Một buổi tập của câu lạc bộ những người yêu chèo Hải Dương tại Séc. (Ảnh: Vietnam+)
Đam mê nghệ thuật và khao khát thể hiện
Có đến 90% số thành viên của Đội văn nghệ phụ nữ Hải Dương là chị em, đúng như tên gọi. Và cũng từng ấy phần trăm là những “nghệ sỹ” chưa qua trường lớp đào tạo, thậm chí thời gian còn ở Việt Nam chưa dám hát đơn ca hay múa solist trong các đêm hội diễn ở trường học, công ty hay xã, phường.
Trong 10, 15, 20 năm làm ăn tại Cộng hòa Séc họ cũng chỉ là những khán giả nhiệt tình trong các chương trình văn nghệ của cộng đồng. Và tối tối ở nhà họ thể hiện niềm đam mê ca hát với màn hình tivi và dàn karaoke.
Cứ thế, cho đến một ngày trong Câu lạc bộ Phụ nữ có người “uống thuốc liều” nêu ra ý tưởng hát tập thể tại một sự kiện nho nhỏ. Bài đồng ca đó dễ hát, dễ thuộc, không đòi hỏi lên bổng xuống trầm, không cần phối bè, lĩnh xướng. Chị An Hoa Liên, Chủ tịch câu lạc bộ Phụ nữ Hải Dương, nhiệt liệt tán thành.
Tiết mục biểu diễn ra mắt Đội văn nghệ phụ nữ Hải Dương thành công ngoài mong đợi, dù các giọng ca không hòa được với nhau, chị “chạy” trước, em “đuổi” sau. Rồi những bài hát tiếp theo ở các sự kiện lớn hơn, lớn hơn và… lớn hẳn. Khán giả cổ vũ nhiệt tình không phải vì nghệ thuật trình diễn mà vì đội hình đông đúc, đẹp mắt và trên hết là vì sự đam mê, khao khát thể hiện bừng cháy trên khuôn mặt mỗi “nghệ sỹ”.
Ba năm đã trôi qua và giờ đây trong các sự kiện lớn của cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Séc sự xuất hiện của Đội văn nghệ phụ nữ Hải Dương trở nên quen thuộc, thậm chí được chờ đợi. Giọng ca trở nên điêu luyện hơn, tay múa trở nên dẻo hơn, chuyển động hình thể duyên dáng hơn, nhưng niềm đam mê vẫn còn nguyên vẹn.
Cặp đào - kép xuất sắc Thái Thuận và Nguyễn Tuấn. (Ảnh: Vietnam+)
Chị Đinh Thị Kim Oanh, thành viên tích cực của Đội văn nghệ phụ nữ Hải Dương, tâm sự với phóng viên báo Tin Tức: “Nhiều thứ ở quê nhà vốn bình thường thì sang đây trở nên thiêng liêng. Sau bao nhiêu năm lăn lộn mưu sinh bỗng dưng nhu cầu giao lưu cộng đồng đối với chúng tôi trở nên bức thiết. Được đứng trên sân khấu hát, múa trở thành niềm vui của tất cả anh chị em. Đội văn nghệ đi diễn khắp nơi, không kén chọn sự kiện lớn hay bé và chưa bao giờ nhận thù lao. Tập luyện mất thời gian, đầu tư trang phục, đạo cụ hay xăng xe đi lại tốn kém nhưng anh chị em không hề tính toán thiệt hơn”.
Chị Oanh còn động viên ba người con của mình, trong đó có bé Hương Thảo mới 5 tuổi, tham gia Đội văn nghệ. Chị nghĩ rằng thế hệ trẻ sinh ra ở Séc sẽ gắn kết với cộng đồng người Việt hơn, biết tiếng mẹ đẻ tốt hơn thông qua những tiết mục hát, múa, diễn kịch.
Anh Mai Xuân Miền, một doanh nhân thành đạt, hiểu ý vợ nên hết sức tạo điều kiện cho bốn mẹ con “cháy hết mình” trên sân khấu. Thành quả mới nhất là tiết mục "Ngọn lửa cao nguyên" của chị Oanh cùng hai cô con gái Trâm Anh và Hương Thảo đoạt giải nhất cuộc thi Cả nhà cùng hát trong đêm nhạc Tôi yêu tiếng nước tôi do câu lạc bộ Sơn Ca tổ chức vào tháng 12/2017.
Khơi dậy tình yêu chèo
Trong các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của người Việt thì chèo là một loại hình kịch hát dân gian của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ mang tính dân tộc thuần Việt sâu đậm. chèo là một nghệ thuật sân khấu tổng hợp, với các làn điệu cổ, càng nghe càng say, kết hợp hài hòa với lối múa, kỹ thuật trình diễn điêu luyện tinh tế, đạt đến đỉnh cao, nhưng vẫn dân dã giúp nuôi dưỡng đời sống tinh thần dân tộc mang đậm chất trữ tình, đằm thắm, sâu sắc.
Bởi vậy, dù không biết hát chèo và sống lâu năm ở Séc nhưng chị Kim Oanh và các chị em khác trong Đội văn nghệ của câu lạc bộ Phụ nữ Hải Dương vẫn mang trong mình tình yêu chèo da diết. Tình yêu đó được dịp bùng lên khi chị Thái Thuận nảy ra ý tưởng thành lập Câu lạc bộ những người yêu chèo.
Chị Thái Thuận từng là ca sỹ nhạc nhẹ với giọng ca vang, khỏe, phong cách biểu diễn nóng bỏng. Nhưng chị vốn là diễn viên chèo, được đào tạo bài bản và cũng gặt hái nhiều thành công trên sân khấu chèo. Trong câu lạc bộ bên cạnh đào chánh Thái Thuận là kép chánh có chất giọng trầm ấm Nguyễn Tuấn và những giọng ca chèo triển vọng Trương Thị Thu, Minh Nguyệt, Kim Oanh… cùng dàn diễn viên múa trẻ trung, xinh đẹp.
Câu lạc bộ Phụ nữ Hải Dương tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ của cộng đồng. (Ảnh: Vietnam+)
Chúng ta hãy cùng dự một buổi tập của câu lạc bộ những người yêu chèo để thấy tâm huyết đối với nghệ thuật truyền thống dân tộc của các anh chị em sống xa xứ đã nhiều năm. Hát chèo không hề đơn giản, nhưng với các thành viên trong Đội văn nghệ câu lạc bộ Phụ nữ Hải Dương thì điều khó hơn là vừa hát, vừa diễn lại vừa phải múa những động tác tưởng dễ mà hóa ra cực khó.
Cô giáo Thái Thuận giảng giải múa chèo gần với múa dân gian, bởi các điệu múa thường được lấy từ chất liệu là các hình thức sinh hoạt hàng ngày của nhân dân lao động. Khi người con gái ra hầu cha mẹ thường hát điệu “Sử bằng” thể hiện lòng tôn kính thì người diễn viên phải thể hiện động tác che quạt, sau câu sử mới vừa hát vừa làm động tác múa quạt thể hiện sự đoan chính nết na. Giai điệu khoan thai đĩnh đạc, lời ca chải chuốt: “Công cha mẹ càn khôn cao hậu. Chữ nan thù phú tái chi thâm ân. Sinh con ra dưỡng dục thành thân. Phải lo giả cù lao chi đức.” Còn điệu “Đường trường phải chiều” thì lời ca thể hiện một mối lương duyên nồng thắm, tình chồng nghĩa vợ khăng khít: “Đôi ta duyên phận phải chiều. Tơ hồng vấn vít chỉ điều se săn. Cầm tay giao mặt dặn rằng. Chỉ thề nước biếc đạo hằng chớ quên. Rủ nhau lên miếu xuống đền".
Khi hát cặp diễn viên một nam, một nữ lúc tiến lúc lui, lúc cận kề, khi đứng lúc quỳ, khi ánh mắt lúc nụ cười, khi xoè quạt lúc gập quạt tạo cho điệu múa và lời ca hoà quyện với nhau, thể hiện tình yêu son sắt…
“Gia đình văn nghệ” của chị Kim Oanh. (Ảnh: Vietnam+)
Tiếng lành đồn rất nhanh và rất xa. Chỉ vừa kịp ra mắt thì câu lạc bộ những người yêu chèo đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành từ cộng đồng người Việt ở khắp mọi tỉnh, thành của Cộng hòa Séc.
Nhiều người thích hát chèo quê gốc ở các tình miền Bắc - Thái Bình, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hưng Yên, , Bắc Giang, Thái Nguyên... đã ngỏ lời muốn tham gia cùng với anh chị em Hải Dương để khơi dậy tình yêu đối với môn nghệ thuật cổ truyền của dân tộc ở nơi cách xa ngàn trùng. Đây cũng là một hình thức kết nối những người con Việt ở Cộng hòa Séc, tạo nên sự gần gũi với quê hương, với văn hóa của dân tộc.