Người cao tuổi và những đóng góp cho gia đình, cộng đồng

2025-01-17 20:12:57

Gìn giữ nếp nhà, gia phong – vấn đề cốt lõi của 1 gia đình

Cả cuộc đời hấp thụ tinh hoa của gia đình, truyền thống, người cao tuổi luôn coi trọng và đi đầu trong việc bảo vệ chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.

Tổ ấm 4 thế hệ của ông Nguyễn Văn Giáo (75 tuổi, ở xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) gồm 24 người vẫn ngày ngày ăn chung, tiêu tiền chung nhưng luôn giữ được không khí đầm ấm, hòa thuận.

Không chỉ vậy, gia đình ông Giáo còn có truyền thống "ăn cơm một nồi”. Thói quen này đã có từ thời bố ông, cụ đã gây dựng thành nếp nhà và dày công gìn giữ, vun đắp. Đến giờ những giá trị ấy vẫn được coi trọng. Hằng ngày, cứ đến chiều tối là các con, cháu chắt lại về nhà tụ tập ở bếp ăn tập thể để dùng bữa. Dù có bận rộn nhưng bếp ăn gia đình vẫn là chốn bình yên cuối ngày của mỗi thành viên gia đình “Tứ đại đồng đường” này.

Ông Giáo và hàng chục giấy khen của các thành viên đại gia đình được treo tại gian thờ tổ tiên

Ông Giáo chia sẻ: “Chỉ có tình đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau mới có thể vượt qua được những cản trở, khó khăn hằng ngày. Ông bà, bố mẹ như cái gốc, con cháu cũng như cành lá, gốc có chắc, cành lá mới xanh tươi”. Quan niệm như vậy cho nên ông luôn trở thành điểm tựa tinh thần và tấm gương về chuẩn mực đạo đức cũng như ứng xử trong cuộc sống cho con cháu.

Còn với cụ Nguyễn Thị Tề – người cao tuổi nhất trong gia đình “Tứ đại đồng đường” nằm ngay trung tâm Thủ đô Hà Nội thì lại khác. Cụ năm nay đã ngoài 80 tuổi, mái tóc bạc trắng mà vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, tham gia công tác phụ nữ phường. Con cháu trong nhà ai cũng yêu mến, kính phục bởi mỗi khi gia đình xảy ra bất cứ chuyện gì, cụ đều nhìn nhận, phân xử một cách công bằng, không thiên vị ai.

Cụ Tề còn thể hiện sự tin tưởng con cháu của mình bằng việc giao cho các con quản lý chi tiêu trong gia đình. Tiền sinh hoạt chung đều để trong tủ, ai mua sắm gì có thể lấy ra và ghi chép rõ ràng, minh bạch. Cụ nói rằng đây chính là cách giáo dục con cháu tính thật thà và rạch ròi chuyện tiền bạc khi tiếp xúc với xã hội bên ngoài.

Gian nhà nơi sinh hoạt chung của các thành viên trong gia đình cụ Tề

Mọi việc liên quan đến sinh hoạt hàng ngày cụ không phân công mà chủ yếu do tính tự giác của mỗi người, ai về trước nấu cơm, ai về sau giặt quần áo, quét nhà, mỗi người một việc cùng giúp đỡ nhau. Những lúc chung tay làm việc nhà từ việc nhỏ nhất cũng là cơ hội gắn kết tình cảm, chia sẻ công việc, kinh nghiệm cuộc sống giữa các anh chị em trong nhà.

Bữa cơm gia đình đầm ấm là truyền thống được gìn giữ từ trước đến nay của đại gia đình cụ Tề

Cũng nhờ nếp nhà được gìn giữ như vậy mà không khí gia đình lúc nào cũng vui vẻ, ấm áp, hòa thuận, hiếm khi thấy họ xảy ra cãi vã mâu thuẫn, mọi người đoàn kết, gắn bó, yêu thương, tôn trọng lẫn nhau. Các cháu đều ngoan ngoãn, biết kính trên nhường dưới, học hành thành tài, có công việc ổn định. Đó cũng chính là mong ước lớn nhất của những bậc cao niên như cụ Tề.

Sự gương mẫu của bậc cao niên là nền tảng duy trì gia đình đầm ấm

Có thể thấy thực tế ở phần lớn các gia đình, sự gương mẫu của người cao tuổi luôn được đề cao và là nền tảng giúp các thế hệ có được sự hòa thuận, êm ấm và thành đạt. Gia đình ông Chu Văn Soạn (Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) nhiều năm nay được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu của địa phương. Bí quết gìn giữ truyền thống văn hóa gia đình của cụ chính là điều cốt lõi: cha mẹ luôn phải mẫu mực.

Ông Soạn cho rằng: “ Không có sự giáo dục nào hiệu quả bằng việc giáo dục từ ý thức, không có nhận thức đúng thì có đánh mắng cũng khó dạy được con”. Bởi vậy, sống với nhau đã hơn nửa cuộc đời nhưng vợ chồng ông bà Soạn chưa một lần xảy ra xích mích, lúc nào cũng ân cần quan tâm chăm sóc nhau, là tấm gương sáng cho tất cả các con.

Mẹ ông Soạn (cụ Phổng) thường xuyên ngồi kể chuyện cho các cháu nghe

Chung sống nhiều thế hệ dưới 1 mái nhà, cũng có lúc gia đình xảy ra chuyện “ cơm không lành, canh chẳng ngọt”, mỗi lần như vậy, ông Soạn luôn là người ở giữa làm cầu nối, cầm cân nảy mực. Có chuyện gì chưa thỏa đáng ông sẽ trực tiếp đứng ra xem xét, phân tích, hòa giải, phê bình thẳng thắn và không thiên vị ai. Con cháu trong nhà “răm rắp” nghe lời ông phần vì tính thẳng thắn, cương trực, phần vì từ trước đến nay ông luôn khuyên bảo những điều hay lẽ phải.

Thấu hiểu đã khó, làm thế nào để con cái nhận ra điều đúng đắn lại càng khó hơn. Với ông Soạn, không gì hiệu quả bằng thái độ bình tĩnh, cẩn trọng. Gọi con ra ngoài trò chuyện bên chén trà nóng rồi từ từ phân tích – nhẹ nhàng nhưng thấm thía – đó là cách giúp ông duy trì sự êm ấm trong gia đình từ trước đến nay.

Người cao tuổi có những đóng góp tích cực cho cộng đồng

Với lối sống coi trọng truyền thống nên các bậc cao niên thường xuyên gắn bó chặt chẽ với hàng xóm, khu dân cư và luôn nêu cao ý thức cộng đồng. Đó là một trong những yếu tố tạo nên tình làng nghĩa xóm – nét đẹp độc đáo của văn hóa dân tộc.

Về xã Tân Cương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, khi hỏi cụ Thạch, ai cũng ngợi khen đó là một cán bộ mẫu mực, luôn hết lòng vì dân, vì các hoạt động, phong trào. 85 tuổi đời, 50 năm tuổi Đảng, cụ vẫn cống hiến sức mình, chung tay xây dựng nông thôn mới với nhiều đóng góp tích cực: cùng con trai hiến tặng hàng nghìn mét vuông đất thổ cư của gia đình và ủng hộ kinh phí xây dựng, sửa chữa các công trình chung như nghĩa trang liệt sĩ…

Những người cao tuổi như cụ Nguyễn Văn Hưởng (số 1, ngõ 94, phố Hồng Mai, phường Bạch Mai, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) thì góp phần cống hiến cho cộng đồng theo một cách khác. Dù đã ở tuổi 92 nhưng không ngày nào cụ vắng mặt trong các buổi sinh hoạt CLB “Sức khỏe ngoài trời”. Cụ quan niệm rằng bản thân còn khỏe mạnh thì nên giúp đỡ các bậc cao niên khác giữ được sức khỏe tốt và tận hưởng cuộc sống hạnh phúc bên con cháu.

Quanh phường Bạch Mai, ai cũng biết đến cụ Hưởng không chỉ bởi sự hăng hái, tận tụy với công tác đoàn thể mà còn ngưỡng mộ cụ khi nuôi dạy con cháu trưởng thành, ngoan ngoãn, hiếu thảo.

2 vợ chồng cụ Hưởng cùng con cháu trong "Ngày hội tôn vinh các gia đình tam – tứ đại đồng đường" tiêu biểu tổ chức vào tháng 6/2015

Hầu hết người cao tuổi khỏe mạnh vẫn đóng một vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội, họ cần được lắng nghe, tôn trọng và thấu hiểu. Gia đình là tế bào của xã hội, vị trí gốc rễ làm nên những tế bào tốt đẹp chính là bậc cao niên trong mỗi tổ ấm. “Cây cao” luôn tạo thành “bóng cả” giúp cho mọi thành viên trong gia đình được chở che, bảo vệ và tiến tới thành công trong cuộc sống.

Nguyễn Thảo

Nguồn bài viết : XS Mega

Top