Cấp bách di dời dân
Những năm gần đây, tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh Hậu Giang xảy ra ngày càng nghiêm trọng, tăng về số vụ cũng như mức độ sạt lở ngày càng lớn. Toàn tỉnh có khoảng 60 điểm sạt lở với chiều dài trên 1.100m, làm mất trên 4.300 m2 đất bờ sông, đe dọa đến tính mạng và tài sản hàng trăm hộ dân.
Theo ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, địa bàn huyện Châu Thành là địa phương xảy ra sạt lở nhiều nhất của tỉnh và thường xuyên xảy ra sạt lở dọc bờ sông, bờ kênh với chiều dài hàng chục km.
Cùng với đó, dọc hai bên sông Mái Dầm, vàm kênh Mái Dầm tiếp giáp sông Hậu, kênh Cái Côn, vàm kênh Cái Côn tiếp giáp sông Hậu là khu vực sạt lở nguy hiểm với chiều dài hơn 17km.
Nguyên nhân sạt lở do mực nước dâng cao, cộng thêm vận tốc dòng chảy lớn và xoáy vào đường bờ kênh vốn có địa chất rất yếu, làm mất ổn định lớp đất, tạo hàm ếch lâu ngày gây sạt lở bờ kênh. Cùng với đó, lượng tàu thuyền qua lại trên một số tuyến sông lớn của Hậu Giang đã thường xuyên tạo sóng tác động vào bờ, theo thời gian sẽ bào mòn lớp đất mặt gây ra sạt lở.
Nhất là việc người dân xây dựng lấn chiếm dòng sông, kênh làm biến đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến tuyến đường, bờ cũng là một trong nguyên nhân chính làm sạt lở bờ sông ngày một nghiêm trọng. Trong khi đó, một số công trình kè trước đây chỉ mang tính chất là kè tạm, không xử lý triệt để tầng đất yếu và hiện tượng xói bờ, nên không có tác dụng bảo vệ bờ.
Trước tình trạng này, về lâu dài, Hậu Giang sẽ di dời hơn 800 hộ dân sống cặp sông Mái Dầm, huyện Châu Thành vào sống ổn định khu dân cư để để thí điểm nhân rộng ra toàn tỉnh. Theo đó, đề án di dời dân cấp bách do thiên tai và xây dựng đê bao sông Mái Dầm, huyện Châu Thành, thực hiện trên địa bàn các xã, thị trấn ven sông Mái Dầm, gồm: xã Đông Phước, Phú Hữu, thị trấn Mái Dầm của huyện Châu Thành và xã Tân Long của huyện Phụng Hiệp.
Đề án này tập trung ưu tiên thực hiện trước địa bàn có đoạn đang bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Cùng thời, xây dựng tuyến dân cư vượt lũ; kè bảo vệ cửa sông Mái Dầm; tuyến đê bao dọc hai bên sông Mái Dầm tiếp giáp với sông Hậu.
Các hạng mục chính được đầu tư như tuyến dân cư vượt lũ có chiều dài 2.000m rộng 30m, nằm phía bờ Bắc sông Mái Dầm, bắt đầu từ UBND xã Phú Hữu đến kênh Tư Thu; tuyến kè bảo vệ cửa sông Mái Dầm dài 500m, nằm phía bờ Tây sông Mái Dầm, bắt đầu từ cửa sông đến Trung tâm Y tế thị trấn Mái Dầm; xây dựng tuyến đê bao dọc hai bên bờ sông Mái Dầm dài gần 20km. Tổng nguồn vốn thực hiện đề án gần 345 tỉ đồng.
Ổn định nơi ở mới tốt hơn
Ông Nguyễn Trọng Uyên, Phân viện trưởng Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp cho rằng, đề án di dời dân cấp bách do thiên tai và xây dựng đê bao sông Mái Dầm, huyện Châu Thành là rất cần thiết.
Ngoài các giải pháp về công trình như xây dựng tuyến đê, kè, việc di dời hơn 800 hộ dân vào cụm, tuyến dân cư cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp, sau đó là ổn định việc làm, hỗ trợ sản xuất để nâng cao thu nhập.
Đối với hộ thuộc đối tượng không có hoặc thiếu đất sản xuất cần các giải pháp đào tạo nghề hiệu quả, sinh kế bằng những công việc khác. Đồng thời, thu hút lao động trẻ tuổi có trình độ vào các khu công nghiệp để tạo điều kiện giảm bớt khó khăn khi di dời.
Theo ông Nguyễn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai miền Nam, Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho rằng, cần quan tâm khắc phục những tồn tại trong thời gian vừa qua.
Nhất là về đối tượng di dời vào các khu, tuyến dân cư cần được quan tâm sát sao. Cùng với đó là sinh kế, vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường; các giải pháp ổn định đời sống, tránh trường hợp người dân không có điều kiện sinh sống lại phải đi nơi khác.
Cũng theo ông Nguyễn Hiệp, Hậu Giang cần phải quan tâm đến vị trí di dời, thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp có hiệu quả, cân nhắc diện tích đất cho các hộ dân có thể tự ổn định cuộc sống. Ông Hiệp cũng cho rằng, Hậu Giang cần tiếp tục tham khảo, kêu gọi sự tham gia của các nhà khoa học, các viện, trường trong vùng để có những giải pháp phù hợp, nhìn nhận toàn diện hơn với tình hình thiên tai và có giải pháp đúng đắn hơn.
Bên cạnh đó, cần củng cố lực lượng làm công tác tham mưu về phòng, chống thiên tai, củng cố trang thiết bị, cơ sở vật chất và con người. Quán triệt đến các cấp chính quyền địa phương, cấp cơ sở, thông tin đến người dân về tình hình thiên tai, vận động tạo sức mạnh chung.
Ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, thực hiện di dời dân khỏi vùng sạt lở, các ngành, địa phương quan tâm tuyên truyền để người dân hiểu được sự cần thiết di dời mà tạo sự đồng thuận cao. Hậu Giang luôn lấy quan điểm thực hiện di dời nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân, cũng như đời sống nơi ở mới của người dân được đảm bảo tốt hơn.
“Tỉnh tiếp tục phân tích, đánh giá hiệu quả xã hội, môi trường; đơn vị tư vấn và chính quyền địa phương có điều tra xã hội sơ bộ, khảo sát đánh giá nhu cầu của người dân, các vấn đề liên quan đến sinh kế trước khi thức diện di dời dân khỏi vùng sạt lở”, ông Hùng nhấn mạnh.
Nguồn bài viết : FOOTBALL VIDEOBÓNG