Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh,” những năm qua, cùng với kết quả to lớn về phát triển kinh tế-xã hội, sự nghiệp đổi mới của đất nước và tỉnh Đắk Lắk, khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã không ngừng được tăng cường, củng cố.
Lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc tiếp tục được phát huy. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh từng bước được cải thiện.
Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, có vị trí địa lý quan trọng về an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội. Tỉnh có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và 13 huyện; dân số gần 1,9 triệu người với 49 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, dân tộc thiểu số hơn 667.000 người, chiếm 35,7% dân số toàn tỉnh.
Ngoài các dân tộc tại chỗ đã cư trú lâu đời như Êđê, Mnông, Gia Jai còn có số đông đồng bào các dân tộc thiểu số ở khắp vùng miền của đất nước đã di cư tới lập nghiệp và không ngừng gia tăng về số lượng qua các năm.
[Đắk Lắk kịp thời phát hiện các tình huống phát sinh, không để bị động]
Trên địa bàn có 4 tôn giáo chính, với khoảng 608.403 người theo đạo, luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động, đoàn kết giúp nhau sống “Tốt đời, đẹp đạo.”
Tỉnh có hơn 4.700 kiều bào đang làm ăn sinh sống ở hơn 30 quốc gia trên thế giới, luôn nêu cao tinh thần tự trọng, tự hào dân tộc, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng cuộc sống, giữ mối quan hệ gắn bó với gia đình, người thân, góp phần thiết thực và hướng về xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Ông Y Giang Gry Niê Knơng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk cho biết những năm qua, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh luôn được giữ vững, đảm bảo ổn định và phát triển.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch tăng cường thực hiện các luận điệu tuyên truyền, dụ dỗ, lôi kéo phần tử nhẹ dạ, cả tin người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ thực hiện âm mưu chống, phá chính quyền nhân dân với thủ đoạn ngày càng liều lĩnh, manh động, man rợ, mất nhân tính (điển hình như sự kiện xảy ra ngày 11/6 trên địa bàn huyện Cư Kuin).
Trước tình hình trên, đòi hỏi các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị và nhân dân phải luôn phát huy, xây dựng, giữ vững và chắt chặt tinh thần đoàn kết, đề cao cảnh giác, kịp thời đấu tranh ngăn chặn vấn đề có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn xã hội tại địa phương.
Với vai trò hạt nhân trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thời gian qua, Đảng đoàn, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thành viên và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch công tác cụ thể nhằm không ngừng tăng cường sự đồng thuận trong xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc vững chắc trên địa bàn tỉnh, khơi dậy phát huy mọi tiềm lực trong việc phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình, kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh chính trị vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh thường xuyên phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên đổi mới và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, giáo dục trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân về truyền thống yêu nước, lòng nhân nghĩa khoan dung của dân tộc ta, đường lối chính sách của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước. Qua đó xây dựng sự đồng thuận xã hội, nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong công tác tuyên truyền, chăm lo vận động xây dựng khối đại đoàn kết trong đồng bào các dân tộc, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với chính quyền cùng cấp tổ chức bình xét, suy tôn trên 1.000 người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số, thường xuyên tổ chức hoạt động tọa đàm phát huy vai trò người có uy tín trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Hàng năm, tỉnh tổ chức Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư nhân Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11) tạo sự gắn kết trong cộng đồng dân cư.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tích cực vận động các vị chức sắc, chức việc đồng bào có đạo chấp hành tốt chủ trương, sống “tốt đời, đẹp đạo”, đồng hành cùng dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; vận động các tôn giáo tham gia hoạt động nhân đạo từ thiện hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng.
Các tổ chức, chức sắc, người theo tôn giáo và không theo tôn giáo trên địa bàn tỉnh đoàn kết, thống nhất trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc...
Theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk Y Giang Gry Niê Knơng, những năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia đẩy mạnh hưởng ứng tốt cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, chương trình an sinh xã hội nhằm phát huy nguồn lực thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Điển hình như, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, gắn với phong trào “chung sức xây dựng nông thôn mới” tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia đóng góp, hiến đất xây dựng nông thôn mới, xây dựng mô hình chỉ đạo điểm về xây dựng nông thôn mới.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để giới thiệu hàng Việt và đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng đặc biệt về nông thôn vùng sâu, vùng xa... mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của tỉnh.
Các hoạt động an sinh xã hội, chung tay xây dựng cộng đồng được triển khai hiệu quả, thông qua công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân đóng góp xây dựng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa,” “Quỹ vì người nghèo,” “Quỹ cứu trợ”...
Mặt trận các cấp trong tỉnh đón nhận nhiều nghĩa cử cao đẹp dành cho người nghèo. Những năm qua, các cấp trong tỉnh đã vận động được hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa hơn 7.700 ngôi nhà cho hộ khó khăn về nhà ở; giúp đỡ, hỗ trợ trên 2.500 hộ nghèo thoát nghèo bền vững...Qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 27,55% năm 2005 xuống còn 7,91% vào cuối năm 2021.
Đặc biệt, phát huy tinh thần đại đoàn kết trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19, cấp ủy, chính quyền các cấp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân đóng góp hỗ trợ lực lượng phòng, chống dịch và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với số tiền vận động được trên 57,5 tỷ đồng.
Qua đó phân bổ nguồn kinh phí đến cơ quan, đơn vị, các huyện, thị xã, thành phố để hỗ trợ tham gia thực hiện phòng, chống dịch và chuyển kinh phí mua vaccine về Trung ương, với tổng kinh phí trên 43,6 tỷ đồng góp phần cùng cả nước vượt qua đại dịch.
Hoạt động an sinh xã hội, chung tay xây dựng cộng đồng được triển khai đã giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn, thiên tai, hỏa hoạn thể hiện truyền thống đoàn kết, nhân ái, góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền thực hiện hiệu quả mục tiêu Quốc gia về xóa đói, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Những kết quả nêu trên khẳng định sức mạnh đại đoàn kết của các dân tộc trong tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; là nhân tố có ý nghĩa quan trọng, góp phần từng bước xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên./.
Nguồn bài viết : trực tiếp kết quả bóng đá