Tổng giám đốc Vinamit: Sản phẩm organic là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam

2025-01-17 20:12:57

Trong cuộc gặp gỡ báo chí về các vấn đề của nông nghiệp Việt Nam, ngày 26/1 do Trung tâm BSA tổ chức, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit đã có những lời chia sẻ đầy tâm huyết về kinh nghiệm làm sản phẩm Organic của mình. Ông Nguyễn Lâm Viên nói:

Tôi còn nhớ kỷ niệm khi làm “Chợ phiên cuối tuần” của Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), tôi đã phải cho các MC nói rất nhiều về câu chuyện sản phẩm làm sao phải có nhiều chất xơ, tốt cho sức khỏe cho người tiêu dùng.

Nhưng dù nói đến “khan tiếng” mà người tiêu dùng chỉ nghe lõm bõm, hiểu sơ sơ…

Nói điều này để thấy rằng, từ khi ra đời, Vinamit đã mang một “nhiệm vụ” là làm thực phẩm tốt cho sức khỏe. Nhưng khi đó ở Việt Nam không biết xu hướng này nên chúng tôi phải làm theo xu hướng bên ngoài.

Ai để ý kỹ sẽ thấy, Vinamit không sử dụng chuối già. Trong kinh doanh, người ta hay sử dụng chuối già để xuất khẩu, vì nó đẹp hơn, ngon hơn. Chúng tôi dùng trái chuối xiêm ngay từ đầu.

Tại sao chúng tôi sử dụng chuối xiêm? Ai ở vùng U Minh Thượng, U Minh Hạ (Cà Mau) sẽ biết có cánh rừng chuối từ 6.000 – 10.000 héc-ta. Đây là cánh rừng chuối hoàn toàn tự nhiên. Chúng tôi chọn trái chuối này vì nó không sử dụng phân bón hay hóa chất nào.

Ngày nay, mọi người hay nghĩ làm Organic là rau sạch. Điều đó không đúng. Organic là những sản phẩm thực phẩm bình thường mà không sử dụng đến 80 loại hóa chất.

Sản phẩm của Vinamit ngay từ đầu đã đi theo chiều hướng này và tôi tự hào khi đến nay mình đã chứng minh được điều này rõ hơn.

Nhìn về tương lai, có thể thấy, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam với quốc tế là sản phẩm Organic. Nếu chúng ta có thêm lợi thế về mặt tiêu chuẩn nữa thì cạnh tranh của Việt Nam sẽ rất tốt.

Tôi nghĩ, chúng ta nên đi vào ngách này. Lý do là với nền nông nghiệp tiểu nông của Việt Nam, nếu đi theo đại quy mô sẽ thì sẽ sa vào một vùng gai nhọn và đâm chúng ta chết.

Còn đi theo ngách Organic thì chúng ta sẽ đi vào con đường rộng hơn, nhiều lợi thế cạnh tranh hơn về mặt giá cả, đó là điều phù hợp với nông nghiệp Việt Nam.

Thử nhìn ngành nông nghiệp Việt Nam bao năm nay có thể thấy những người làm nghề trồng trọt không tiến lên được. Người làm chế biến thì nhìn qua đếm lại cũng chỉ lòng vòng ở một số người. Người dân làm nông thì cứ được mùa mất giá, còn người sản xuất được hàng thì cũng chẳng nhận được mấy lợi quyền.

Như trước kia, khi nhu cầu mít sấy khô của Việt Nam bùng nổ. Một năm trung bình cần 200.000 tấn nhưng chỉ mua được khoảng hơn 40.000 tấn.

Và những điều tương tự như thế luôn xảy ra. Những người làm chế biến còn được an ủi hơn người nông dân, bởi nhiều nông dân thường chỉ thành công trong năm đầu tiên, qua năm thứ 2, thứ 3 là thất bại.

Lý do vì sao? Theo kinh nghiệm của tôi, là vì khi thành công rồi họ thường quên quản trị nên thất bại. Còn người đầu tư cũng bị thất bại, nhưng thường thất bại là bởi do khả năng sinh lời không có và vướng vào quản trị.

Nếu chúng ta quản trị một nông trường mà phụ thuộc vào con người thì rất khó. Đơn giản như mình hỏi họ tưới nước cho cây chưa, họ trả lời là tưới rồi nhưng thực ra chưa và điều đó rất dở, nhất là với cây xoài đang ra hoa vào dịp đầu năm mới và cần nhiều nước.

Cho nên các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp rất đau đầu khi tính khả năng sinh lời của mình. Vì thế chúng tôi phải rất cố gắng và quyết tâm trong việc tương tác với bà con nông dân. Thậm chí Vinamit cũng nghiên cứu ra giống mít để giúp cho bà con bán được, có thu nhập và ổn định.

Nếu nông nghiệp của Việt Nam xem lại vấn đề canh tác, chế biến thì chúng ta không thiếu thị trường cũng như nguyên liệu.

Hiện nay, các công nghệ về phân hữu cơ hay công nghệ về men vi sinh của các bạn trẻ Việt Nam có khá nhiều và đa phần họ bán ra nước ngoài. Đây là lỗi của những người làm khuyến nông khi họ không đi tìm những bạn trẻ này.

Vì thế, tôi tin rằng, Việt Nam tiến về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp Organic thì sẽ nhanh và thành công hơn. Năm 2014, khi chúng tôi cải tạo nông trường để tăng dinh dưỡng cho cây và muốn tìm một cơ sở cung cấp phân trùn quế với số lượng rất lớn.

Chúng tôi tìm mãi thì mới thấy một bạn trẻ ở Nha Trang có số lượng và chất lượng phân trùn quế tốt. Tôi không hiểu tại sao các bạn ấy làm tốt như thế mà lại không phát triển được. Sau đó tôi ký hợp đồng với bạn này trong việc cung cấp phân trùn quế.

Nông nghiệp của chúng ta nên hướng vào cách mới với những bạn trẻ khởi nghiệp này. Nếu làm được điều này tôi cho rằng, Việt Nam sẽ bùng nổ câu chuyện về sản phẩm vô cơ và Organic rất nhanh.

Mới đây, khi tôi tham gia một hội chợ ở Mỹ, các đối tác nói với tôi rằng Việt Nam chỉ cần làm được những tiêu chuẩn như Organic hay thô sơ thì sẽ dư sức cạnh tranh, bởi giá sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam so với khu vực Đông Nam Á là rẻ nhất.

Theo Tiếp Thị Thế Giới

Nguồn bài viết : Điện toán 123

Top