7 bí quyết giúp hôn nhân bền vững

2025-01-17 20:12:55
Bức ảnh người mẹ mang hoa cúc trắng 'đón' con trai hiến tạng gây xúc động mạnh
Trò chuyện thế nào giúp con thông minh hơn?
Vì sao đàn ông thường không chịu xin lỗi dù biết chắc mình mắc lỗi?

“The Seven Principles for Making Marriage Work” (7 bí quyết giúp hôn nhân hạnh phúc) của John Gottman và Nan Silver là tác phẩm bán chạy nhất do Thời báo New York bình chọn. Cuốn cẩm nang không chỉ đưa ra lý thuyết suông mà còn có tính thực tiễn cao. Đây cũng là một trong số ít những cuốn sách tư vấn hôn nhân, tình yêu dựa trên nghiên cứu khoa học, thay vì chỉ đưa ra ý kiến cá nhân.

Trong cuốn sách, hai nhà tâm lý học và nghiên cứu trình bày 7 bí quyết giúp hôn nhân bền vững.

1. Nâng cấp “bản đồ tình yêu”

“Bản đồ tình yêu” là thuật ngữ mà Gottman dùng để chỉ phần tâm trí dành để ghi nhớ tất cả những thông tin liên quan đến người bạn đời. Những cặp vợ chồng hạnh phúc luôn hiểu rất rõ về thế giới riêng của nhau. Họ không chỉ thuộc lòng sở thích, sở ghét, thói quen, những dấu mốc, sự kiện trong cuộc đời mà cả những đặc tính có thể hoặc không thể thay đổi của đối phương. Họ cũng biết rõ mục tiêu, những lo lắng và hy vọng của nhau trong cuộc sống.

Một khi nắm chắc trong tay “tấm bản đồ tình yêu”, họ sẽ luôn biết cách làm nhau hạnh phúc và vượt qua mọi thử thách trong hôn nhân một cách dễ dàng. Theo tác giả cuốn sách, hôn nhân tan vỡ xảy ra phần nhiều do không thuộc “bản đồ” của bên kia.

(Ảnh minh họa)

2. Nuôi dưỡng tình cảm và ngưỡng mộ

Những cặp vợ chồng hạnh phúc luôn ngưỡng mộ nhau và có cái nhìn tích cực về nhau. Theo Gottman, sự yêu mến và ngưỡng mộ là hai yếu tố quan trọng giúp hôn nhân lâu dài và viên mãn. Nếu thiếu một trong hai yếu tố này, hôn nhân đang trên bờ vực thẳm khó có thể cứu vãn và ly hôn là điều tất yếu xảy ra. Bởi sự cảm mến và ngưỡng mộ là liều thuốc giải cho sự xem thường. Nó giúp bạn luôn cảm thấy tôn trọng bạn đời. Khi bất đồng ý kiến, tranh cãi gay gắt, bạn cũng sẽ không bị cảm giác chán ghét xâm lấn.

Gottman khuyên các cặp đôi hãy nhận diện, nhớ lại và liệt kê các điểm muốn ngưỡng mộ hoặc đáng ngưỡng mộ của đối phương.

3. Hướng về nhau thay vì quay lưng lại với nhau

Lãng mạn không phải là một chuyến du lịch sang chảnh, một bữa ăn đắt tiền hay một món quà xa hoa. Mà lãng mạn trong đời thường được nuôi sống bằng những điều bình dị, giúp vợ chồng gắn bó keo sơn. Theo Gottman, mỗi khi bạn thể hiện sự trân trọng với người bạn đời, nghĩa là bạn đang giữ cho sự lãng mạn tồn tại giữa guồng quay của cuộc sống thường nhật.

Tình cảm đôi lứa sẽ vẫn được vun vén cho dù cuộc sống hôn nhân có nhiều khó khăn đến thế nào.

Ví dụ bạn dành 1 tiếng trong quỹ thời gian ít ỏi của mình để quan tâm đến nửa kia khi họ đang buồn hoặc gặp cú sốc trong công việc; hay khi nửa kia muốn kể về cơn ác mộng và bạn trả lời rằng “anh đang vội lắm, nhưng giờ em cứ kể qua đi, tối mình sẽ nói kỹ hơn nhé”. Hai trường hợp ví dụ này đều cho thấy người vợ hoặc người chồng đều chọn cách hướng về nhau thay vì quay lưng lại với nhau.

4. Hãy để bạn đời gây ảnh hưởng đến bạn

Những cặp vợ chồng hạnh phúc luôn nghĩ và cân nhắc đến ý kiến, cảm xúc của nửa kia trước khi quyết định điều gì. Họ cũng cùng đưa ra quyết định và luôn tìm được điểm chung. Để người bạn đời gây ảnh hưởng đến bạn không có nghĩa là bạn bị khuất phục và phải nghe lời người kia răm rắp mà đó là sự tôn trọng lẫn nhau.

(Ảnh minh họa)

5. Giải quyết các vấn đề có thể giải quyết được

Trong gia đình, phụ nữ thường là người đề cập đến những vấn đề và mong muốn chồng cùng mình đi tìm giải pháp. Tuy nhiên các ông chồng lại luôn tìm cách tránh né. Điều này khiến các bà vợ nổi điên, sau đó tự suy diễn rằng chồng là người vô trách nhiệm. Nhưng hiểu về cấu tạo sinh học chính là nguyên nhân gây ra sự khác biệt giữa hai giới. Đàn ông có xu hướng bị quá tải dễ dàng hơn, bởi cơ thể họ nhạy với những cảm xúc căng thẳng hơn vợ mình. Vì vậy họ tránh né việc đối đầu là điều dễ hiểu.

Bí quyết để có thể giải quyết các vấn đề nằm ở thái độ khi mở lời của người vợ. Thường thì người vợ luôn mở lời gay gắt, đầy phát xét và rất khó chịu. Để có thể mở lời nhẹ nhàng, tuân theo các quy tắc sau:

- Than phiền nhưng không đổ lỗi

- Khi mở lời, nói về chính bản thân bạn, thay vì nói về nửa kia

- Miêu tả những gì xảy ra, không đánh giá, không phán xét

- Nói rõ ràng, lịch sự

- Thể hiện sự cảm kích

- Đừng dồn nén cảm xúc

6. Vượt qua bế tắc

“Bạn muốn có con nhưng anh ấy chưa muốn”, “bạn muốn đi chùa nhiều hơn nhưng anh ý cho rằng như thế là quá mê tín”. Đây là hai ví dụ trong rất nhiều trường hợp các cặp đôi gặp phải bế tắc trong hôn nhân. Nghe có vẻ như là điều nhỏ nhặt, nhưng lại là rào cản lớn khiến cả hai khó có thể chung sống hòa thuận. Bí quyết là hãy vượt qua bế tắc. Mục tiêu của nỗ lực vượt qua bế tắc không phải nhằm giải quyết và là chuyển bế tắc sang đối thoại. Một khi hai bạn có thể ngồi lại với nhau và nói về những bế tắc mà không gây tổn thương nhau, thì nguy cơ hôn nhân đổ vỡ là rất thấp.

Để tránh lâm vào bế tắc, hãy tìm hiểu nguyên nhân của nó. Bế tắc có thể liên quan đến ước mơ của người kia. Hãy lắng nghe và tìm hiểu ước mơ này thay vì cãi vã mà không đi đến đâu.

7. Xây dựng những giá trị chung

Hôn nhân không chỉ là chuyện nuôi dạy con cái, phân chia việc nhà và quan hệ tình dục. Nó bao hàm một ý nghĩa thiêng liêng hơn, đó là xây dựng một cuộc sống tinh thần chung – một nét văn hóa giàu ý nghĩa và cả sự cảm kích dành cho những vai trò và mục tiêu vốn kết nối hai bạn lại với nhau, giúp bạn hiểu được vai trò của mình trong gia đinh có ý nghĩa như thế nào.

Nguồn bài viết : Điện toán 123

Top