2025-01-15 19:15:10

Ngày 12/9, tại Kỳ họp thứ 20, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đề nghị Hội đồng Nhân dân thành phố nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và các công trình trọng điểm, nhất là các dự án hạ tầng giao thông, xử lý, giải quyết ô nhiễm môi trường.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị tiếp tục cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, siết chặt kỷ cương; tăng cường phân cấp, ủy quyền theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát; tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số với những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, toàn diện, đưa số hóa vào trong sản xuất, kinh doanh, hướng tới chuyển đổi số trong toàn xã hội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội tập trung thảo luận, phân tích thấu đáo, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, đề xuất các giải pháp hữu hiệu, đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện, nhằm phát huy mọi nguồn lực của thành phố, khắc phục những hạn chế, yếu kém, đề xuất các giải pháp để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2025.

Gợi mở và nhấn mạnh một số nội dung cụ thể, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đề nghị Hội đồng Nhân dân thành phố cần đặc biệt quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng được thể hiện qua các bài viết, bài phát biểu, nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyên đề Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam; xây dựng hệ thống chính trị “Tinh-Gọn-Mạnh-Hiệu năng-Hiệu lực-Hiệu quả," về chuyển đổi số, về phòng, chống lãng phí.

Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Hội đồng Nhân dân thành phố cũng như các cơ quan liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù mà Bộ Chính trị và Quốc hội đã ưu tiên dành cho thành phố (như Luật Thủ đô 2024) để cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần thu hút, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo Kết luận của Trung ương về kinh tế-xã hội năm 2025, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và các văn bản liên quan; đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển năm 2025.

Đối với các nghị quyết chuyên đề, cơ chế, chính sách đặc thù, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đề nghị Hội đồng Nhân dân thành phố đi sâu vào làm rõ các tác động, tính hiệu quả, các giải pháp đột phá, tầm nhìn xa hơn, bảo đảm phù hợp, khả thi để triển khai nhanh, góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế to lớn của Thủ đô về nguồn lực con người, khoa học và công nghệ, giải phóng các nút thắt về hạ tầng, thể chế và phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ của cơ sở, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo tốt an sinh xã hội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cũng đề nghị Hội đồng Nhân dân, Thường trực Hội đồng Nhân dân, các vị đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố tiếp tục chủ động, tích cực, đổi mới hơn nữa, phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định, tập trung lựa chọn các lĩnh vực được thành ủy tập trung chỉ đạo; những vấn đề bức xúc, nổi cộm được cử tri, dư luận quan tâm để giám sát, chất vấn, giải trình như: phòng, chống lãng phí; ô nhiễm môi trường rác thải, nước thải, không khí; tình trạng ùn tắc giao thông, úng ngập, tiến độ các công trình dự án; công tác giải quyết kiến nghị cử tri để kịp thời giải quyết các vấn đề dân sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh Thủ đô và đất nước đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, với nhiều nhiệm vụ rất quan trọng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, qua giám sát của Hội đồng Nhân dân, Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố, ý kiến, kiến nghị của cử tri và ý kiến chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 27/11 vừa qua cho thấy thành phố còn một số khó khăn, thách thức và tồn tại, hạn chế, cần được tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Vì vậy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố nghiên cứu kỹ các báo cáo, tài liệu để phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được; thẳng thắn chỉ ra các tồn tại hạn chế, bất cập, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, khả thi nhằm tháo gỡ các ách tắc, điểm nghẽn, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và giai đoạn tiếp theo để xây dựng Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, cùng đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới của dân tộc.

Kỳ họp thứ 20, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra từ ngày 9-12/12, tại trụ sở Hội đồng Nhân dân-Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Hội đồng Nhân dân thành phố dự kiến xem xét, thông qua 55 nội dung, gồm 25 báo cáo và 30 Nghị quyết.

Đặc biệt, tại kỳ họp, Hội đồng Nhân dân thành phố sẽ dành 1 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và những vấn đề bức xúc đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố và cử tri Thủ đô quan tâm./.

Bí thư Thành ủy Hà Nội: Nắm bắt tâm tư, cùng nhân dân bàn bạc, thống nhất

Ngày hội Đại đoàn kết là dịp lắng nghe ý kiến, qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để cùng nhân dân bàn bạc, thống nhất triển khai các giải pháp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị, phát triển KT-XH.

(TTXVN/Vietnam+)
Top