Trong gia đình đã ít đi tiếng cười, lời động viên, cử chỉ quan tâm đến nhau…, khiến cho nguy cơ hôn nhân tan vỡ luôn rình rập. Chính vì vậy mà hiện nay Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội bằng nhiều cách thức đang nâng cao nhận thức của người lao động về giá trị cốt lõi của gia đình - mối quan hệ gần gũi giữa các thành viên.
Thiếu sợi dây liên kết
Thực tế hiện nay, do áp lực công việc, do điều kiện kinh tế, do sự hội nhập nên nhiều gia đình đã không còn cảnh bố mẹ sống chung với con cái đã trưởng thành. Song ngay cả khi con cái sống chung với bố mẹ thì mối quan hệ gia đình cũng lỏng lẻo hơn trước. Bố mẹ, con cái quan tâm đến nhau chỉ qua zalo, facebook…
Một chuyên gia tâm lý cho biết, có cậu thanh niên đưa dòng cảm xúc lên facebook - “Mẹ nhanh khỏi nhé, con thương mẹ nhiều” - đã nhận được nhiều chia sẻ, hỏi thăm, động viên, cho rằng đây là người con hiếu thảo, biết chăm sóc mẹ khi ốm đau. Nhưng thực chất, cậu con trai “hiếu thảo” kia lại là một thanh niên ham chơi, không chịu đi làm, thả câu "thảo mai" nói trên để thỏa mãn nhu cầu “sống ảo”. Trên thực tế cậu con trai đó chưa bao giờ cất lên một lời thân thương với mẹ và cũng chẳng bỏ công sức ra phục vụ chu đáo người mẹ trên giường bệnh.
Hiện, có không ít gia đình giao phó con mình cho người giúp việc. Mỗi sáng dậy đứa con chỉ nhận được “thánh chỉ” của bố mẹ qua vài dòng dặn dò ghi trên tấm bảng, trang giấy xé vội. Có đứa trẻ thổ lộ, mình đơn côi ngay khi đang còn ở chung với cha mẹ, gia đình. Vì thế, trong khi môi trường xã hội phức tạp và đầy cám dỗ mà gia đình thì thiếu không khí ấm áp tin cậy. Mặt khác, xu hướng gia đình một thế hệ cũng đẩy nhiều người già đến cảnh cô đơn trong một thời gian dài trước khi sang “thế giới bên kia”.
Có thể thấy, tư tưởng cá nhân hóa - co lại trong "vỏ ốc" của riêng mình - trong quan hệ gia đình đang phát triển mạnh. Từ bố mẹ, đến con cái đều có “mảnh trời riêng”, người này tôn trọng ý thích của người kia nhưng thực ra đó là sự lạnh lùng, thờ ơ. Có lẽ sự cường điệu hóa vai trò cá nhân khiến cho nhiều gia đình không còn tiếng nói chung, dẫn tới đổ vỡ.
Số liệu từ cơ quan chức năng tại Hà Nội cho thấy, năm 2016 tòa án các cấp của thành phố đã thụ lý 13.357 vụ ly hôn, tăng 1.264 vụ so với năm 2015. Còn từ ngày 1/7/2008 đến ngày 31/7/2018, tòa án các cấp trên toàn quốc đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 1.422.067 vụ án ly hôn, giải quyết 1.384.660 vụ. Số vụ ly hôn cho thấy tính bền vững của gia đình hiện nay tại nước ta đang ở mức đáng lo ngại.
Giá trị cốt lõi của gia đình - mối quan tâm giữa các thành viên
Theo bà Bùi Thị Thanh Giang, Trưởng Ban nữ công (Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội), trước thực trạng gia đình hiện nay, thành phố đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách của Đảng Nhà nước về công tác gia đình và trẻ em.
Cùng với đó, Công đoàn Thủ đô thường xuyên chú trọng đến công tác động viên, khen thưởng những cá nhân biết vươn lên khó khăn, hoàn thành công việc chuyên môn, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, nuôi dạy con cái ngoan, hiếu thảo. Nhờ kết hợp nhiều biện pháp mà ở Hà Nội đã có rất nhiều gia đình vẫn giữ được giá trị cốt lõi, sinh sống êm ấm, hòa thuận, có tới 3 đến 4 thế hệ sinh sống trong cùng một ngôi nhà.
Ở thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ gia đình chị Ngô Thị Kết, giáo viên trường THPT Chương Mỹ A (Hà Nội), nổi tiếng là gia đình nề nếp, gia phong. Theo chị Kết, hiện gia đình chị đang là “tứ đại đồng đường” sinh sống hòa thuận trong một gia đình. Để cân bằng mối quan hệ trong gia đình, trong ấm, ngoài êm thì người phụ nữ phải thực hiện chức năng “máy điều hòa nhiệt độ" cho không khí gia đình luôn dịu mát, yêu thương. Với cương vị người vợ, chị Kết xác định làm hậu phương vững chắc cho chồng nhưng không phải là người phục vụ chồng một cách tuyệt đối. Nhờ đoàn kết, hòa thuận, gia đình chị Kết đã nuôi dạy hai con chăm ngoan học giỏi, yêu lao động.
Với công việc của một Trưởng khoa khám Phụ khoa tự nguyện (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội), chị Nguyễn Thị Bích Thủy luôn bận rộn, với áp lực chuyên môn rất cao. Chồng chị cũng là Trưởng khoa điều trị yêu cầu (Bệnh viện K Trung ương). Hai vợ chồng chị có quy ước, dù bận “trăm công nghìn việc” song luôn dành thời gian hướng về gia đình, về mối quan tâm giữa những người đang sống chung dưới một mái nhà. Chẳng thế mà gia đình nữ bác sỹ Bích Thủy luôn tràn đầy tiếng cười, của sự yêu thương, đồng cảm trong sinh hoạt, nuôi dạy hai con khỏe mạnh, học giỏi. Hiện con lớn của anh chị đã là một viên chức nghề y theo con đường sự nghiệp của bố mẹ. Con gái đang là học sinh lớp 11 ở Trường Chuyên Hà Nội Amsterdam, mang niềm vui về cho gia đình bằng giải Nhất môn sinh học kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố.
Theo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, năm 2019 có gần 70.000 gia đình tiêu biểu được các cấp khen thưởng. Đây là những gia đình đại diện cho hàng triệu gia đình ở Thủ đô đã và đang giữ được giá trị cốt lõi của “tổ ấm”, sự gần gũi giữa các thành viên trong một nhà. Ở đó, mỗi gia đình đều có chung quan điểm về giá trị văn hóa, đạo đức, các thành viên trong gia đình luôn quan tâm chăm sóc, động viên nhau phấn đấu, coi gia đình là nơi an ủi, chở che, bao bọc mỗi thành viên trong cuộc đời...
Liên đoàn Lao động thành phố cho biết, trong thời gian tới, với việc công nghiệp hóa mạnh, phân hóa giàu nghèo thì áp lực công việc thu nhập tiếp tục đè nặng lên mỗi gia đình. Do đó, cơ quan này tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua giỏi việc nước, đảm việc nhà, đưa nội dung gia đình “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc” vào chương trình, kế hoạch để công nhân viên chức lao động, người dân thực hiện với mục đích xây dựng gia đình vững chắc làm nền tảng cho xã hội phát triển bền vững.
Nguồn bài viết : đấu bóng đá