Larrry Vetter, một lính thủy đánh bộ về hưu đang sống tại Việt Nam tổ chức mừng quốc khánh Mỹ với Nguyen Tien (giữa), cựu chiến binh đã mất một chân vì đạn pháo Mỹ trong chiến tranh. (Ảnh: NY Times)
Do Hung Luan, một cựu chiến binh Việt Nam từng bị cầm tù và tra tấn suốt 9 năm bởi các đồng minh khi xưa của Mỹ tại miền Nam Việt Nam, ăn bánh mỳ và cánh gà bằng đũa.
Ngồi cạnh ông là Nguyen Tien, một cựu chiến binh khác với một chiếc chân gỗ sau khi bị thương trong một vụ pháo kích của quân đội Mỹ những năm chiến tranh.
“Tôi có thể cảm thấy tình hữu nghị”, ông Tien cười nói, xung quanh là các cựu binh Mỹ cao lớn gấp ba lần ông. “Chúng tôi đã khép lại cánh cửa của quá khứ”.
Bữa tiệc ngày 4/7, đúng dịp Quốc khánh Mỹ, được Larry Vetter tổ chức. Vetter là cựu chiến binh đến từ bang Texas, từng là lính thủy đánh bộ nhưng ba năm trước đã chuyển tới Đà Nẵng sống bên cạnh những người trước đây ông từng được lệnh phải giết.
“Mọi người đều rất thân thiện”, ông Vetter nói. “Sự sẵn lòng chấp nhận người Mỹ ở họ thật không thể tin nổi”.
Phát triển ngoạn mục
Trong những năm qua, Việt Nam và Mỹ đã xích lại gần nhau nhanh chóng đến mức ngay cả những kiến trúc sư của quá trình bình thường hóa cũng gọi nó là ngoạn mục. Điều này sẽ được tô đậm thêm nữa trong hôm nay, khi ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam lần đầu tiên tới Nhà Trắng.
“Đây thực sự là một dấu cảm thán trong quá trình tạo lập quan hệ ngoại giao”, Antony J. Blinken, thứ trưởng ngoại giao Mỹ nhận định trong một cuộc phỏng vấn. “Một quan chức cấp cao Việt Nam đã nói với tôi rằng, ‘với chuyến đi này, mối quan hệ sẽ không thể có bước lùi’”.
Chuyến thăm diễn ra 4 thập niên sau khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa tại Sài Gòn sụp đổ. Các quan chức Việt Nam xem đây như là sự tôn trọng của Mỹ đối với thể chế chính trị của Việt Nam. Sau 20 năm bình thường hóa quan hệ, các vấn đề địa chính trị đang đưa hai nước xích lại gần nhau hơn.
“Giữa nhiều lựa chọn, Việt Nam chọn Pax Americana (hòa bình kiểu Mỹ)”, Le Van Cuong, một vị tướng về hưu, từng chiến đấu chống Mỹ 50 năm trước nói.
Việt Nam và Mỹ là hai trong nhiều quốc gia đang đàm phán một hiệp định tự do thương mại rộng lớn, Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây được xem là một cách để giúp người Việt giao thương trực tiếp hơn với Mỹ.
Trong những năm sau chiến tranh, sự thiếu tin cậy đã khoét sâu hố ngăn cách giữa Mỹ và Việt Nam, nhưng hai nước đã dần vượt qua nhiều vấn đề gai góc. Việt - Mỹ đã hợp tác trong quá trình tìm kiếm hài cốt của lính Mỹ trong chiến tranh. 3 năm trước, Mỹ bắt đầu triển khai một chương trình giảm thiểu ảnh hưởng của chất da cam, một chất khai quang được tin là đã gây ra những dị tật bẩm sinh và nhiều căn bệnh khác, dù giới phê bình cho rằng Mỹ vẫn chưa hành động đủ mạnh mẽ.
Tình hữu nghị giữa hai nước còn được thúc đẩy bởi tương tác giữa người dân hai nước: các nhà đầu tư, cựu chiến binh và du khách Mỹ đã tới Việt Nam, còn những người Việt di cư sang Mỹ sau chiến tranh đã trở lại quê hương để làm ăn; và học sinh, sinh viên Việt Nam tới Mỹ ngày một nhiều. Số lượng sinh viên Việt Nam tại các đại học Mỹ đã tăng từ 800 cách đây hơn 2 thập kỷ lên hơn 16.000 người hồi năm ngoái.
Những người Mỹ đang sống tại Việt Nam cho biết họ luôn ngạc nhiên trước sự chào đón nồng ấm của người địa phương. Trong một khảo sát được công bố hồi năm ngoái bởi Trung tâm nghiên cứu Pew, 78% người Việt Nam cho biết họ cảm thấy thích nước Mỹ. Trong đó, tỷ lệ này ở những người dưới 30 tuổi là 88%.
“Điều lạ ở đây là vì lí do nào đó, họ thực sự thích người Mỹ. Tôi từng có những quãng thời gian khó khăn để được chạm vào điều đó”, David Clark, một lính thủy đánh bộ Mỹ đã về hưu và chuyển tới Đà Nẵng sống năm 2007 nói. “Khi họ biết rằng bạn là một cựu chiến binh, họ mời bạn tới ăn tối. Rồi cả làng đến chơi - bạn là khách danh dự”.
Những người trở lại
Tiệc mừng quốc khánh Mỹ tại Đà Nẵng (Việt Nam). (Ảnh: NY Times)
Một vài trong số hàng chục cựu chiến binh trở lại Đà Nẵng đang tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo. Bản thân Vetter vẫn hỗ trợ 300 USD/tháng cho hai anh em bị liệt cả hai chân tại Đà Nẵng, mà ông tin rằng có nguyên nhân từ việc bố mẹ họ tiếp xúc với chất da cam.
Chuck Palazzo, một cựu lính thủy đánh bộ khác, đã chuyển tới Việt Nam sống 8 năm trước và điều hành một công ty phần mềm. Ông đang đi đầu trong nỗ lực xây dựng một nhà tình thương cho 5.000 nạn nhân chất độc da cam. Chính quyền thành phố đã đồng ý cấp đất cho dự án.
“Tôi đã học được cách vị tha từ những người Việt Nam”, ông Palazzo nói. “Tôi đã học được từ họ cách luôn hướng về phía trước”.
Người có lẽ nổi tiếng nhất trong số các cựu chiến binh trở lại Việt Nam là Pete Peterson, đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Việt Nam được Tổng thống Bill Clinton bổ nhiệm sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995.
Ông Peterson từng là một phi công của Không quân Mỹ, bị bắn rơi tại Hà Nội và đã có 6 năm rưỡi bị giam trong nhà tù Hỏa Lò, mà người Mỹ gọi là Hilton Hà Nội.
Trong lần trở lại Hà Nội vào tuần trước, ông đã tới một hiệu cắt tóc nằm trong tòa nhà được xây ngay trên nơi từng là phòng giam ông năm nào.
“Tôi đang ngồi trên ghế thì một cô gái còn khá trẻ hỏi “đã bao giờ ông đến đây chưa?”, Peterson kể lại. “Tôi trả lời ‘thực ra là có, tôi đến rồi. Tôi từng sống ngay ở đây - bên dưới chiếc ghế này’”.
Theo cựu đại sứ, Việt Nam và Mỹ giờ đây có rất nhiều điểm tương đồng. Ông tin rằng định mệnh của hai nước là trở thành đồng minh mật thiết của nhau. Nhưng khi ông nghĩ tới cuộc chiến năm xưa cùng sự chết chóc, tàn phá nó gây ra, thất vọng lại ùa về. Nếu Mỹ và Việt Nam là những đồng minh một cách tự nhiên đến vậy, vì sao ban đầu họ lại phải đánh nhau?
“Tôi đã nghĩ về điều này trong một thời gian dài”, ông Peterson chia sẻ. “Tôi tin rằng chiến tranh lẽ ra có thể bị đẩy lùi nếu chúng ta nỗ lực để hiểu nền chính trị của nhau”.
Theo VnExpress