Học sinh bậc THCS và lớp 10 học bắt buộc 11 môn/năm

2025-01-17 20:12:57

Trước khi xin ý kiến rộng rãi về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT đã phối hợp Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và vận dụng vào điều kiện của Việt Nam diễn ra từ ngày 10-12/1. Theo Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ, đổi mới trên tinh thần tiếp cận được với quốc tế nhưng vẫn phải mang bản sắc của Việt Nam.

Theo dự thảo mới nhất về Chương trình tổng thể được nêu tại hội thảo, cấp tiểu học có 11 môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Ngoại ngữ 1, Toán, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Kỹ thuật và Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Trong đó, có một số hoạt động/môn học được thiết kế thành các học phần và có một số học phần là bắt buộc với tất cả học sinh, một số học phần tự chọn tùy theo từng chương trình giáo dục của địa phương. Ngoài ra, cấp học này có môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số, Hoạt động tự học có hướng dẫn.

Theo dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh bậc THCS và lớp 10 có 11 môn học bắt buộc

Đối với bậc THCS cũng có 11 môn môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Toán, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Tin học, Công nghệ và Hướng nghiệp, Lịch sử và Địa lí, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Ngoài ra, môn học tự chọn ở cấp THCS là Ngoại ngữ 2.

Đối với bậc THPT, lớp 10 có 11 môn học bắt buộc: Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Toán, Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học, Thiết kế và Công nghệ, trong đó mỗi học kỳ không quá 7 môn. Ngoài ra còn có các môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc: Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động nghệ thuật và Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Lớp 11 và 12, học sinh tự chọn tối thiểu 5 môn học, tổng số của các môn tự chọn không được thấp hơn 20 tiết/tuần.

Theo Chương trình tổng thể công bố năm 2015, dự thảo này, môn Lịch sử và Địa lý sẽ không gộp vào thành môn Khoa học xã hội. Cấp THPT cũng không gộp Lịch sử vào môn học mới là Công dân và Tổ quốc.

Tuy nhiên, theo ý kiến của Nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục đề xuất về lâu dài, Việt Nam nên xây dựng nội dung tích hợp theo xu hướng các nước phát triển như cấu trúc nội dung môn Khoa học thông qua hệ thống các chủ đề tích hợp gồm: Vật chất, năng lượng, khoa học về sự sống, khoa học trái đất, môi trường... xuyên suốt các lớp. Có thể tích hợp Lịch sử, Địa lí và một số nội dung khác thành môn Xã hội. Cấu trúc nội dung tương tự như cấu trúc môn Khoa học.

Minh Hà

Nguồn bài viết : so ket qua

Top