Số liệu thống kê

Thực hiện công tác về người Việt Nam ở nước ngoài: kiến nghị 9 nhiệm vụ và giải pháp

2024-12-21 12:14:08

Đa dạng hóa phương thức tập hợp cộng đồng người Việt ở nước ngoài

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phùng Khánh Tài trả lời phỏng vấn về nhiệm vụ gắn kết ...

Nghĩa tình người Việt ở nước ngoài với đồng bào miền Trung

Khi đồng bào miền Trung đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt lũ lụt lịch sử, đó là lúc người Việt Nam ở nước ...

Hội nghị nhằm kiểm điểm, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị của các cấp ủy Đảng, các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương, trên cơ sở đó đề ra phương hướng, chủ trương và các biện pháp lớn về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong giai đoạn tới. Đây cũng là dịp để tăng cường hợp tác và phối hợp trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài.

Toàn cảnh hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Ủy ban NNVNVNONN) khẳng định, việc học tập, quán triệt, triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 45 đã được tiến hành đồng bộ, rộng rãi cả ở trong và ngoài nước. Hầu hết các ban, bộ, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, địa phương và CQĐD đã ban hành các Nghị quyết, Kế hoạch, Chương trình công tác dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm thực hiện Chỉ thị 45.

Nhiều chính sách, quy định pháp luật và chương trình hành động cụ thể trong các lĩnh vực: quốc tịch, xuất nhập cảnh, sở hữu nhà ở, thu hút, trọng dụng cá nhân là NVNONN hoạt động khoa học công nghệ ở trong nước… đã được ban hành. Nhìn chung, Chỉ thị 45 đã được triển khai, quán triệt sâu rộng, từng bước đi vào cuộc sống, góp phần tạo nên những kết quả quan trọng trong công tác đối với NVNONN trên tất cả các mặt.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi sắp tới về quan điểm chỉ đạo, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị; đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tham mưu và triển khai chính sách, cũng như sự tham gia của toàn dân trong công tác đối với NVNONN. Công tác đối với NVNONN cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, toàn diện, đồng bộ, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, thể hiện đầy đủ và phát huy tốt truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc. Chú trọng nâng cao nhận thức của cộng đồng NVNONN về quyền và trách nhiệm của NVNONN đối với cộng đồng, với sở tại và với quê hương, đất nước.

Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Ủy ban NNVNVNONN) phát biểu tại hội nghị.

Trên cơ sở mục tiêu và quan điểm chỉ đạo nêu trên, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi kiến nghị 9 nhiệm vụ và giải pháp. Cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa các hình thức vận động cộng đồng NVNONN, trong đó tập trung vào thế hệ trẻ.

Thứ hai, tiếp tục quán triệt sâu rộng, thực hiện đầy đủ và có hiệu quả hơn nữa chủ trương đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, trong đó tập trung vào việc tiếp tục vận động, thuyết phục những người còn giữ định kiến, mặc cảm; quan tâm giải quyết các vấn đề do lịch sử, hậu quả chiến tranh để lại trên tinh thần đối thoại, lắng nghe, cởi mở, chân thành, rộng lượng, khoan dung, sẵn sàng chấp nhận khác biệt.

Thứ ba, tăng cường các biện pháp mang tính căn cơ, lâu dài nhằm hỗ trợ NVNONN, đặc biệt ở những địa bàn khó khăn nâng cao địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống và hội nhập vào xã hội sở tại. Các giải pháp gồm: Trong các cuộc trao đổi, tiếp xúc, đề nghị chính quyền các nước tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng NVNONN hội nhập tích cực vào xã hội sở tại, đồng thời có biện pháp bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, an ninh, an toàn của NVNONN. Các bộ, ngành liên quan phối hợp với các cơ quan chức năng của nước sở tại nghiên cứu, đề xuất các biện pháp cụ thể để vừa tạo điều kiện cho người Việt Nam di cư hợp pháp ra nước ngoài, vừa tăng cường công tác quản lý người di cư ra nước ngoài.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến NVNONN; chú trọng việc triển khai chính sách đồng bộ và thống nhất. Các giải pháp gồm: Tập trung giải quyết sớm những vướng mắc liên quan đến quyền lợi thiết thân và chính đáng của NVNONN nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho kiều bào về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh. Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược về tình hình cộng đồng NVNONN. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về NVNONN.

Thứ năm, đẩy mạnh việc phát huy nguồn lực của NVNONN. Các giải pháp gồm: Về nguồn lực tri thức, cần tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan nhằm xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ trong việc vận động các trí thức, chuyên gia đầu ngành NVNONN, trong đó quan tâm hơn nữa tới nhóm kiều bào trẻ. Về nguồn lực kinh tế, nhanh chóng giải quyết những vướng mắc của bà con khi về nước đầu tư, kinh doanh. Phát huy vai trò của mạng lưới doanh nhân NVNONN; đẩy mạnh huy động kiều bào tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài. Ngoài ra, cần tăng cường phát huy vai trò của kiều bào trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.

Thứ sáu, đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức dạy và học tiếng Việt, tăng cường hỗ trợ NVNONN giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc. Các giải pháp gồm: Về nội dung, bổ sung, xây dựng các chương trình mới trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm dạy và học tiếng Việt của các hội và cộng đồng, phù hợp với đặc thù, điều kiện và nhu cầu của từng địa bàn. Về phương thức, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh việc hỗ trợ giáo trình, tài liệu dạy và học tiếng Việt, đào tạo đội ngũ giáo viên; tăng cường vận động Chính phủ và chính quyền các nước ủng hộ việc giảng dạy tiếng Việt tại các trường phổ thông/đại học. Đa dạng hóa các hình thức hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, hội thảo, hội chợ, triển lãm Việt Nam... ở nước ngoài. Giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến nhu cầu về tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng.

Thứ bảy, đổi mới công tác thông tin đối ngoại về cả nội dung và phương thức. Các giải pháp gồm: Về nội dung, cần đổi mới theo hướng bám sát nhu cầu của kiều bào, tăng cường khai thác và đưa tin những hình ảnh đẹp, những đóng góp của kiều bào đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Về phương thức, cần đa dạng hóa, chú trọng duy trì và phát triển nội dung trên nền tảng số nhằm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, mọi lúc, mọi nơi cho kiều bào về tình hình đất nước. Thiết lập cơ chế phối hợp, phản ứng nhanh nhằm kịp thời phản bác những luận điệu sai trái, bịa đặt của các lực lượng phản động, thù địch. Phát huy đa dạng các kênh truyền thông nhằm đưa thông tin về tình hình đất nước tới kiều bào.

Thứ tám, công tác hội đoàn cần được tiến hành thường xuyên, liên tục và đồng bộ. Các giải pháp gồm: Tập trung củng cố các hội đoàn truyền thống; tăng cường hỗ trợ các hội đoàn trong các hoạt động hướng về quê hương. Xây dựng cơ chế cụ thể về việc công nhận các chi hội NVNONN là thành viên của các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội ở trong nước. Tiếp tục quan tâm giải quyết các kiến nghị về khen thưởng của kiều bào.

Thứ chín, đẩy mạnh kiện toàn bộ máy tổ chức, cơ chế phối hợp, nhân sự và ngân sách làm công tác về NVNONN từ trung ương đến địa phương và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Các giải pháp gồm: Tăng cường phối hợp công tác về NVNONN giữa các ban, bộ, ngành, giữa trung ương với địa phương, giữa trong nước với ngoài nước thông qua các cơ chế hợp tác, các đề án, kế hoạch triển khai những nội dung công tác cụ thể, trong đó Ủy ban Nhà nước về NVNONN đóng vai trò cơ quan tham mưu, thống nhất quản lý công tác này. Tăng cường thiết lập cơ chế phản hồi đối với những ý kiến đóng góp, những khó khăn của kiều bào. Nâng cao hơn nữa chất lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ làm công tác về NVNONN tại các cơ quan trong và ngoài nước.

Đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút các nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài

Có mặt tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, sự phát triển của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và những đóng góp quan trọng của kiều bào ta đối với đất nước đã chứng minh tính đúng đắn của những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại hội nghị.

Trong 5 năm qua, nhìn chung, việc quán triệt và triển khai Chỉ thị 45 đã được tiến hành nghiêm túc, đồng bộ. Chủ trương “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam” đã thực sự đi vào cuộc sống. Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục là một trụ cột trong công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Trong các hoạt động đối ngoại cấp cao, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta thường xuyên gặp gỡ bà con kiều bào; đề nghị lãnh đạo các nước quan tâm hỗ trợ cộng đồng người Việt ở sở tại.

Dù đạt nhiều kết quả quan trọng, song chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn những mặt hạn chế. Việc ban hành một số chính sách, quy định, hướng dẫn còn chậm; triển khai một số chính sách, biện pháp chưa đồng bộ, kịp thời; kết quả vận động, thu hút nguồn lực kiều bào chưa tương xứng với tiềm năng, đặc biệt trong các lĩnh vực như: chuyển giao công nghệ, đầu tư, thương mại..., chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế; vai trò của kiều bào trong việc nâng cao hình ảnh Việt Nam ở sở tại và thúc đẩy quan hệ Việt Nam với các nước còn hạn chế; sự phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, địa phương trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, quá trình sơ kết Chỉ thị 45 đã được bắt đầu từ hơn 1 năm nay với sự vào cuộc tích cực của nhiều bộ, ban, ngành, địa phương. Do vậy, Phó Thủ tướng đề nghị hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận sâu về một số nội dung chính sau:

Thứ nhất, quan điểm, định hướng chỉ đạo của Đảng đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đã được thể hiện rõ trong Chỉ thị 45 và Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị.

Thứ hai, trên cơ sở các định hướng, nhiệm vụ nêu tại Chỉ thị 45 và Nghị quyết 36, cần tập trung rà soát tổng thể và toàn diện các chính sách, biện pháp đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua, tập trung vào 5 năm gần đây; làm rõ những mặt được cũng như những bất cập, tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm; phân tích kỹ các nguyên nhân khách quan và chủ quan; đề xuất, kiến nghị các giải pháp, kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách, quy định, hướng dẫn... nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới, thực sự làm cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là “bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam” trong quá trình xây dựng và triển khai các chính sách liên quan.

Bộ ngoại giao đã tặng Kỉ niệm chương Vì sự nghiệp ngoại giao Việt Nam và đoàn kết và trao bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc.

Trong quá trình hoàn thiện các cơ chế chính sách, cần quán triệt tinh thần “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân”, thực sự vì nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân dân, của đồng bào ta ở nước ngoài. Do vậy, Hội nghị cần làm rõ vai trò của những yếu tố kết nối quan trọng, gắn kết đồng bào ta ở nước ngoài với quê hương như ngôn ngữ, bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, lòng tự hào và tự tôn dân tộc..., từ đó kiến nghị các biện pháp thiết thực và khả thi để sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tạo thuận lợi hơn cho kiều bào trong các lĩnh vực xuất nhập cảnh, cư trú, quốc tịch..., cũng như chủ động giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc của kiều bào, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của đồng bào ta ở nước ngoài.

Thứ ba, song song với việc thảo luận về hoàn thiện các quan điểm chỉ đạo và cơ chế chính sách, Hội nghị cũng cần tập trung đánh giá tiềm năng, thế mạnh của kiều bào ta ở nước ngoài trong điều kiện mới, từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút các nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là đội ngũ trí thức, chuyên gia ở các lĩnh vực mũi nhọn như tin học, viễn thông, điện tử, vật liệu mới, chế tạo máy, sinh học...

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và các vị lãnh đạo chụp ảnh lưu niệm với kiều bào.

Trong đánh giá tiềm năng kiều bào, cần tập trung vào thế hệ kiều bào trẻ, qua đó kiến nghị việc xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để đẩy mạnh khai thác tiềm năng của thanh niên, tri thức trẻ là người Việt Nam ở nước ngoài. Theo đó, cần rà soát các chính sách, hoạt động hỗ trợ, kết nối kiều bào ở trong và ngoài nước để có những cải tiến phù hợp về nội dung và hình thức, khai thác tốt các thế mạnh của công nghệ thông tin và những mặt tích cực của mạng xã hội, nhằm làm cho thế hệ kiều bào trẻ ngày càng hướng về quê hương, đất nước.

Đồng thời, cần bàn kỹ về việc hoàn thiện và nâng cao hiệu quả các cơ chế về tập hợp, lắng nghe và phản hồi ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào ta ở nước ngoài đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu và hoạch định chính sách về người Việt Nam ở nước ngoài trong những năm tới.

Thứ tư, thực hiện công tác về người Việt Nam ở nước ngoài là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Do đó, Hội nghị cần trao đổi sâu về việc tăng cường phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, địa phương, giữa các cơ quan trong và ngoài nước để khắc phục những tồn tại, hạn chế; bảo đảm sự phối hợp giữa các cơ quan ngày càng chặt chẽ, kịp thời và hiệu quả hơn.

Một vấn đề nổi lên thời gian qua là các cơ quan tham mưu trực tiếp về công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã ký kết nhiều thoả thuận, chương trình phối hợp công tác. Tuy nhiên, một số thoả thuận mới dừng lại ở những nguyên tắc chung, chưa có nhiều nội dung cụ thể về phối hợp đôn đốc, theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện. Hội nghị cần bàn và đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện tốt hơn các thỏa thuận, chương trình phối hợp công tác liên ngành trong thời gian tới.

Các đại biểu chụp ảnh kỉ niệm.

Đồng thời, Hội nghị cũng cần tập trung thảo luận, kiến nghị giải pháp nhằm tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác về người Việt Nam ở nước ngoài để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cuối cùng, Thủ tướng tin tưởng rằng hội nghị ngày hôm nay sẽ phát huy trí tuệ, tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao để đưa ra được nhiều kiến nghị về chủ trương, chính sách lớn và cũng như những biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh một cách toàn diện công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, qua đó góp phần tăng cường củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đáp ứng ngày càng tốt hơn đòi hỏi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tại hội nghị, Bộ ngoại giao đã tặng Kỉ niệm chương Vì sự nghiệp ngoại giao Việt Nam và đoàn kết và trao bằng khen cho các cá nhân, tập thể đã có thành tích đóng góp xây dựng ngành ngoại giao Việt Nam; Tặng bằng khen cho các cá nhân tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2016-2020.

Thúc đẩy sự gắn kết giữa Việt kiều Hàn Quốc với quê hương

Sắp tới, ngày 14/10, Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài và Trung tâm văn hóa phật giáo Việt Nam tại Hàn Quốc ...

Huy động chất xám của Việt Kiều để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cho thanh niên

Mỗi năm có khoảng 200 nhà khoa học người Việt ở nước ngoài về nước giảng dạy, phát triển đề tài, dự án, chuyển giao ...

Top