Bộ TT&TT đồng hành cùng doanh nghiệp, nỗ lực xây dựng hệ sinh thái 100.000 doanh nghiệp công nghệ Việt Nam

2025-01-17 20:14:46
ictnews "Bộ TT&TT cam kết đồng hành cùng với cộng đồng doanh nghiệp trong nỗ lực xây dựng hệ sinh thái 100.000 doanh nghiệp công nghệ Việt Nam vì sự thịnh vượng của bản thân các doanh nghiệp và của quốc gia, dân tộc", Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm.

Tại sự kiện Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, các doanh nghiệp và một số đơn vị của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên Môi trường đã có những trao đổi thẳng thắn xung quanh các vấn đề và nhu cầu chuyển đổi số của các lĩnh vực như  Nông nghiệp; Giao thông - Xây dựng - Tài nguyên môi trường; Chuyển đổi số trong nhà nước và doanh nghiệp…

Chia sẻ dưới góc độ doanh nghiệp, các đại diện từ Viettel, VNPT Technology, VCCorp,...đều cho rằng chuyển đổi số là cơ hội duy nhất để các doanh nghiệp có thể tăng trưởng và đưa Việt Nam thành trung tâm đổi mới công nghệ. Nhưng rõ ràng, để làm được điều này, cần tạo môi trường pháp lý tốt cho các doanh nghiệp công nghệ phát triển; cần sự cạnh tranh bình đẳng và cả các giải pháp để có thể thay đổi định kiến của người Việt về các sản phẩm Việt Nam.

Dưới góc độ của cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, trong bài kết luận tổng kết toàn bộ sự kiện Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam được Bộ TT&TT chủ trì tổ chức đã một lần nữa khẳng định việc đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt nam có ý nghĩa rất quan trọng và là động lực tăng trưởng mới góp phần thực hiện mục tiêu năm 2030 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại.

Nhiều vấn đề đã được đưa ra thảo luận trong toàn bộ diễn đàn, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết: "Các vấn đề đã trao đổi là bước khởi đầu quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trong thời gian tới. Để hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc công nghệ, hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển công nghiệp".

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng thăm các gian hàng công nghệ Việt

Về phía các doanh nghiệp Việt, Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng cho rằng các doanh nghiệp công nghệ cần khám phá, giải quyết bài toán Việt để chiếm lĩnh thị trường trong nước trước doanh nghiệp nước ngoài. Trong đó cần chủ động thực hiện tự đào tạo, đào tạo lại để có nguồn nhân lực chất lượng cao, kỹ sư giỏi, năng lực quản trị công nghệ để có thể phát triển các sản phẩm công nghệ mới có khả năng hướng tới thị trường toàn cầu, tăng cường hợp tác với các đối tác hàng đầu để học hỏi tiếp cận công nghệ hiện đại.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh đến vai trò của các doanh nghiệp lớn, đã thành công. Các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã thành công, có quy mô thị trường có nguồn lực tài chính đủ lớn cần đầu tư phát triển công nghệ, đóng vai trò đầu tàu cho phát triển hệ sinh thái cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Các doanh nghiệp này cần xây dựng mạng của mình gắn liền với sứ mạng quốc gia.

"Doanh nghiệp Việt cần tăng cường kết nối, liên kết để tạo thành hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ Việt. Cần đổi mới mô hình kinh doanh, chấp nhận thử thách và thay đổi cho phù hợp với nền kinh tế số. Doanh nghiệp Việt cần mạnh dạn từng bước chuyển mình từ các doanh nghiệp gia công, lắp ráp thành các doanh nghiệp công nghệ dựa vào công nghệ để tạo ra giá trị gia tăng cao và tăng trưởng nhanh.

Cũng theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, Bộ TT&TT sẽ có những hoạt động cụ thể để thúc đẩy thành công bước đầu của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, nhanh chóng ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm hướng tới một nền kinh tế và xã hội số, và tiền đề cho đổi mới sáng tạo diễn ra rộng khắp, tạo ra thị trường rộng lớn cho các doanh nghiệp công nghệ.

Tiếp tục hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, kết nối, thu hút những nhân tài Việt, nhân tài toàn cầu về xây dựng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu, xây dựng môi trường pháp lý cho doanh nghiệp công nghệ thử nghiệm các dịch vụ mới, thử nghiệm các khung chính sách mới theo cách tiếp cận “sandbox” cho phép thử nghiệm trong một không gian và thời gian giới hạn.

Nghiên cứu xây dựng các chính sách đầu tư, chấp nhận đầu tư rủi ro áp dụng cho phát triển công nghệ cho các startup và các hoạt động đổi mới sáng tạo. Các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển doanh nghiệp như: chính sách thuế, chính sách phát triển thị trường, chính sách cho các công ty có tiềm năng xuất khẩu…

"Bộ TT&TT cam kết đồng hành cùng với cộng đồng doanh nghiệp trong nỗ lực xây dựng hệ sinh thái 100.000 doanh nghiệp công nghệ Việt Nam vì sự thịnh vượng của bản thân các doanh nghiệp và của quốc gia, dân tộc", Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.

Nguồn bài viết : Crown Poker Club

Top