Ăn vỏ chuối cho hết buồn đời

2025-01-17 20:12:57

Táo ăn cả vỏ là chuyện thường, nhưng chuối ăn cả vỏ, thiên hạ lại ngần ngừ.

Vỏ chuối có nhiều chất dinh dưỡng hơn ta tưởng. Chuối có mức dinh dưỡng cao, không kém gì táo. Táo ăn cả vỏ là chuyện thường, nhưng chuối ăn cả vỏ, thiên hạ lại ngần ngừ.

Yêu đời nhờ 2 vỏ chuối mỗi ngày

Dưỡng chất trong vỏ chuối tuỳ thuộc vào độ chín của chuối. Điểm nổi bật của vỏ chuối là rất dồi dào chất xơ hơn chuối (thịt) nhiều, khoảng 20 -30 %, kể cả chất xơ hoà tan và không hoà tan. Điều này giúp cho nhu động ruột tốt điều hoà, tiêu hoá tốt hơn.

Vỏ chuối cũng có nhiều vitamin B6 và B 12, các khoáng magnesium, đặc biệt potassium có hàm lượng khá cao, không kém gì chuối.

Khoáng potassium giúp chuyển hoá thực phẩm, điều hoà nhịp tim, giúp hệ thần kinh và thận làm việc tốt hơn. Hiện nay, chúng ta đang ăn quá nhiều sodium (muối) so với potassium. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo nên ăn khoảng 3,5g potassium/ngày, trong khi với sodium, chỉ nên dưới 2g.

Vỏ chuối cũng chứa nhiều hoạt chất sinh học dạng polyphenols, carotenoids,… có khả năng chống oxýt hoá, chống ung thư, bảo vệ tế bào,… Trong một nghiên cứu của Sundaram. S (đại học Allahabad – Ấn Độ) cho thấy khả năng chống oxýt hoá trong vỏ chuối xanh mạnh hơn so với vỏ chuối chín và chín rục (*)

Vỏ chuối có chất lutein, làm giảm rủi ro bị đục tinh thể và suy thoái điểm vàng ở mắt.

Ngoài ra, vỏ chuối còn có chất tryptophane. Chất này kích thích cơ thể tiết ra chất seretonin, là một chất dẫn truyền thần kinh trong não, giúp cân bằng trạng thái cảm xúc. Khi cơ thể thiếu seretonin, con người dễ trở nên cáu gắt, cạu cọ, hết muốn yêu đời, và yêu…người. Một nghiên cứu cho thấy, nếu thấy ăn 2 vỏ chuối mỗi ngày, và ăn trong 3 ngày liền, thì mức seretonin trong máu tăng khoảng 16%.

Khế chua chuối chát

Chuối mềm và ngọt, nhưng vỏ chuối lại dầy và chát. Thực ra điều này tuỳ thuộc vào độ chín của chuối. Khi chuối chín, vỏ sẽ mỏng đi. Chuối càng chín, vỏ càng mỏng và ngọt hơn, do chuối phóng thích ra khí ethylen. Chất khí này tương tác với tinh bột và chất xơ trong vỏ, phá vỡ cấu trúc của vỏ, làm vỏ mềm đi (dễ bóc). Đồng thời, tinh bột trong vỏ chuối sẽ chuyển hoá thành đường, chiếm tới 30% chứ không phải ít. Và màu xanh của chuối cũng chuyển sang màu vàng nhờ hormone. Tới mức này, thì vỏ chuối mềm mại, ngọt ngào, thơm tho và dễ…nuốt.

Điều e ngại đó là chất tanin (chất chát) trong vỏ chuối, gây khó chịu khi ăn, nhưng khi chuối chín, chất tanin này cũng bớt đi nhiều.

Thực ra vị chát của chuối lại được ưa chuộng trong một số món ăn. Chuối xanh được tước mỏng lớp vỏ, ngâm nước cho bớt chát, thái mỏng, trong món các lóc nướng, cuốn bánh tráng với khế, chấm mắm nêm. Chua chát mặn ngọt đủ cả.

Người Việt cũng ăn chuối cả vỏ nhiều, nhưng thường là chuối xanh, nấu hoặc chiên, nào là cá kho chuối xanh, sườn heo om chuối, và nhất là món chuối nấu ốc, với thịt ba rọi, đậu hũ, ăn với lá tía tô. Có khi hoa non chơi nguyện cụm, cả buồng chuối “tiềm năng” lấy đem làm gỏi bắp chuối. Nhiều bà làm món này thuộc hàng cao thủ, bắt mồi không chịu được.

Yêu nhau đừng thích chung một thứ

Cho đến nay, chưa có nghiên cứu bài bản nào khẳng định vỏ chuối có ích cho sức khoẻ, ngừa bệnh này, ngăn bệnh nọ. Mọi lợi ích đưa ra đều căn cứ vào thành phần dinh dưỡng trong vỏ chuối để suy đoán, nhưng ít ra, khoa học cũng không xác định ăn vỏ chuối là có hại.

Hiện nay vỏ chuối được dùng làm thức ăn gia súc, phân bón, hoặc dùng trong lọc nước.

Chuối là loại trái cây có mức dinh dưỡng cao, không kém gì táo. Táo ăn cả vỏ là chuyện thường, nhưng chuối ăn cả vỏ, thiên hạ lại ngần ngừ.

Có ông văn hào nào đó nói “Yêu nhau là cùng nhau nhìn về một hướng” (Saint Exúpery?). Điều này đúng với những con tim lãng mạn. Nhưng trong ẩm thực lại khác. Nó cần sự tương thích và bổ sung, hơn là cùng nhau thích chung một thứ. Chẳng hạn, chồng thích ăn chuối, vợ thích ăn vỏ, khỏi mất công nặng nhẹ mếch lòng. Vấn đề là có dám hay không?

Theo Thế Giới Tiếp Thị

Nguồn bài viết : sxmb

Top