Khi Thái Lan, Lào nắn dòng Mekong, hạn hán khắc nghiệt dồn xuống Việt Nam

2025-01-17 20:12:57

Khô hạn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Hết còn chung sống với lũ

Hạn hán đã diễn ra ngay trong mùa lũ năm 2015, lượng dòng chảy các sông thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30 – 50%, có nơi hụt tới 80%.

Theo ông Hoàng Đức Cường, giám đốc trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia, tình hình phức tạp và nguy cơ kéo dài tới hết mùa khô, thậm chí có thể tới tháng 7.

“Trong điều kiện biến đổi khí hậu, các đập thuỷ điện khiến tính phức tạp của vấn đề tăng lên”, ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập, người từng tham gia nhóm chuyên gia quốc tế đánh giá tác động môi trường – chiến lược sông Mekong, nói.

“Năm nay lượng nước ít, nắng nóng tại chỗ, nước biển dâng… Điều đáng lo nhất là sự “đảo lộn nhịp sống” khi Lào, Thái Lan nắn dòng lấy nước”.

Ông Nguyễn Phong Quang, phó trưởng ban thường trực ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đề nghị ngoài các vấn đề cần giải quyết trước mắt nhất thiết phải tìm cách căn cơ lâu dài, đề nghị Trung ương có các biện pháp đối thoại, tác động tới các nước vùng thượng nguồn sông Mekong.

Trong khi đó ở vùng hạ lưu sông Mekong giống như lò sấy khổng lồ, mỗi ngày lượng nước bốc hơi nhanh hơn trong nắng hạn. Nhiều nông dân lo sợ nguy cơ không tránh khỏi: lúa đang làm đòng ngậm sữa, không còn nước chắc chắn bị lừng, lép… cho vịt ăn còn chê!?

Sống chung với hạn – mặn

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trong vùng nhận thức đúng đắn về sự nghiêm trọng của tình hình hạn hán, xâm nhập mặn và thông tin để dân hiểu biết đúng về tình hình đang diễn ra và cả trong tương lai để có các biện pháp hỗ trợ dân sinh, đảm bảo nước sinh hoạt cho dân, phòng, chống và sử dụng tiết kiệm nước, bảo vệ thành quả lao động.

Ngày 17/2, tại TP Cần Thơ, theo chỉ đạo của phó Thủ tướng Chính phủ, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và bộ Tài chính tính đến gói dự phòng thiên tai 23.000 tỉ đồng để hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại, ưu tiên kinh phí cho Nam Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Trước mắt, tạm ứng ngân sách hỗ trợ bù đắp 2 triệu đồng/ha cho những nông hộ bị thiệt hại từ 70% trở lên, bên cạnh các giải pháp cấp bách gia cố cống, đắp đập tạm, xây giếng nước ngọt… và các công trình đồng bộ, cấp bách.

Trước đây, gói tài trợ quốc tế 4,5 triệu USD, được một nhóm (trong và ngoài nước) viết bản đánh giá tác động của đập thuỷ điện trong 30 tháng, dù không đặt chân tới đồng bằng, đã chọn hai đối tượng đánh giá: lúa, bắp và cố gắng chứng minh rằng đập thuỷ điện không ảnh hưởng gì tới ĐBSCL.

Thực tế cho thấy đã đến lúc phải sử dụng nguồn lực tài chính quốc gia để khắc phục bất cập từ thiếu nước ngọt, cộng hưởng những biến đổi do El Nino.

Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, xác nhận nguy cơ xâm ngập mặn và hạn hán của các tỉnh ven biển đe doạ 340.000 ha, chiếm 35,5% diện tích xuống giống vụ đông xuân 2015 – 2016 của vùng ven biển và chiếm 22% diện tích xuống giống toàn vùng.

Tại Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang vườn cây ăn trái khó sống nếu độ mặn tiếp tục vượt ngưỡng 3‰. Bí thư tỉnh Hậu Giang, ông Trần Công Chánh nói, nếu bị xâm nhập mặn rồi thì mười năm sau kinh tế nông nghiệp cũng không thể phát triển.

Hậu Giang lâu nay chỉ có mặn từ biển Tây về, năm nay thì ở biển Đông về sâu hơn. Ở Ngã Bảy chưa bao giờ có mặn thì năm nay lên 2‰, đã có 400ha diện tích lúa ở Hậu Giang bị thiệt hại nặng.

Lối thoát lũ ra biển Tây, hiện nay phải xây hệ thống đê và cống ngăn mặn ven biển từ rạch Giang Thành đến cửa Rạch Giá, có 30/35 cửa có cống ngăn mặn. Ông Mai Anh Nhịn, phó chủ tịch tỉnh Kiên Giang, cho biết đập ngăn mặn đã lên tới con số 82, nhưng cũng chỉ mới là giải pháp thời vụ, địa phương đang rất cần Chính phủ quan tâm đầu tư nạo vét các công trình ngăn mặn.

Tỉnh Kiên Giang cần khoảng 5.340 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hệ thống cống, nâng cấp những đoạn đê biển đang sạt lở nghiêm trọng, nhằm phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Hai dự án nâng cấp tuyến đê biển kết hợp giao thông: Xẻo Rô – Tiểu Dừa vốn đầu tư 1.068 tỷ đồng và Hòn Đất – Kiên Lương vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng đã được phê duyệt. Trên đê đoạn An Biên – An Minh được đầu tư xây dựng hệ thống 27 cống ngăn mặn, giữ ngọt.

Ông Nguyễn Tiến Hải, chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị giải pháp: đầu tư nạo vét kênh mương nội đồng, trữ nước mưa khu vực U Minh Hạ, xây dựng hệ thống chứa nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho dân, chống cháy rừng… Hiện nay 18.000ha diện tích lúa trên đất nuôi tôm bị thiệt hại (56%), 13.400ha trong số này bị thiệt hại trên 70%.

Các tỉnh khác sẽ cần bao nhiêu tiền để chung sống với khắc nghiệt?

Từ kịch bản đến có thật

Hai túi chứa nước dự trữ khổng lồ: Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, với tổng diện tích 1.186.000ha đã trở thành vùng lúa.

GS.TS Nguyễn Văn Luật, cho rằng trong điều kiện hiện nay cần bốn định hướng: 1/Muốn giữ lúa: dùng giống cực sớm, giảm thời gian canh tác nhưng vẫn đảm bảo năng suất, né mặn (xuống giống sớm hơn hoặc muộn hơn).

Ví dụ, ở Trà Vinh đã trồng OMCS 2000, OMCS 21 thời gian 65 – 75 ngày, năng suất 7 – 8 tấn/ha. 2/Kỹ thuật: làm mạ rồi cấy lúa, áp dụng kỹ thuật mạ sân, mạ ném… 3/Thay đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu nông nghiệp: dùng giống lấy củ, các loại cây trồng khác thích hợp theo từng địa phương. 4/Hệ thống nông nghiệp: chuyển sang lúa – tôm, lúa – tôm – cá.

Thiếu nước ngọt, khô hạn, nước biển dâng – xâm nhập mặn là có thật? Ông Nguyễn Hữu Thiện cho rằng thích ứng là nương theo, để tính toán đã bỏ tiền ra làm gì đó phải hiệu quả.

“Vùng ven biển có sáu tháng mặn, sáu tháng ngọt, nước mặn sẽ không còn là mối nguy mà có cả cơ hội nếu tính toán làm gì với nước mặn và làm gì khi nước ngọt?”, ông Thiện nói. “Thấy mặn thì ngăn mặn chứ không thể nghĩ gì cao siêu được! Cái khó hiện thời là dân không thể tự chuyển đổi do không tính được chi phí và lợi ích, đầu tư và hiệu quả, sản xuất và thị trường.

Trong khi đó, việc điều hành bị cắt rời từng lĩnh vực đến khi ráp vô thì chỉ là những giải pháp cứng nhắc, trước mắt chứ không giải quyết được vấn đề dài hạn”.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, phó viện trưởng viện Biến đổi khí hậu, trường ĐH Cần Thơ: “Diễn biến khắc nghiệt do biến đổi khí hậu quá nhanh, hiện nay, việc bơm tưới gặp khó khăn khi nước kiệt, cứu được lúa nhưng sẽ không hiệu quả; đã đến lúc phải quyết định chọn cây trồng thích ứng điều kiện thiếu nước. Một số vùng trồng lúa không hiệu quả nên thu hẹp diện tích”.

Theo Thế Giới Tiếp Thị

Nguồn bài viết : XS Mega

Top