SÁCH HAY THỐNG KÊ

2025-01-15 19:45:14

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới được thực hiện thời gian qua đã mang lại hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, thực tiễn đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần nghiên cứu, giải quyết một cách khoa học và toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu và bảo đảm xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết "Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam."

Tổng Bí thư Tô Lâm. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Nhiều ý kiến cho rằng, bài viết đã thể hiện tầm nhìn sâu rộng, bao quát về quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đồng thời khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong mọi lĩnh vực.

Bài viết cũng chỉ rõ việc tập trung xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quy luật phát triển tất yếu; là nguyện vọng và sự lựa chọn của nhân dân, phù hợp với xu hướng phát triển Nhà nước trên thế giới.

Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Duy Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đánh giá bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện, bao trùm mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa để thể chế hóa chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và thực hiện thành công mục tiêu của Đảng ta đã được xác định trong Điều lệ Đảng, góp phần nâng cao uy tín và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong nhân dân.

Bài viết cũng khẳng định sự cần thiết phải giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, tăng cường khả năng linh hoạt, tương tác, đổi mới và đề cao trách nhiệm trước nhân dân, từ đó nâng cao tính Đảng và hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Nhà nước.

Sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền không chỉ tập trung vào đường lối, chính sách; lãnh đạo thể chế hóa đường lối, chính sách thành pháp luật để quản lý Nhà nước và xã hội; đồng thời lắng nghe hơi thở cuộc sống, bám sát thực tiễn đất nước, tiếp thu ý kiến của nhân dân nhằm bổ sung, hoàn thiện và đổi mới đường lối, chính sách của Đảng, và thể chế hóa thành pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vì con người, lấy con người làm trung tâm.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Duy Lợi, thực hiện các nội dung trong 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được nêu rõ tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam tiếp tục lựa chọn công bố các công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách trong và ngoài Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; về vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện của Đảng ta trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; về ý nghĩa của việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức Tạp chí nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân thực hiện nhóm giải pháp thứ 2 trong Nghị quyết 27: "Bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân" và nhóm giải pháp thứ 3: "Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững."

“Thời gian tới, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam tiếp tục tham mưu, tư vấn và phản biện các chủ trương, chính sách về phát triển bền vững; tiếp thu các tri thức khoa học xã hội mới của các trường phái, trào lưu trên thế giới; đồng thời quảng bá, chia sẻ tri thức về phát triển bền vững của Việt Nam với các học giả trong khu vực trên thế giới…”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Duy Lợi cho biết.

Phù hợp với xu hướng phát triển Nhà nước trên thế giới

Theo Thạc sỹ Trần Quang Đẩu, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Bộ Tài nguyên và Môi trường, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ việc tập trung xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quy luật phát triển tất yếu; là nguyện vọng và sự lựa chọn của nhân dân, phù hợp với xu hướng phát triển Nhà nước trên thế giới.

Thạc sỹ Trần Quang Đẩu, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước là một điểm mấu chốt trong lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. (Ảnh: TTXVN phát)

Bài viết cũng cho thấy, cần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; hoàn thiện cơ chế hữu hiệu để nhân dân thực sự thực hiện quyền làm chủ của mình, hoàn thiện, cụ thể hóa phương châm: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng."

Tâm đắc với nội dung trong bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bộ máy nhà nước được tổ chức khoa học, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hoạt động công vụ phải bảo đảm sự tuân thủ pháp luật, thực hiện quyền hạn theo chức trách, thẩm quyền, có sự thanh tra, kiểm tra chặt chẽ," Thạc sỹ Trần Quang Đẩu nhận định sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước là điểm mấu chốt trong lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; không thể tách rời nhưng cần có sự phân định rõ ràng về vai trò và trách nhiệm. Đảng cầm quyền, định hướng và đưa ra chủ trương, đường lối, chính sách; Nhà nước thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách thành pháp luật và quản lý đất nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.

Bên cạnh đó, việc phân công chức năng giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp là cần thiết để đảm bảo sự hoạt động hiệu quả và tránh chồng chéo trong nhiệm vụ.

Quá trình phối hợp giữa các cơ quan này còn là yếu tố quan trọng giúp nâng cao năng lực thực thi của Nhà nước, bảo vệ quyền lợi của công dân và thực hiện công lý xã hội.

Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 27, Thạc sỹ Trần Quang Đẩu cho biết Bộ triển khai một số nội dung liên quan trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam như hướng dẫn triển khai Luật Đất đai năm 2024 đến tất cả các địa phương bảo đảm đồng bộ; hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường, đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát triển; xây dựng các quy chế, quy định cụ thể để thực thi hiệu quả các chính sách về bảo vệ tài nguyên và môi trường; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát và xử lý thông tin liên quan đến tài nguyên và môi trường.

Đồng thời, thực hiện cải cách quy trình thủ tục hành chính, đảm bảo tính minh bạch trong quản lý tài nguyên và môi trường; xây dựng cơ chế giám sát, phản biện từ cộng đồng và xã hội đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp./.

Xây dựng nhà nước pháp quyền: Tránh tình trạng "không quản được thì cấm"

Đại biểu nhận định việc xây dựng pháp luật theo hướng không chỉ phục vụ cho công tác quản lý mà còn phải giúp cho việc khơi thông nguồn lực, tháo gỡ các điểm “nghẽn” để phục vụ cho phát triển KT-XH.

(TTXVN/Vietnam+)
Top