Độc đáo nghi lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô huyện Mèo Vạc, Hà Giang

2025-01-17 20:12:55
Độc đáo lễ khai năm tạ ơn rừng của đồng bào Cơ Tu tại Tây Giang
Những cách tổ chức ngày lễ tình nhân độc đáo trên thế giới

Trong những sinh hoạt dân gian, Lễ cúng tổ tiên là một trong những sinh hoạt thuộc các nghi lễ vòng đời của dân tộc Lô Lô ở Mèo Vạc (Hà Giang), mang tính giáo dục cộng đồng hướng về nguồn cội, biết ơn tổ tiên, giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự cố kết cộng đồng gia đình, dòng họ, làng bản.

Theo phong tục của người Lô Lô, khi gia đình có người chết từ 3 đến 4 năm, người con trưởng trong gia đình sẽ lập ban thờ tổ tiên (ông tổ "dùy khế") và rước hồn lên ban thờ, lập bài vị (hình người) để thờ cúng.

Thầy cúng thực hiện nghi lễ hóa tiền vàng. Ảnh: Báo Dân tộc

Người Lô Lô cho rằng, tổ tiên là những người thuộc các thế hệ trước, đã sinh ra mình và chia thành hai hệ: Tổ tiên gần (dùy khế) - các ông tổ 3 đến 4 đời và tổ tiên xa (pờ xi) - những ông tổ từ đời thứ 5 hoặc thứ 6 trở về trước.

Các gia đình Lô Lô thường lập ban thờ tổ tiên ở sát vách của gian giữa, đối diện cửa chính, có những hình nhân bằng gỗ, được cắm hoặc cài ở vách phía trên ban thờ để tượng trưng cho linh hồn tổ tiên.

Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô gồm 3 phần chính: Lễ hiến tế, Lễ tưởng nhớ và Lễ tiễn đưa tổ tiên.

Mở đầu của Lễ cúng tổ tiên là Lễ hiến tế tổ tiên: Thầy cúng chính (Vàng Dích Quỷ) làm thủ tục cúng trước sự chứng kiến của dòng họ và cộng đồng để báo cáo, mời tổ tiên về dự lễ và hưởng lễ vật do con cháu dâng lên. Sau đó, nghi thức đánh trống đồng được tiến hành.

Nghệ nhân nhận 2 chén rượu uống cạn và nổi trống, trong khi những người phụ nữ trong nhà mặc trang phục truyền thống, nhảy múa và hành lễ theo nhịp trống cùng đoàn Ma cỏ.

Khi thầy cúng dứt lời mời và báo cáo với tổ tiên, gà được mang đi để làm lễ chín. Gà luộc xong, đôi cánh được dâng lên bàn thờ và thầy cúng làm tiếp nhiệm vụ của mình là dâng cúng tổ tiên đôi cánh. Tiếp đó, con lợn còn sống được đưa ra giữa sân để hiến tế cho tổ tiên.

Trong lúc thầy cúng đọc lời khấn dâng lễ, toàn thể trẻ em trong họ có mặt tại buổi lễ quỳ xuống, khoanh tay trước ngực, cúi mặt lắng nghe đến hết bài cúng, mới được ngẩng mặt lên và đứng dậy.

Vật hiến tế tiếp theo là một con bò. Mục đích của việc con cháu hiến tế bò là mong muốn dâng thức ăn cho tổ tiên trên đường bay về trời, trở về cõi vĩnh hằng.

Lễ tưởng nhớ tổ tiên: Do cộng đồng người Lô Lô trong bản cùng với đoàn múa nghi lễ thực hiện. Đoàn múa liên tục đến chiều, cũng là thời điểm kết thúc “Lễ tưởng nhớ tổ tiên”. Nhờ niềm tin tâm linh và lòng nhiệt tình mà suốt một ngày lễ, đoàn múa nghi lễ vẫn múa dẻo, nhịp nhàng theo nhịp trống, không hề thấy mệt mỏi.

Lễ tiễn đưa tổ tiên: Khi màn đêm buông xuống, Lễ tiễn đưa tổ tiên được bắt đầu trong tiếng trống đồng. Giữa sân, gia chủ đốt một đống lửa lớn và thầy cúng thưa với tổ tiên về việc “con cháu dâng lễ vật phẩm, tiền, vàng để tiễn đưa tổ tiên trở về trời; xin tổ tiên nhận lễ vật do con cháu trong dòng họ dâng lên, người dẫn đường đã có, tổ tiên hãy về trời và hãy phù hộ cho con cháu ở trần gian, tổ tiên hãy yên tâm ở cõi vĩnh hằng...”.

Sau đó, thầy cúng đốt tiền, vàng và lễ cúng kết thúc vào lúc rạng sáng hôm sau.

Lễ vật sau khi hiến tế tổ tiên được chế biến thành các món ăn và chia đều để cảm ơn những người đã giúp dòng họ làm lễ, như thầy cúng, người hóa trang Ma cỏ, đầu bếp, người đánh trống đồng, người cho mượn trống đồng… và mời mọi người đến dự lễ ăn cơm, uống rượu chia vui với gia đình...

Tổng giám đốc WHO tiết lộ Hoa Kỳ không còn là nhà tài trợ lớn nhất của tổ chức
Nhiều hoạt động chăm lo nhân dân khu vực biên giới An Giang đón Tết Nguyên đán

Nguồn bài viết : Tin xổ số

Top