt nghiệp.

Thông qua dự án, đã có hơn 12.000 sinh viên được tham gia các Hội nghị, cuộc thi, thụ hưởng các chương trình giảng dạy được các doanh nghiệp bảo trợ và có cơ hội tham gia các hoạt động học tập mang tính ứng dụng. Hơn 1000 giảng viên khối ngành kỹ thuật của Việt Nam đã được tham gia các khóa đào tạo nâng cao tại ASU, cơ sở Tempe, bang Arizona. 

Nguồn bài viết : sxmb

Top