Ở lại Việt Nam đón Tết là cơ hội để người nước ngoài tìm hiểu phong tục bản địa

2025-01-17 20:13:03
Tết cổ truyền ấm áp của cộng đồng người Việt tại Singapore và Canada
Siết chặt biên giới, cửa khẩu, ngăn ngừa dịch bệnh để nhân dân vui Xuân, đón Tết an toàn

Ở lại Việt Nam đón Tết là cơ hội hiểu biết hơn về các phong tục, tập quán

Gặp gỡ Xixayvath (Sinh viên năm 6 ĐH Y Thái Bình), PV có cơ hội được nghe chàng lưu học sinh Lào chia sẻ về những hiểu biết, cảm xúc về đất nước, con người Việt Nam, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán 2021 đang tới gần.

Chàng trai Lào Xixayvath đang là sinh viên năm 6, ĐH Y Thái Bình.

Xixayvath nhìn nhận, hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các hoạt động kinh tế, xã hội tại Việt Nam bị hạn chế. Điều ấy đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, qua các đợt dịch COVID-19 trước bùng phát, bản thân chàng trai này thấy Việt Nam đã rất thành công trong công tác phòng chống phát tán và lây lan của đại dịch.

“Trong đợt COVID-19 tái bùng phát tại Việt Nam này, với sự dẫn dắt của các ban ngành đoàn thể, mình tin rằng các ổ dịch sẽ sớm được kiểm soát. Mình hy vọng với những nỗ lực của đoàn thể nhân dân Việt Nam trong công tác phòng chống dịch COVID-19, toàn thể nhân dân Việt Nam cũng như những lưu học sinh như chúng mình sẽ có một kì nghỉ tết Nguyên Đán an toàn, ấm cúng và tươi vui”, Xixayvath chia sẻ với ánh mắt đầy niềm tin.

Tết Nguyên Đán năm nay, do tình hình dịch COVID-19 còn phức tạp, những lưu học sinh như Xixayvath không có điều kiện để về nước với gia đình như mọi năm. Thay vào đó, theo chia sẻ, họ có cơ hội hiểu biết hơn về các phong tục, tập quán trong ngày tết Nguyên Đán của Việt Nam.

Chàng sinh viên ĐH Y Thái Bình tâm sựu: “Mình dự định sẽ đón giao thừa cùng bạn bè, thăm hỏi và chúc tết anh, chị, em, bạn bè Việt Nam nhân dịp tết Nguyên Đán này. Qua những năm đón Tết ở Việt Nam, em cảm nhận thấy Tết Nguyên Đán của Việt và Tết Bunpimay của Lào đều là dịp lễ lớn nhất trong năm. Trong những ngày này, đi chùa đầu năm trở thành một phong tục không thể thiếu trong văn hóa của hai nước. Người Việt và người Lào cùng chung một mong muốn cho một năm mới những điều may mắn và tốt đẹp sẽ đến”.

Bên cạnh đó, Xixayvath nhận thấy có một số nét văn hóa rất khác nhau giữa hai nước. Chẳng hạn như tết Bunpimay của Lào được diễn ra vào tháng 4 hàng năm, là thời điểm giao giữa mùa khô và mùa mưa. Vào những ngày này thì hoạt động “té nước” là hoạt động chính với mong muốn gội rửa những điều xui xẻo, ưu phiền và bệnh tật gặp phải trong năm cũ và cầu chúc một năm mới sẽ có những điều mát mẻ, tốt lành. Ngoài ra, người Lào cũng có những hoạt động khác trong dịp tết Bunpimay như buộc chỉ cố tay, phóng sinh các loài động vật,...

Xixayvath nhận xét: “Có lẽ bởi thế mà tết Bunpimay của Lào thường diễn ra trong không khí lễ hội. Trong khi đó, Tết Nguyên Đán của Việt Nam diễn ra sớm hơn, thường vào tháng 2 hàng năm. Các hoạt động cụ thể về thờ phụng tổ tiên trở thành một nét đẹp trong phong tục đón tết Nguyên Đán ở Việt Nam”.

“Đây là dịp quan trọng nhất trong một năm để từng gia đình “báo cáo” với tổ tiên kết quả về phúc, lộc đạt được trong năm và thỉnh cầu tổ tiên phù hộ độ trì cho năm mới thịnh vượng hơn. Tết Nguyên Đán cũng là một dịp để mọi người đoàn tụ bên mâm cơm gia đình, cùng ôn lại những chuyện trong năm cũ và hướng đến những điều tốt đẹp trong năm là một truyền thống và cũng là một nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong ngày tết của người Việt”, anh chàng nói tiếp.

Qua tìm hiểu, Xixayvath cho biết, người Việt có nhiều nét đẹp độc đáo trong phong tục đón Tết Nguyên Đán. Chẳng hạn như phong tục đoàn viên, sum họp trong dịp Tết. Ai dù có đi xa đến đâu, có ở trong nước hay ngoài nước thì cứ mỗi dịp Tết đến xuân về cũng cố gắng trở về bên gia đình, để đón Tết cùng với ông bà, cha mẹ, anh em mình.

“Tảo mộ ngày Tết cũng là một trong những phong tục tốt đẹp của người Việt Nam, nhắc nhở con người về tấm lòng hiếu thảo, sự biết ơn đối với tổ tiên. Chúc Tết và lì xì đầu năm cũng là một nét văn hóa nổi bật của người Việt theo mình được biết. Nói đến tết Nguyên Đán Việt Nam còn phải kể đến bánh chưng, hoa mai và hoa đào. Nếu như tết Bunpimay của Lào có hoa Champa và hoa muông vàng và món Lạp là món ăn truyền thống của người Lào thì đối với người Việt, bánh chưng, hoa đào và hoa mai là những thứ không thể thiếu mỗi dịp tết Nguyên Đán”, Xixayvath nói.

Tuy rằng Việt Nam hiện tại đã có những thay đổi đáng kể so với trước đây nhưng bản thân Xixayvath cảm thấy người Việt vẫn giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống rất riêng so với các nước trong khu vực.

Mong dịch bệnh sớm đi qua để thực hiện hành trình đi khắp Việt Nam

Thời gian ở Việt Nam chưa nhiều như cậu bạn lưu học sinh Lào Xixayvath nhưng chị Cristy (Giáo viên tiếng Anh tại TP. Nha Trang, Khánh Hòa) đến từ Philippines cũng đã có những trải nghiệm đáng nhớ ở dải đất hình chữ S.

Chị Cristy đang là giáo viên tiếng Anh tại TP. Nha Trang, Khánh Hòa đến từ Philippines.

Theo chị, vẻ đẹp truyền thống là phải có tính chân thực, giản dị và cách ứng xử tốt. Nói về dịp Tết Nguyên đán 2021 của Việt Nam, chị Cristy mang nhiều trăn trở: “Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của Việt Nam năm nay, gia đình tôi bị mắc kẹt ở lại, không thể về nước do dịch COVID-19 bùng phát. Tôi kỳ vọng rằng những Chính phủ Việt Nam sẽ đảm bảo sự an toàn cho nhân dân bằng cách chủ động và phản ứng nhanh trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo phải đặt sức khỏe của người dân lên hàng đầu. Vì sự phát triển của xã hội, tôi nghĩ rằng mọi người sẽ có đủ lạc quan để đương đầu với những tác động của đại dịch cũng như chấp hành, tuân thủ quy định phòng chống dịch bệnh đã được đưa ra”.

Trước đó, kế hoạch ban đầu của gia đình chị Cristy là đi thăm Vịnh Hạ Long nhưng hiện tại họ không được phép ra khỏi Nha Trang do dịch bệnh bất ngờ quay trở lại. “Có lẽ, tôi sẽ dành cả Tết của mình để ở nhà. Chỉ mong dịch bệnh nhanh chóng qua đi để trong thời gian tới, tôi sẽ thực hiện mong muốn được đi khắp Việt Nam, cụ thể trước tiên là miền Trung”, giọng chị chia sẻ mang nét đượm buồn pha lẫn chút háo hức.

Chị Cristy cảm nhận, vùng biển miền Trung đặc biệt hơn cả so với những miền khác trên đất nước Việt Nam. Những ngọn sóng dập dồn, mạnh mẽ phù hợp với tính cách náo nhiệt của chị cũng như mang lại cho chị năng lượng tích cực để khám phá nhiều điều mới mẻ trong cuộc sống. Ngoài ra, chị Cristy còn ao ước được đặt chân đến những cồn cát mênh mông Quảng Bình mà bấy lâu chỉ được nhìn qua màn ảnh.

Năm nay, gia đình chị Cristy cùng bạn bè sẽ kỷ niệm ngày Tết như những gì người Việt Nam làm. Theo chị, sự khác biệt văn hóa giữa Việt Nam và Philippines là những ngày lễ hội.

“Giống như Giáng sinh, chúng tôi bắt đầu trang trí nhà cửa từ tháng 9 cho đến tháng 12. Tôi biết khoảng thời gian này khá dài nhưng nó đã tồn tại, trở thành thông lệ trong nhiều năm qua ở đất nước tôi. Ở Việt Nam thì có ngày Tết, bắt đầu sớm nhất là vào tháng Giêng và không kéo dài như lễ Giáng sinh ở Philippines”, nữ giáo viên nhận xét.

Ngoài ra, nói đến ẩm thực Viêt, chị Cristy bộc bạch: “Nhiều năm sống ở Việt Nam, tôi cảm thấy các món ăn Việt Nam ngon và tôi đều có thể ăn quen chúng. Ẩm thực Việt có hương vị rất đặc trưng và phong phú. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán hay các ngày lễ tết khác, nhiều món ăn rất độc đáo, đặc trưng, gắn liền với từng dịp cũng là điều khiến tôi có thể ghi nhớ các ngày lễ đó hơn”.

Đối với cô gái Phipippines này, để nhớ và cùng tham gia với người Việt trong những hoạt động lễ hội này không hề đơn giản. Cristy đã mất khá nhiều thời gian và dày công tìm hiểu để hòa nhập với văn hóa người Việt. Qua đó, chị hiểu và yêu mến hơn về đất nước, con người Việt Nam không chỉ là ẩm thực, các ngày lễ mà còn là văn hóa ứng xử, giàu tinh thần tương thân tương ái của người Việt.

Tết cổ truyền ấm áp của cộng đồng người Việt tại Singapore và Canada
Tối 6/2, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore đã tổ chức Tết cộng đồng đón Xuân Tân Sửu với sự tham gia của bà con Việt kiều, cùng tập thể cơ quan đại diện, người Việt đang sinh sống, làm việc và học tập ở nước sở tại.
Đại sứ Daniel J. Kritenbrink: Tết cổ truyền Việt Nam là lúc để sống chậm lại, kết nối những người thân yêu
Ấn tượng về Tết cổ truyền Việt sau 4 năm sống tại Việt Nam của Đại sứ Mỹ Kritenbrink là những truyền thống đẹp đẽ, là thời điểm để mọi người đoàn tụ cùng gia đình, người thân, bạn bè, đối tác, là lúc để lắng, nhìn lại những gì đạt được trong một năm đã qua, suy ngẫm về những dự định sẽ làm trong năm mới.
Đà Nẵng siết chặt các biện pháp phòng chống dịch để người dân yên tâm đón Tết
Các cơ quan đơn vị, địa phương của Đà Nẵng siết chặt việc kiểm tra, kiểm soát những nơi có nguy cơ dễ xảy ra lây nhiễm để chủ động ứng phó với những biến động mới của dịch bệnh.

Nguồn bài viết : XSMB

Top