Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Tuyên Quang: Khẳng định rõ vai trò trong công tác đối ngoại nhân dân |
Đỗ Xuân Oanh và ngoại giao nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ |
... Trong cuốn hồi ký “Chuyến đi Hà Nội”, nhà văn Susan Sontag kể về chuyến đi năm 1968 tới Bắc Việt Nam, trong đó có những cuộc tiếp xúc phản ánh sâu sắc về Xuân Oanh trong sứ mệnh của ông.
Bà đề cập đến Xuân Oanh ngay từ trang 9, nhắc đến vai trò lãnh đạo của ông với nhóm hộ tống và đưa ra những suy ngẫm sâu rộng, thậm chí về cách Xuân Oanh nhìn nhận mọi thứ theo bối cảnh cụ thể. Đến giữa cuốn sách, Sontag tự hỏi về gánh nặng mà bà đem đến cho chủ nhà: “Đôi khi tôi có cảm giác rằng việc tôi có mặt ở đây… rất lãng phí thời gian của chủ nhà Việt Nam. Oanh nên dành những ngày đó để viết nhạc.”[7]
Xuân Oanh (thứ 2 từ trái sáng) trong một lần phiên dịch cho Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng (ảnh gia đình nhân vật cung cấp). |
Tuy nhiên, có vẻ như sự cởi mở của Xuân Oanh với các vị khách đã được đền đáp bằng việc tạo nên sự chia sẻ thông tin hữu ích trong các cuộc gặp gỡ ngoại giao nhân dân quan trọng này.
Sontag ghi lại Xuân Oanh kể lại những câu chuyện thời thơ ấu khi làm việc trên tàu đánh cá của chú mình trên Vịnh Hạ Long xinh đẹp, đồng thời liên hệ vẻ đẹp tự nhiên của miền duyên hải với những gì người Mỹ phải nhận ra khi nhìn thấy Grand Canyon.[8]
Việc Xuân Oanh kết nối được với tình cảm của khách rõ ràng đã chạm vào trái tim, tạo nên những ấn tượng trong họ về con người Việt Nam.
Trong cuốn sách “Nhân dân làm nên Hòa bình: Bài học từ Phong trào chống chiến tranh Việt Nam” (The People Make the Peace: Lessons from the Vietnam Antiwar Movement), nhà hoạt động vì hòa bình, Judy Gumbo, đã góp một chương ghi lại ấn tượng về những chuyến thăm có sự tham gia của Xuân Oanh.
Gumbo ghi chép về một cuộc họp vào ngày 6 tháng 6 năm 1970 mà tổ chức chủ nhà - Ủy ban Việt Nam đoàn kết với nhân dân Hoa Kỳ[9], ghi lại hoạt động của Tổ chức Hữu nghị Việt Nam – Hoa Kỳ trong tiến trình tái khởi động các cuộc đàm phán hòa bình.
Một vài năm sau cuộc đàm phán hòa bình ở Paris, sự gia nhập của Gumbo đã xác nhận hoạt động của tổ chức quan trọng này. Ngoại giao nhân dân tiếp tục con đường của nó và Xuân Oanh vẫn gắn bó suốt thời gian đó.
Trong cuốn hồi ký về cuộc đời hoạt động của bà, “Cô gái Híp-pi: Khai thác hoạt động biểu tình và đánh bại FBI” (Yippie Girl: Exploits in Protest and Defeating the FBI), Gumbo dành một chương mô tả sáu cuộc gặp của mình liên quan đến Xuân Oanh vào năm 1970,[10] thời điểm mà Xuân Oanh viết trong một email gửi Gumbo vào năm 2008 là “khoảng thời gian tuyệt vời nhất khiến cuộc sống của chúng ta trở nên có ý nghĩa, đồng thời cung cấp cho thế giới lý do để suy nghĩ và hành động.”
Gumbo viết Xuân Oanh là “một nhạc sĩ, chính trị gia, sứ giả ngoại giao của chính phủ Bắc Việt Nam, nhà thơ, trí thức, nghệ sĩ, họa sĩ và dịch giả – tất cả mọi người trong nhóm hạt nhân của phong trào hòa bình tại Mỹ đều biết đến ông.” Những người khác ghi nhận những đặc điểm trên trong các bài viết của họ đề cập đến Xuân Oanh. Gumbo trích dẫn trích Sontag[11] trong cuốn “Chuyến đi Hà Nội” (Trip to Hanoi) mô tả về Xuân Oanh là người “có quyền lực cá nhân, đi lại đứng ngồi với dáng vẻ quyến rũ của người Mỹ, đôi khi có vẻ trầm tư hoặc lơ đãng."[12] Xuân Oanh thực sự có một cách thức kết nối thân thiện với mọi người.
Một số nhà hoạt động vì hòa bình đến Việt Nam đã tìm kiếm thông tin cụ thể để thách thức chính quyền Nixon về góc độ pháp lý của việc Mỹ gây chiến.
Tại một hội nghị quốc tế, luật sư Mort Stavis và Peter Weiss đã gặp một đại tá trong Quân đội Nhân dân, người đứng đầu Ủy ban Tội phạm chiến tranh của VNDCCH. Thông qua Xuân Oanh, họ đã có được lời mời chính thức để tiếp tục tìm hiểu tại Hà Nội.
Giữa tháng 11 năm 1970, hai luật sư Stavis và Weiss, đại diện cho Ủy ban Luật sư (Mỹ-BT), đến Hà Nội theo lời mời của Hội Luật gia Việt Nam và Ủy ban Tội phạm Chiến tranh để nghiên cứu về các tội ác chiến tranh.
Tù binh chiến tranh (POW) được chính quyền Nixon lợi dụng để đối phó với sự công kích của dư luận và phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ. Xuân Oanh gắn bó với tù binh chiến tranh ở hai khía cạnh, một là vai trò của ông tạo điều kiện để tù binh gặp gỡ với những người phỏng vấn và với các nhà hoạt động vì hòa bình, hai là vai trò của ông với tù binh bên trong các nhà tù.
Trong nhiều năm kể từ khi tù nhân đầu tiên Everett Alvarez bị bắt vào năm 1964, hoạt động thăm viếng của các nhà hoạt động vì hòa bình mà Xuân Oanh tổ chức thường có các cuộc gặp gỡ giữa các vị khách với tù binh. Các cuộc gặp này rất khác nhau về hình thức, chương trình nghị sự và phản ứng của cả người phỏng vấn và người được phỏng vấn.
Xuân Oanh cởi mở với các vị khách để giải thích cách người dân Việt Nam nhìn nhận những tù nhân này, vừa là những kẻ xâm lược đã tàn phá đất nước của họ vừa là những công dân có trách nhiệm đang thực hiện ý chí của chính phủ mà không cần biết đến người dân Việt Nam và văn hóa của họ.[13][ii]Ông cũng giải thích rằng chính quyền Nixon cũng như giới truyền thông Hoa Kỳ đã xuyên tạc với nhân dân Mỹ về chính sách của Chính phủ Việt Nam. Phía Mỹ nói rằng Bắc Việt không tuân thủ Công ước Geneva về đối xử với tù binh.
Tuy nhiên, VNDCCH có chính sách của riêng mình[14] và tiền lệ lịch sử của riêng mình đối với việc đối xử nhân đạo với tù nhân; các quy tắc của Geneva không có hiệu lực với một cuộc chiến bất hợp pháp và không tuyên bố, nhưng VNDCCH vẫn có chính sách đối xử nhân đạo phù hợp.
Lời giải thích hợp lý và rất tinh tế này hiếm khi được công chúng Mỹ biết đến. Chính quyền Nixon đã che đậy nó vì mục đích riêng, tuy nhiên Xuân Oanh đã giải thích được rõ điều này thông qua hoạt động ngoại giao nhân dân.
Vào tháng 5 năm 1972, Bill Zimmerman đến Hà Nội cùng với ba nhà hoạt động vì hòa bình khác, sau khi chính quyền Nixon ném bom ồ ạt và thả mìn phong tỏa cảng Hải Phòng vào tháng 4.
Trong cuốn sách “Kẻ gây rối” (Troublemaker, xuất bản năm 2011) Zimmerman mô tả Xuân Oanh tương tự như những người trước đó, nhưng đợt không kích này khiến mọi thứ trở nên đáng lo ngại và bất trắc hơn. Tâm trạng của nhóm khách khi đó rất căng thẳng.
Zimmerman ghi lại rằng Xuân Oanh tỏ ý lo ngại sâu sắc trước việc “Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa tuyên bố rằng không có mục tiêu nào ở Việt Nam nằm ngoài giới hạn, dù là quân sự hay dân sự.” Vì mức độ nguy hiểm là rất cao nên các đối tác của Xuân Oanh đã hoãn chuyến thăm của các bác sĩ Mỹ. Nhưng Oanh cho biết Zimmerman và nhóm sẽ được gặp các phi công Mỹ.[15]
Tám tù binh chọn viên phi công hải quân, David Wesley Hoffman, làm người phát ngôn, bày tỏ với khách rằng tù binh Mỹ bị sốc trước “sự vô ích của những cuộc ném bom vào Hà Nội và Hải Phòng… rằng thực tế thì các mục tiêu dân sự đang bị tấn công, dân thường bị sát hại và thương vong … không thể có lý do hay lời bào chữa nào cho điều đó.”[16]
Thực thi nhiệm vụ bảo vệ người dân nước mình, Xuân Oanh đã giúp cho những vị khách hiểu được mức độ nghiêm trọng của tình hình cùng với những lo ngại của Chính phủ Việt Nam trước việc Mỹ ném bom tàn sát người dân vô tội.
Hai tuần sau đó, đoạn phim về cuộc gặp gỡ của Zimmerman với tám tù binh này được chiếu trên một bản tin quốc gia của Mỹ. Hình ảnh các tù binh khỏe mạnh và lên tiếng chỉ trích gay gắt việc Mỹ ném bom đã khiến chính quyền Nixon hạ giọng hẳn việc lợi dụng vấn đề tù binh để tuyên truyền. Chính quyền Mỹ lo sợ các phóng viên sẽ chất vấn họ về cuộc phỏng vấn tù binh mà Xuân Oanh đã tạo ra.[17]
Trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ, Xuân Oanh có thêm trách nhiệm tiếp xúc với tù binh Mỹ tại nhà tù Hà Nội, tên chính thức là Trại giam Phi công Hoa Kỳ bị bắt tại VNDCCH. Với quân hàm Trung tá, là sĩ quan chính trị trong Quân đội, cộng với kiến thức và sự hiểu biết về văn hóa phương Tây, Xuân Oanh được đề nghị giúp đỡ việc giao tiếp giữa những nhân viên trại giam và tù binh. Xuân Oanh có thể nói chuyện trực tiếp với tù binh và thậm chí thu xếp một số việc liên quan đến đề nghị của tù binh.
Việc trả tự do sớm cho ba tù binh vào tháng 9 năm 1972, như một cử chỉ hòa bình của Bắc Việt Nam, một lần nữa đã giúp cho nhà hoạt động vì hòa bình, bà Cora Weiss, với Xuân Oanh - những người đã cùng làm việc trong nhiều dịp từ năm 1969 đến năm 1973 ở cả Hà Nội và Paris. Với tư cách là lãnh đạo và đồng Chủ tịch của Ủy ban Liên lạc Gia đình Quân nhân bị bắt giữ tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (COL), Cora đã nhiều lần tới Bắc Việt Nam và Paris để gặp gỡ các phái đoàn ở đó và gặp Xuân Oanh ở cả hai địa điểm trên.
Tháng 7 năm 1969, với tư cách là lãnh đạo của tổ chức Phụ nữ Tranh đấu vì Hòa bình (Women Strike for Peace), Cora gặp gỡ các thành viên của Hội Phụ nữ Việt Nam tại Toronto, Canada. Khi đó chính quyền Nixon tích cực lợi dụng việc miền Bắc đối xử với các phi công bị bắt giữ như một cái cớ để tiếp tục chiến tranh.
Cora tin tưởng chắc chắn rằng nếu hai tổ chức phụ nữ tham gia vào việc chuyển thư giữa các tù nhân ở Hà Nội và gia đình của họ ở Hoa Kỳ thì thông tin sẽ được cải thiện và tất cả sẽ biết có những ai đang bị giam giữ. Họ tin rằng cái gọi là “vấn đề” này sẽ được loại bỏ khỏi các bàn thảo luận ở Paris để giải quyết các vấn đề thực chất hơn nhằm sớm kết thúc chiến tranh.
Các nhà lãnh đạo của phong trào phản chiến đã thành lập COL. Với tư cách là đồng chủ tịch, Cora đã thực hiện nhiều chuyến đi đến Việt Nam. Hàng tháng, kể từ tháng 12 năm 1969, những nhóm gồm ba người do COL tổ chức đến Hà Nội với thư từ các gia đình và trở về với thư từ các quân nhân bị bắt. Tại Hà Nội, Xuân Oanh thường là người tiếp đón các vị khách đồng thời là người chuyển thư. COL tiếp tục trao đổi thư từ như thế cho đến khi các tù nhân được trả tự do vào năm 1973.
Ngoài việc tạo thuận lợi cho việc gửi thư và quà, vào tháng 8 năm 1972, Cora và Dave Dellinger đã được liên lạc và được phép đến Hà Nội vào tháng 9 năm 1972 để nhận nuôi ba phi công Mỹ như một cử chỉ hòa bình. Cora và Dave Dellinger, cùng với những người họ hàng Minnie Lee Gartley và Olga Charles, giáo sư luật quốc tế Richard Falk và Mục sư William Sloane Coffin, đã thực hiện chuyến đi đến Hà Nội và đưa các tù binh chiến tranh Norris Charles, Edward Elias và Mark Gartley trở lại New York.
Cora kể Xuân Oanh là người nhạy cảm, dễ nói chuyện và quan tâm đến sức khỏe của vợ. Ghi chú của Xuân Oanh viết:
Vào tháng 1 năm 1973, Hiệp định Hòa bình được ký kết. Trong những ngày tiếp theo, tù binh Mỹ được tập trung về nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội để chờ được thả. Bên trong, tin đồn lan truyền rằng một số tù binh tức giận với nhóm tám tù nhân đã lên tiếng phản đối chiến tranh và sẽ làm hại họ bằng cách nào đó nếu họ có cơ hội. Không biết đó chỉ đơn giản là sự đe dọa vu vơ hay có ý định thực sự nhằm gây thương tích về thể chất hay tệ hơn nữa, nhưng ban quản lý nhà tù đã trở nên thận trọng hơn vì sự an toàn của nhóm tám tù binh, đặc biệt là khi các tù nhân được phép di chuyển tự do hơn trong khu nhà kể từ khi Hiệp định Hòa bình được ký kết. Xuân Oanh đã gặp tám tù binh này và thảo luận về những mối quan tâm cùng mong muốn của họ.
Tám người nói với Xuân Oanh rằng họ không muốn bị tách riêng, cũng không muốn bị giam giữ để được bảo vệ, và họ muốn được trả tự do cùng một ngày chứ không phải căn cứ theo ngày bị bắt như đã được thỏa thuận. Họ muốn tù binh được ở cùng nhau và cùng được về vào ngày mà người cuối cùng được thả.[18]
Cựu tù binh Bob Chenoweth, một trong số tám người đó, nhớ đến Xuân Oanh với sự quan tâm sâu sắc của ông đối với những lo lắng của họ, điều kiện ăn ở của họ và việc ông tạo điều kiện cho họ về nhà được an toàn.
Tại lễ khai mạc một cuộc triển lãm đặc biệt tại Bảo tàng Nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội vào tháng 11 năm 2017 nhân dịp kỷ niệm 45 năm “ Điện Biên Phủ trên không” (còn gọi là Linebacker II/Christmas Bombing), Chenoweth thừa nhận rằng những bài học cuộc sống mà ông đã học được từ những người Việt Nam trong suốt 5 năm ông bị cầm tù là vô giá đối với ông.
Ông bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc vì họ đã giúp mình trở thành “người tốt hơn” so với khi đến. Những lời của Chenoweth đã chứng minh cho câu nói của Hồ Chí Minh “hy vọng rằng họ rời khỏi đây là những công dân tốt hơn hoặc hiểu biết hơn so với khi họ đến đây,” những lời mà Hồ Chí Minh đã bày tỏ với nhà hoạt động hòa bình Dave Dellinger vào năm 1966.
Trong những lời tưởng niệm của Chenoweth, chúng ta có thể thấy rằng di sản về ngoại giao nhân dân của Xuân Oanh vẫn còn mãi.
[7] Susan Sontag, Chuyến đi Hà Nội , (New York: Noonday Press, 1968) 34-5. Những băn khoăn của Sontag xoay quanh góc nhìn của Xuân Oanh: “Người Việt tưởng tượng điều gì đang xảy ra với chúng tôi ở đây? Họ có nắm bắt khi chúng ta hiểu và khi chúng ta không? Tôi đặc biệt nghĩ đến Oanh, người rõ ràng là rất khôn ngoan và đã đi du lịch rất nhiều ở Châu Âu…Hôm nay tôi hỏi Oanh có nghĩ rằng người đi đường nhận ra chúng tôi là người Mỹ không. Anh ấy nói rằng hầu hết sẽ không. Thế thì họ nghĩ chúng ta là ai, tôi hỏi. Có lẽ là người Nga, là câu trả lời của anh ấy…”
[8] Sontag, Chuyến đi Hà Nội , 79.
[9] Judy Gumbo, “Viet Nam Time Travel, 1970-2013”, Chapter 2 in Karin Aguilar-San Juan và Frank Joyce, biên tập, The People Make the Peace: Lessons from the Vietnam Antiwar Movement , (Charlottesville: Just World Books, 2015) , 65.
[10] Gumbo, Cô gái Yippie , 192-214.
[11] Sontag, Chuyến đi Hà Nội , 13.
[12] Gumbo, Cô gái Yippie , 193.
[13] McEldowney, Hanoi Journal 1967 , 100.
[14] Nghị quyết số 194-NQ/TW, ngày 20 tháng 11 năm 1969 của Bộ Chính trị về chính sách đối với phi công Mỹ bị bắt ở miền Bắc Việt Nam
[15] Zimmerman, Kẻ gây rối , 267-8.
[16] Zimmerman, Kẻ gây rối , 270.
[17] Zimmerman, Kẻ gây rối , 277.
[18] Wilber và Lembcke, Tù binh bất đồng quan điểm , 68.
VUFO sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về đối ngoại nhân dân với nữ cán bộ ngoại giao Lào |
Hà Nam: Nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về đối ngoại nhân dân |