Đây là sự kiện cấp cao do Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Hàn Quốc tổ chức, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh LHQ thông qua Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.
Dưới đây là toàn văn bài phát biểu:
Thưa Ngài Tổng thư ký,
Thưa Ngài Tổng thống Park Geun-hye,
Thưa các quý vị,
Tôi rất vui mừng tham dự Sự kiện đặc biệt về mô hình phát triển nông thôn mới và cộng đồng bền vững, lấy cảm hứng từ Phong trào Saemaul Undong do Hàn Quốc phối hợp với UNDP và OECD tổ chức. Tôi tin rằng Sự kiện hôm nay là một diễn đàn thiết thực để chúng ta cùng chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai các chính sách, mô hình phát triển nông thôn của đất nước mình.
Thưa Ngài Tổng thư ký,
Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đã đề ra tầm nhìn chiến lược mới, trong đó phản ánh khát vọng về một thế giới không còn đói nghèo. Tuy nhiên tại nhiều nước đang phát triển, ba phần tư số người nghèo đói hiện sống ở các vùng nông thôn, hầu hết làm nông nghiệp; sự chênh lệch giàu-nghèo giữa nông thôn và thành thị ngày càng lớn.
Do đó, Việt Nam và nhiều nước đã ủng hộ mạnh mẽ việc đưa vào Chương trình nghị sự 2030 các nội dung về phát triển nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt là Mục tiêu phát triển bền vững 2.a về “Tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông thôn, cho các nghiên cứu và dịch vụ khuyến nông, phát triển công nghệ, các ngân hàng gien thực vật và vật nuôi để nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp ở các nước đang phát triển”, nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo giữa nông thôn và thành thị, góp phần vào tiến bộ chung của toàn xã hội.
Phát triển khu vực nông thôn là sự nghiệp quan trọng và cũng là thách thức lớn đối với hầu hết các nước đang phát triển, vì nguồn lực và ngân sách của họ rất eo hẹp. Do đó, các nước đang phát triển cần phải tìm cho mình các chiến lược phát triển phù hợp nhất với hoàn cảnh của mình. Mỗi quốc gia đều có những kinh nghiệm riêng về phát triển nông nghiệp và nông thôn.
Thành công của phong trào Saemaul Undong tại Hàn Quốc, một phong trào dựa trên những tư tưởng đơn giản song rất thực tế và hiệu quả, đã biến nông thôn Hàn Quốc từ nghèo nàn, lạc hậu thành các vùng đất giàu có, văn minh và hiện đại. Yếu tố làm nên thành công của phong trào Saemaul Undong là đã phát huy được vai trò chủ thể của người dân, mọi tiêu chí lựa chọn dự án đều xuất phát từ lợi ích của người dân.
Đây là những kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam và các nước đang phát triển khác tham khảo. Tinh thần của Phong trào rất phù hợp với chính sách nhất quán của Việt Nam luôn đặt con người ở vị trí trung tâm trong mọi chiến lược và chính sách phát triển, do đó đã được Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xây dựng nông thôn mới và đã đạt được những kết quả rất tốt.
Thưa Ngài Tổng thư ký,
Là nước nông nghiệp với gần 70% dân cư sống ở nông thôn, phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển chung tại Việt Nam. Từ năm 2010, Việt Nam đã triển khai Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí cụ thể, nhằm thúc đẩy phát triển nông thôn, cải thiện điều kiện sống và tăng thu nhập cho nông dân. Nông thôn Việt Nam hiện đang chuyển biến mạnh mẽ: 700.000 km đường giao thông nông thôn đã được cải tạo hoặc xây mới; trên 20.000 phòng học và hàng ngàn nhà văn hoá, trạm y tế, trạm cấp nước sạch, công trình thuỷ lợi được xây dựng ở nông thôn; trên 19.000 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ tiên tiến, sự liên kết giữa doanh nghiệp-nhà khoa học đã đem lại kết quả tích cực.
Nhờ đó bộ mặt nông thôn Việt Nam đã đổi thay rõ rệt, nhất là về hạ tầng, thu nhập. Tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm của Việt Nam về xây dựng nông thôn mới như sau:
Thứ nhất, do đây là quá trình phát triển kinh tế-xã hội tổng thể, toàn diện, lâu dài ở nông thôn nên cần có cam kết chính trị mạnh mẽ, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của toàn xã hội, đồng thời cần làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng; hết sức coi trọng xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các cấp, trang bị những kiến thức cơ bản về nông thôn mới cho cán bộ cấp làng, xã để qua đó, họ dẫn dắt công cuộc xây dựng nông thôn mới tiến nhanh hơn và tiết kiệm được nguồn lực.
Thứ hai, không ai hiểu nông thôn bằng chính những người nông dân sống ở đó, do đó xây dựng nông thôn phải do người dân làm chủ. Chính phủ cần giao quyền tự quyết cho họ. Người dân sẽ tự tìm ra nhu cầu thiết thực để quyết định việc nào làm trước, việc nào làm sau, làm như thế nào là phù hợp và Chính phủ cần ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho các nhu cầu thiết thực này.
Thứ ba, việc phát triển nông thôn bền vững đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn. Hỗ trợ từ Nhà nước rất cần thiết song chưa đủ. Chúng ta cần xã hội hóa, đa dạng hóa các nguồn lực và việc sử dụng các nguồn lực phải công khai, minh bạch theo phương châm “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.
Do đó, Chính phủ cần đưa ra các chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị-xã hội tham gia vào chương trình xây dựng nông thôn mới; đồng thời có chính sách thúc đẩy sự phát huy nội lực từ chính các cộng đồng dân cư nông thôn. Nguồn lực huy động từ cộng đồng có thể dưới nhiều hình thức như đóng góp bằng công sức, tiền của vào các công trình cộng đồng, cải tạo nơi ở, sử dụng tín dụng để phát triển sản xuất...
Thưa Ngài Tổng thư ký,
Tìm ra cách thức, mô hình hiệu quả về phát triển nông thôn là công việc không dễ dàng. Chương trình nông thôn mới ở Việt Nam đã và đang tiếp tục được nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nước, từ kinh nghiệm thành công và thất bại trong lịch sử phát triển nông thôn của chính Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình để cùng nhau phát triển bền vững, thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 và bảo đảm rằng “không ai bị bỏ lại sau”.
Xin cám ơn.
T.H
Nguồn bài viết : Bầu Cua