Khoảng thời gian ngắn trở lại đây, trào lưu làm YouTuber, vlogger của nhiều cụ ông cụ bà đã khiến cư dân mạng được phen bàn tán xôn xao. Đặc biệt nhất là trường hợp của kênh Bà Tân Vlog với thành tích khổng lồ đạt được dù chỉ mới bắt đầu đăng video 2 tuần trở lại đây, đủ sức để khiến nhiều người thật sự cúi đầu khâm phục.
Điều này vô tình đặt ra nhiều câu hỏi cho cư dân mạng, rằng phải chăng YouTube là mỏ vàng vớ bở cho bất cứ ai, hay kiếm tiền trên đó dễ đến nỗi đủ để các ông bà tuổi già vẫn đột nhiên sung sức trở lại nghe theo tiếng gọi đam mê làm giàu... Muốn biết độ khó dễ khi "vượt ải" YouTube cao tới đâu, có rất nhiều thứ chúng ta cần làm quen trước khi thực sự bước chân vào sân chơi này, từ đó tự tìm kiếm câu trả lời cho chính mình.
Trước khi bắt tay làm YouTube, rất nhiều kiến thức cần được tìm hiểu một cách kỹ lưỡng.
Theo giới chuyên gia, có 3 yếu tố chính sẽ gây ảnh hưởng đáng kể tới lợi nhuận kiếm được từ YouTube của một kênh.
1. CPM và CPC
Đây là 2 khái niệm cơ bản và phổ biến nhất cần hiểu rõ trước khi bắt tay vào làm YouTube một cách nghiêm túc.
- CPM (Cost Per Mille): Giá tiền trả cho mỗi 1000 view khán giả xem quảng cáo đính kèm video. Những view này phải dài hơn 30 giây khi xem quảng cáo đó mới được tính, thường áp dụng cho loại quảng cáo hiện lên ngay đầu video.
- CPC (Cost Per Click): Giá tiền trả theo mỗi lần khán giả thấy hấp dẫn đủ để xem và click vào quảng cáo tới trang gốc giới thiệu sản phẩm. Đây là hình thức có mặt lâu đời hơn CPM.
Trên cùng một kênh, cả CPM và CPC có thể được áp dụng song song tùy video cũng như chủ đề hợp tác của YouTube và các thương hiệu, sau cùng sẽ tổng hợp lại để chia lợi nhuận cho chủ kênh. Mức CPM và CPC dao động khác nhau ở từng quốc gia, từng khu vực, từng chủ đề và nội dung liên quan tới video.
Tùy từng khu vực, mức CPM và CPC sẽ dao động khác nhau, không nơi nào giống nơi nào.
Hiện tại, Việt Nam không phải một nước được YouTube chọn và tối ưu hóa mức CPM/CPC cao, thậm chí thấp hơn cả chục lần so với nhiều quốc gia "hot" khác. Vì thế, một số YouTuber đã quyết tâm chuyển sang làm nội dung tiếng Anh, quốc tế để thu hút người xem nước ngoài, tăng lợi nhuận thu về cho kênh của mình.
2. Mức độ chia lợi nhuận với YouTube, ảnh hưởng từ số sub
Nói một cách dễ hiểu, nếu bạn là một chủ kênh có quyền bật kiếm tiền, video của bạn sẽ được đính quảng cáo từ các thương hiệu hợp tác và ăn lợi nhuận tương ứng. Tuy nhiên, YouTube ở đây sẽ đóng vai trò trung gian, cung cấp mọi thứ cho bạn đăng video và cho thương hiệu kia tìm đến, vì thế họ sẽ "ăn" một phần giá trị thu được.
45% tổng số tiền quảng cáo sẽ được YouTube giữ, còn lại 55% thuộc về túi tiền chủ kênh. Vì vậy, đừng vội mờ mắt vì những con số màu hồng được ai đó vẽ ra ở thời điểm mới học việc ban đầu, vì có thể họ chưa kịp trừ đi phân nửa số tiền phải chia cho YouTube mà thôi.
Theo ước tính trung bình, sẽ có ít nhất 10% số subscriber của kênh luôn luôn trung thành và xem video chăm chỉ; 15% số subscriber thường xem đủ ít nhất 30 giây quảng cáo. Vì thế, tổng lượng sub càng lớn thì các con số chắc nịch này càng cao, giúp cho CPM/CPC hay rộng ra là "lương cứng" của chủ kênh nhận được từ YouTube cũng ổn định và ngon ăn hơn.
Các YouTuber buộc phải sáng tạo không ngừng nghỉ nếu muốn xây dựng nền tảng subscriber vững mạnh.
3. Các nguồn thu nhập phụ
Không chỉ đính quảng cáo và nhận tiền hợp tác trực tiếp từ YouTube, vẫn còn nhiều cách để các YouTuber tự gây dựng nguồn thu nhập phụ cho chính bản thân mình, tối đa hóa lợi ích thu được từ kênh.
- Bán hàng cá nhân: Nếu bạn có hơn 10.000 sub và cũng quản lý một cửa hàng kinh doanh khác bên ngoài liên quan đến chính nội dung làm video của mình, YouTube sẽ cho phép hiển thị trình mua bán hàng hóa lên kênh (cũng phải hợp lệ qua kiểm duyệt). Nói cách khác, đây đơn thuần là công cụ tạo điều kiện cho bạn tự quảng cáo thương hiệu của chính mình vả tự kiếm thêm thu nhập, chứ YouTube không chủ động trả tiền cho bạn từ những sản phẩm này.
- Hội viên/fan cứng của kênh: Khác với quảng cáo, tính năng kiếm tiền này chỉ được bật khi thỏa mãn được điều kiện có hơn 30.000 sub. Khi đó, khán giả có thể lựa chọn trả tiền để làm hội viên thân thiết của kênh, được hưởng thêm một số quyền lợi như huy hiệu cạnh tên tài khoản, comment có emoji riêng, một số ưu tiên về nội dung của kênh...
- YouTube Premium: Cách thức này cũng là một đặc quyền dành cho khán giả, vì họ sẽ không bị làm phiền bởi bất kỳ quảng cáo nào, được phép tải video về xem offline nếu đã trả phí đăng ký gói Premium. Tuy nhiên, chủ kênh cần sống ở quốc gia được hỗ trợ (hiện chưa có Việt Nam) và được YouTube đánh giá hợp lệ đủ tiềm năng để thu hút fan đăng ký Premium.
Lời kết
Nhìn chung, YouTube là một thế giới ảo phức tạp, và làm YouTuber cũng không hề dễ dàng như nhiều người tưởng để có thể khiến tiền bạc đổ vào túi như nước sông hồ. Trên hết, điều quan trọng nhất không phải cách chúng ta "cáo già" tới đâu, tạo ra được nhiều nguồn lợi nhuận lớn tới mức nào, mà là việc đáp ứng đủ các tiêu chuẩn cộng đồng do YouTube đặt ra. Nếu yêu cầu cơ bản đó cũng chưa thể thỏa mãn, tất cả những thứ khác chỉ là vô nghĩa, không bao giờ có thể hiện thực hóa giấc mơ làm giàu từ YouTube của mỗi người.
Nguồn bài viết : Xổ số Max 3D Pro