Đối ngoại nhộn nhịp giữa tháng Tám mùa Thu lịch sử

2024-12-21 12:30:15

Trong không khí tưng bừng kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Việt Nam tổ chức đón thành công nhiều vị khách quý từ các châu lục, đóng góp vào thành quả của công tác đối ngoại trong việc tạo ra thế và lực mới cho đất nước.

Đó là các chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev theo lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (20-22/8), Thủ tướng nước Cộng hòa Singapore Lý Hiển Long theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính (27-29/8), Chủ tịch Thượng viện Bỉ Stephanie D’Hose theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (21-25/8). Cũng trong thời gian này, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (21-24/8).

Chuyến thăm lần đầu tiên của ông Kassym-Jomart Tokayev tới Việt Nam trên cương vị người đứng đầu nhà nước Kazakhstan (từ tháng 3/2019) cũng là chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Kazakhstan tới đất nước hình chữ S trong 12 năm qua. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp sau hơn ba thập niên kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (29/6/1992).

Trong chuyến thăm kéo dài ba ngày với lịch trình dày đặc, ngoài hội đàm với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đã có các cuộc gặp với tất cả lãnh đạo cấp cao của Việt Nam: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Sự đón tiếp trọng thị của nước chủ nhà thể hiện sự coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với các nước bạn bè truyền thống tại khu vực Trung Á, trong đó có Kazakhstan.

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev trao tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quyển album ảnh tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Kazakhstan năm 1959.

Với nền tảng quan hệ chính trị tin cậy và giao lưu nhân dân mạnh mẽ, chuyến thăm của Tổng thống Tokayev được kỳ vọng tạo đột phá trong quan hệ song phương trên tất cả lĩnh vực, trong đó trọng tâm là kinh tế, đầu tư và thương mại. Với Kazakhstan, Việt Nam là một đối tác quan trọng tại Đông Nam Á, là cửa ngõ để vào khu vực đang phát triển hết sức năng động, trong khi đó Kazakhstan được coi là trái tim của cả vùng Trung Á, là cửa ngõ quan trọng cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường này.

Tại cuộc hội đàm, hai vị nguyên thủ đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác kinh tế; nhất trí tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước tiếp cận thị trường của nhau và xem xét khả năng áp dụng các cơ chế hiệu quả để đảm bảo thương mại cùng có lợi.

Lãnh đạo hai bên đánh giá cao tiến triển trong việc triển khai Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) mà Kazakhstan là thành viên từ năm 2016. Tính đến năm 2021, thương mại Việt Nam - Kazakhstan chiếm 10% thương mại giữa Việt Nam với EAEU. Bốn tháng đầu năm nay, trao đổi thương mại song phương đạt hơn 124 triệu USD, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm ngoái song vẫn còn hạn chế so với tiềm năng sẵn có.

Trong bối cảnh đó, việc hai nước ký kết Kế hoạch hành động chung nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai Chính phủ giai đoạn 2023-2025; cùng với hai Bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư - thương mại trong khuôn khổ chuyến thăm cho thấy quyết tâm cao của hai nước trong việc thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực hợp tác còn nhiều dư địa này.

Như Tổng thống Tokayev đã khái quát: “Kể từ ngày hôm nay, chương mới trong mối quan hệ giữa Kazakhstan và Việt Nam sẽ được mở ra. Chúng ta có rất nhiều tiềm năng và cùng với đó là có rất nhiều công việc cần phải hoàn thành phía trước”.

Trong bối cảnh đó, việc hai nước ký kết Kế hoạch hành động chung nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai Chính phủ giai đoạn 2023-2025; cùng với hai Bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư - thương mại trong khuôn khổ chuyến thăm cho thấy quyết tâm cao của hai nước trong việc thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực hợp tác còn nhiều dư địa này.

Như Tổng thống Tokayev đã khái quát: “Kể từ ngày hôm nay, chương mới trong mối quan hệ giữa Kazakhstan và Việt Nam sẽ được mở ra. Chúng ta có rất nhiều tiềm năng và cùng với đó là có rất nhiều công việc cần phải hoàn thành phía trước”.

Đây là lần thứ năm ông Lý Hiển Long thăm Việt Nam trên cương vị Thủ tướng. Theo Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng, điều này thể hiện sự gần gũi, gắn kết giữa hai nước cũng như cá nhân Thủ tướng với Việt Nam. Chuyến thăm nằm trong mạch trao đổi chuyến thăm cấp cao diễn ra thường xuyên trong chưa đầy hai năm qua, “thể hiện rất rõ quyết tâm đưa quan hệ hai nước sang một giai đoạn phát triển mới, ở tầng nấc cao hơn”.

Ngoài hội đàm với người đồng cấp Phạm Minh Chính, Thủ tướng Lý Hiển Long có các cuộc hội kiến với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; tham dự Hội nghị Thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác đầu tư Việt Nam - Singapore; gặp gỡ sinh viên tiêu biểu của Đại học Quốc gia Hà Nội; gặp mặt, đối thoại với đại biểu lãnh đạo trẻ tiêu biểu Việt Nam – Singapore.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Lý Hiển Long.

Chuyến thăm rõ ràng là một điểm nhấn của quan hệ Việt Nam - Singapore trong “năm đặc biệt” với kết quả rất tích cực trong hợp tác kinh tế. Cụ thể, trong tám tháng đầu năm 2023, quốc đảo nhỏ nhất Đông Nam Á trở thành nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký mới hơn 3,6 tỷ USD, chiếm hơn 22,4% tổng vốn đầu tư vào đất nước hình chữ S.

Các thỏa thuận hợp tác quan trọng, trong đó có các kết quả đạt được trong chuyến thăm Singapore gần đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã và đang được tích cực triển khai. Đặc biệt, ngày 2/8 vừa qua, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã ký Quyết định số 912/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác liên ngành triển khai Biên Bản ghi nhớ về quan hệ Đối tác Kinh tế xanh - kinh tế số Việt Nam - Singapore. Quyết định này được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực mạnh mẽ cho việc triển khai Thỏa thuận từ phía Việt Nam, góp phần mở rộng, làm sâu sắc kết nối kinh tế sang các lĩnh vực mới như năng lượng sạch và chuyển đổi năng lượng, đổi mới sáng tạo.

Không thể không nhắc đến việc mở rộng Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP), vốn được biết đến như một “thương hiệu” trong hợp tác kinh tế thành công giữa hai nước. Ba VSIP mới được khởi công (VSIP Cần Thơ, VSIP Bắc Ninh 2 và VSIP Nghệ An 2) cùng loạt khu công nghiệp khác được trao chứng nhận đầu tư, ký biên bản hợp tác trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và vị khách đến từ Singapore cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của hai bên trong việc thúc đẩy hợp tác đầu tư kinh doanh ngày càng toàn diện, hiệu quả.

Thủ tướng Lý Hiển Long nhắc lại chuyện 10 năm trước, ông từng dự lễ khởi công VSIP Quảng Ngãi - VSIP thứ 5 ở Việt Nam. Kể từ thời điểm đó, các VSIP ngày càng mở rộng trải khắp ba miền Bắc, Trung và Nam, thu hút được tổng vốn đầu tư 18 tỷ USD và tạo ra 300.000 việc làm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính không giấu niềm vui mừng khi khẳng định, VSIP là mô hình thành công và sẽ tiếp tục thành công trong thời gian tới. “Thành công của các bạn là thành công của chúng tôi, với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro thì chia sẻ. Singapore đến Việt Nam đầu tư là sẽ thành công”, Thủ tướng khẳng định chắc nịch.

Ngay sau khi Hiệp định Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (1/1973), Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 1/8/1973. Singapore cũng là một trong những nước ASEAN đầu tiên Việt Nam thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược cách đây 10 năm (9/2013).

Hai bên có lòng tin chiến lược, đồng điệu trong quan điểm về nhiều vấn đề mang tính chiến lược. Cùng chung “mái nhà” ASEAN, hai nước nhiều lần nhấn mạnh vai trò của một chiến lược ngoại giao cân bằng, sự tự chủ chiến lược, chia sẻ tầm nhìn về một ASEAN đoàn kết, tự cường, đóng vai trò trung tâm trong các cấu trúc an ninh khu vực cũng như một trật tự đa phương rộng mở, dựa trên luật lệ, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Như các nhà lãnh đạo hai bên khẳng định, quan hệ Việt Nam - Singapore chưa bao giờ tốt đẹp và toàn diện như hiện nay. Với những điểm đồng về tư duy chiến lược và sự mở rộng quan hệ hợp tác một cách thực chất, hoàn toàn có cơ sở để xem xét khả năng nghiên cứu nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện trong thời gian tới – điều được nhấn mạnh trong hội đàm giữa hai Thủ tướng.

Tiếp nối chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Bỉ vào năm 2021, với chuyến thăm Việt Nam từ ngày 21-25/8, Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ Stéphanie D’Hose là chính khách cấp cao nhất của quốc gia Âu châu sang thăm Việt Nam trong năm nay, đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (22/3/1973-22/3/2023).

Bà Stéphanie D’Hose cho biết, chuyến thăm lần đầu tiên tới Việt Nam của bà cũng là chuyến thăm dài nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay (tháng 10/2020). Với chuyến thăm này, nói như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đây là dịp để hai bên nhìn nhận, thống nhất định hướng, giải pháp tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai cơ quan nghị viện, góp phần củng cố quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Trong khuôn khổ chuyến thăm “dài nhất” này, Chủ tịch Thượng viện Stéphanie D’Hose đã chào Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, hội kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính, hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và thăm một số địa phương gồm Quảng Trị, Huế và TP. Hồ Chí Minh.

Đối với nữ Chủ tịch Thượng viện Bỉ, chuyến thăm là cơ hội tuyệt vời khám phá đất nước hình chữ S cũng như khả năng hợp tác giữa hai nước nói chung và giữa hai cơ quan nghị viện nói riêng. Thông qua hàng chục cuộc gặp với những trải nghiệm tại bốn địa phương trong năm ngày của chuyến thăm, bà ấn tượng đặc biệt về tinh thần yêu nước và phát triển năng động của con người Việt Nam.

Khi trao đổi với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, bà Stéphanie D’Hose nhận xét, “người dân Việt Nam có lẽ là những người hiếu khách và thân thiện nhất trên thế giới”. Chuyến thăm giúp bà hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam, từ đó càng có thêm mong muốn thúc đẩy sự hợp tác giữa hai nước, nhất là trong thương mại đầu tư, kết nối doanh nghiệp.

Trên thực tế, Bỉ là đối tác kinh tế, thương mại quan trọng của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Sau ba năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), thương mại giữa Việt Nam và EU tăng trưởng một cách tích cực. Bỉ là một cửa ngõ của hàng hóa Việt Nam vào thị trường châu Âu và cũng là thành viên nhiệt thành ủng hộ cho EVFTA.

Tại hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá tiềm năng hợp tác giữa hai nước về thương mại - đầu tư còn rất lớn. Trong điều kiện các nước đang gia tăng chuỗi cung ứng đầu tư, hai bên cần tiếp tục hợp tác chuỗi cung ứng hiện có và thiết lập những chuỗi cung ứng mới. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bỉ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận thị trường Bỉ và EU, nhất là hàng thủy sản, nông sản truyền thống như gạo, cà phê; tăng cường chuyển đổi năng lượng công bằng, chuyển đổi số; năng lượng tái tạo, dịch vụ tài chính – ngân hàng, logistics...

Chuyến thăm của người đứng đầu Thượng viện Bỉ cũng là dịp để các nhà lãnh đạo Việt Nam “gửi gắm” tới đất nước được mệnh danh là “trái tim của châu Âu” mong muốn thúc đẩy Nghị viện Bỉ nhanh chóng phê chuẩn để Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) sớm đi vào thực thi hay ủng hộ để Ủy ban châu Âu sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam (IUU) có tính tới thực tiễn cũng như cam kết phát triển bền vững của Việt Nam.

Bà Stéphanie D’Hose cho biết, phía Bỉ đang tích cực thúc đẩy, tin tưởng EVIPA sẽ sớm được phê chuẩn trước khi kết thúc nhiệm kỳ này của Nghị viện. Về “thẻ vàng” IUU, bà đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam và EU trong giải quyết vấn đề này và “bật mí” đã chuyển thông điệp đến các nước thành viên để sớm có giải pháp trong thời gian tới.

Ngoài việc ký kết Ý định thư hợp tác giữa Nghị viện Bỉ và Quốc hội Việt Nam – kết quả cụ thể đạt được trong chuyến thăm, theo bà Stephanie D’Hose, việc Nghị viện Bỉ sắp thông qua Nghị quyết ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cũng là điểm nhấn trong quan hệ hai nước. Theo đó, Nghị viện Bỉ khẳng định tiếp tục hỗ trợ nạn nhân và giải quyết hậu quả do chất độc da cam, kêu gọi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức quốc tế đẩy mạnh nghiên cứu về tác hại của chất độc màu da cam, đồng thời kêu gọi Mỹ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam giải quyết hậu quả do chất độc da cam.

Với những ý nghĩa đó, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá trong cuộc gặp với vị khách đến từ nước Bỉ xinh đẹp, chuyến thăm là biểu hiện sinh động của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Bỉ, là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước.

Cũng giống như Bỉ, Australia là một trong những nước sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973. Việc thiết lập quan hệ ngoại giao với quốc gia Đông Nam Á là một trong những chính sách đối ngoại đầu tiên của Chính phủ Australia do Thủ tướng Gough Whitlam (1916 -2014) điều hành.

Năm mươi năm sau, Australia dưới thời chính quyền Thủ tướng Anthony Albanese vẫn duy trì sự coi trọng sâu sắc đối với Việt Nam. Chỉ trong vòng hai tháng, hai nhà lãnh đạo cấp cao nhất của xứ sở kangaroo đã đến Việt Nam, đó là Toàn quyền David Hurley (4/2023) và Thủ tướng Anthony Albanese (6/2023). Và không lâu sau đó, bà Penny Wong khởi động chuyến công du Việt Nam lần thứ hai trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao.

Tại hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng Sáu, Thủ tướng Anthony Albanese cho biết Australia xác định Việt Nam là trung tâm trong quá trình xây dựng chiến lược quan hệ với khu vực Đông Nam Á. Còn thông cáo trước thềm chuyến thăm của Bộ trưởng Penny Wong nhận định sự hiện diện của người đứng đầu ngành ngoại giao Australia tại Việt Nam là “tuyên bố rõ ràng về ưu tiên của Chính phủ Thủ tướng Anthony Albanese và là cơ hội để phát huy hơn nữa hợp tác giữa hai nước nhằm định hình khu vực mà chúng ta mong muốn”.

Chính vì vậy, khi tiếp kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính, đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Australia lần thứ năm, chào Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên hay phát biểu tại Diễn đàn khoa học “50 năm quan hệ Việt Nam - Australia: Hợp tác khu vực trong một thế giới thay đổi”, bà Penny Wong đều nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược Australia - Việt Nam. Những chuyến thăm cấp cao trong năm nay thể hiện mối quan tâm và mục tiêu chung của hai nước trong phát triển quan hệ song phương cùng hướng tới lợi ích chung cho sự phát triển ổn định và thịnh vượng của khu vực. Việc Australia cấp gói hỗ trợ mới trị giá 94,5 triệu AUD cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long từ năm 2023 đến năm 2034 cũng cho thấy các ưu tiên của chính phủ Australia và cách thức mở rộng hợp tác song phương, trong đó có biến đổi khí hậu, bên cạnh các lĩnh vực thương mại và đầu tư, giáo dục và dịch vụ kỹ thuật số.

Nửa thế kỷ qua, quan hệ Việt Nam - Australia có nhiều bước phát triển mạnh mẽ, trong đó, hợp tác kinh tế - thương mại là điểm sáng, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt gần 15,7 tỷ USD, tăng gần 27% so với năm 2021, đưa Australia trở thành đối tác thương mại lớn thứ bảy của Việt Nam và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ mười của Australia.

Hai nước “bắt tay” chặt chẽ trong nhiều vấn đề quan trọng như đảm bảo tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông và an ninh nguồn nước tại khu vực Mekong. Australia mong muốn hợp tác với Việt Nam để cùng giải quyết những thách thức mà hai nước không thể một mình giải quyết, bao gồm thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng.

Giao lưu nhân dân cũng là điểm sáng ấn tượng với trên 31.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại quốc gia lớn nhất trong khu vực Nam Thái Bình Dương. Trên thực tế, giáo dục là một lĩnh vực hợp tác quan trọng khác của hai nước và theo bà Penny Wong, “Australia có thể cung cấp các chương trình hỗ trợ giáo dục và xây dựng năng lực cho người dân và cán bộ quản lý ở Việt Nam”.

Như phát biểu của Bộ trưởng Penny Wong tại buổi gặp mặt báo chí tại Hà Nội hôm 22/8, tình bạn và niềm tin chiến lược đã đặt nền móng cho mối quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Australia. Hai nước mong muốn duy trì hợp tác thiết thực và đang cùng nhau làm việc để đưa mối quan hệ Đối tác chiến lược lên tầm cao mới.

***

Có thể thấy, với việc đón tiếp các vị khách cấp cao nước ngoài trong những ngày cuối tháng Tám, Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán là coi trọng và mong muốn đưa các mối quan hệ với các đối tác phát triển thực chất và hiệu quả. Các chuyến thăm tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII là độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa và đưa các mối quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu; góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam.

Thực hiện: Vinh Hà - Đức Trí | Thiết kế: Lim Dim | Nguồn ảnh: TTXVN và Báo TG&VN

Theo: Báo TG&VN

https://baoquocte.vn/doi-ngoai-nhon-nhip-giua-thang-tam-mua-thu-lich-su-240431.html

Top