Cuộc họp có sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà quản lý có kinh nghiệm trong đào tạo tiến sĩ, lãnh đạo các đại học, học viện, trường đại học có đào tạo trình độ tiến sĩ trên toàn quốc.
Ảnh minh họa
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, việc giao tự chủ về đào tạo tiến sĩ khi cơ chế quản trị đại học chưa kịp đổi mới, thiếu sự giám sát và trách nhiệm giải trình của cơ sở đào tạo đã dẫn đến những bất cập. Chất lượng luận án ở một số cơ sở đào tạo không đảm bảo gây bức xúc dư luận xã hội: đề tài nghiên cứu không xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, kết quả nghiên cứu không thể hiện được điểm mới, chất lượng nghiên cứu sinh yếu, cơ sở đào tạo tiến sĩ chưa quản lý chặt chẽ qui trình và chất lượng đào tạo…
Ông Ga nhấn mạnh: “Đặc thù của đào tạo tiến sĩ là phải kết hợp chặt chẽ với nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, với suất đầu tư quá thấp như hiện nay (trung bình khoảng 15 triệu đồng/nghiên cứu sinh/năm) thì nhà trường khó có thể tạo điều kiện cho nghiên cứu sinh được thực hiện nghiên cứu khoa học đáp ứng cầu về chất lượng luận án”.
GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó chủ nhiệm Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề xuất cần siết chặt đầu vào của quá trình đào tạo tiến sĩ, cũng như tăng cường giám sát trong quá trình đào tạo tại cơ sở để đảm bảo chất lượng của tấm bằng tiến sĩ. Việc rà soát, thay đổi hay bổ sung chính sách, quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ phải được ưu tiên hàng đầu và đảm bảo phù hợp với thực tế của Việt Nam.
Đại diện của các trường, cơ sở đào tạo tiến sĩ hàng đầu cả nước cũng đều cho rằng cần phải có những chính sách và biện pháp mạnh hơn trong đào tạo tiến sĩ để nâng cao chất lượng.
Các đại biểu đã thảo luận và thống nhất, quá trình đổi mới quy chế đào tạo tiến sĩ cần thực hiện được 4 vấn đề sau:
1. Trình độ ngoại ngữ đầu vào là yêu cầu bắt buộc đối với NCS. Ngoại ngữ là công cụ để NCS sử dụng trong nghiên cứu, trao đổi học thuật, công bố kết quả. Vì thế NCS buộc phải có trình độ ngoại ngữ nhất định theo yêu cầu của lĩnh vực được đào tạo ngay từ lúc bắt đầu nghiên cứu chứ không phải ở đầu ra.
2. Các cơ sở đào tạo tiến sĩ phải công khai đề tài, điều kiện thực hiện, tập thể hướng dẫn trên trang thông tin điện tử của trường để nghiên cứu sinh nộp đơn đăng ký. Việc tuyển nghiên cứu sinh có thể thực hiện nhiều lần trong năm và do cơ sở đào tạo qui định.
3. Các cơ sở đào tạo cần công bố rõ kinh phí cần thiết để thực hiện đề tài NCS và chỉ rõ nguồn kinh phí: ngân sách nhà nước, kinh phí sự nghiệp nghiên cứu khoa học, đề tài nghiên cứu KHCN các cấp, kinh phí từ doanh nghiệp,…
4. Cơ sở đào tạo tiến sĩ, người hướng dẫn luận án tiến sĩ, người tham gia hội đồng chấm luận án tiến sĩ các cấp cần được qui định cụ thể theo hướng yêu cầu ngày càng cao để đảm bảo chất lượng đào tạo.
Bên cạnh đó, một số vấn đề khác cũng được các đại biểu đề cập như: yêu cầu công bố quốc tế liên quan đến luận án tiến sĩ cần quan tâm đến những ngành đặc thù để có qui định phù hợp, cần công khai luận án NCS trên trang thông tin điện tử của Bộ và của cơ sở đào tạo; có nên duy trì phản biện độc lập như hiện nay hay tìm phương thức đánh giá luận án khác phù hợp hơn…
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến của các đại biểu. Dự thảo quy chế tiến sĩ mới sẽ theo hướng cải cách hành chính, tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo phát huy tính tự chủ và tăng cường trách nhiệm giải trình; công khai, minh bạch thông tin của cơ sở đào tạo, tăng cường nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học… để nâng cao chất lượng đào tạo.
Bộ GD&ĐT mong tiếp tục nhận được ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ sở đào tạo và đơn vị sử dụng lao động để sửa đổi, bổ sung quy chế đào tạo tiến sĩ.
Minh Hà
Nguồn bài viết : IM Thể Thao