Hội nhập quốc tế

Tự do tôn giáo: sức mạnh kết nối và thúc đẩy kinh tế tại Cao Bằng

2024-12-21 12:36:47
Tự do tôn giáo ở Việt Nam qua góc nhìn lễ hội
Cao Bằng: nơi đức tin kết nối cộng đồng

Được tự do sinh hoạt tôn giáo, hỗ trợ thoát nghèo

Mỗi sáng thứ Năm và chiều Chủ nhật hàng tuần, anh Hoàng Văn Sỹ (người Mông, ở xóm Lũng Mủm, xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), một tín đồ Tin lành thuộc Hội thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam lại đến sinh hoạt tôn giáo tại điểm nhóm Chàng Đỉ, xóm Lũng Mủm.

Tại đây, anh Sỹ và các tín đồ không chỉ tham gia các hoạt động tôn giáo như hát thánh ca, cầu nguyện, mà còn lắng nghe những lời giảng dạy kinh thánh từ Trưởng điểm nhóm, giúp họ hướng tới những điều tốt lành trong cuộc sống.

Anh Sỹ kể: không chỉ được tự do sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, gia đình anh còn được Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ để thoát nghèo. Từ một hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những năm 2010-2016 gia đình anh được tạo điều kiện vay vốn Ngân hàng chính sách để mua con giống, thay đổi cơ cấu cây trồng, từ đó kinh tế được cải thiện.

Gia đình anh Hoàng Văn Sỹ (áo xanh) ở xóm Lũng Mủm, xã Thượng Thôn. (Ảnh: Quang Minh)

Cùng với gia đình anh Sỹ, cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Lũng Mủm cũng được tiếp cận nguồn vốn để cải thiện nguồn nước và phát triển kế sinh nhai. Xóm Lũng Mủm có 27 hộ dân tộc Mông, trong đó 14 hộ theo hệ phái Tin lành Hội thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam đang sinh hoạt tại điểm nhóm Chàng Đỉ. Cộng đồng người Mông ở đây luôn đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, không kể có đạo hay không.

Theo anh Lý Văn Sì, Trưởng điểm nhóm Chàng Đỉ, xóm Lũng Mủm, giáo lý cơ bản của Hội thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam là “sống tốt đời đẹp đạo”, bà con đoàn kết phát triển kinh tế - xã hội theo đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Tại xóm Nà Ca, thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng hiện có hai điểm nhóm Tin lành đang hoạt động: điểm nhóm của người Mông do ông Hoàng Văn Sùng làm trưởng nhóm và điểm nhóm của người Dao do ông Chảo Vần Phin làm trưởng nhóm.

Ông Hoàng Văn Sùng cho biết: Do địa hình, đường xá khó khăn, bà con đi lại vất vả nên gia đình tôi chuyển sang nơi khác sinh sống, cho bà con mượn nhà để sinh hoạt. Là trưởng nhóm, tôi sẽ giảng kinh thánh, giải thích cho bà con chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước để bà con không đi lệch hướng với chủ trương, chính sách và được tự do để thể hiện đức tin của mình.

Nhằm tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới tự do sinh hoạt tôn giáo, các cấp chính quyền tỉnh Cao Bằng đã triển khai nhiều biện pháp, việc làm thiết thực, trong đó có mô hình “Điểm nhóm tôn giáo tự quản về an ninh trật tự”. Đây là mô hình được Bộ Công an lựa chọn làm một trong những mô hình tiêu biểu trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đồng thời góp phần bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tại Việt Nam.

Qua nắm bắt tình hình, Công an thị trấn Pác Miầu nhận thấy điểm nhóm Tin lành người Mông tại xóm Nà Ca có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương về quản lý, sinh hoạt tôn giáo. Bà con nhân dân, chức sắc, chức việc và tín đồ tại điểm nhóm Tin lành người Mông hoàn toàn nhất trí, đồng thuận với việc xây dựng mô hình bảo đảm an ninh trật tự tại điểm nhóm.

Vì vậy, ngày 20/6/2024, Ủy ban nhân dân thị trấn Pác Miầu đã ban hành Quyết định thành lập mô hình “Điểm nhóm tôn giáo tự quản về an ninh trật tự” tại xóm Nà Ca, ông Hoàng Văn Sùng, Trưởng điểm nhóm Tin lành người Mông xóm Nà Ca làm Tổ trưởng Ban Chỉ đạo mô hình. Mô hình này không chỉ giúp bảo đảm an ninh trật tự mà còn tạo điều kiện cho các tín đồ tự do thể hiện đức tin của mình trong một môi trường an toàn và ổn định

Nâng cao nhận thức của bà con qua hình ảnh và câu chuyện gần gũi

Trao đổi về chính sách đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện Hà Quảng, ông Phạm Xuân Tùng, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hà Quảng cho biết, chính quyền địa phương hoàn toàn ủng hộ để bà được tin theo, đi theo các tôn giáo phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời, tạo điều kiện cho bà con đăng ký những điểm nhóm sinh hoạt theo trình tự, thủ tục.

Bà con tín đồ sinh hoạt tôn giáo tập trung tại điểm nhóm Tin lành người Mông xóm Nà Ca, thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Quang Minh)

Thực tế, thời gian qua, một số đồng bào dân tộc thiểu số do thiếu hiểu biết, thiếu thông tin đã bị một số tổ chức tôn giáo bất hợp pháp lôi kéo, dụ dỗ.

Theo thống kê của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng, tỉnh có ba tôn giáo là Công giáo, Phật giáo và Tin lành, với 23.500 tín đồ, trong đó Tin lành chiếm tỷ lệ lớn nhất với trên 21.300 tín đồ. Các hoạt động của các tổ chức tôn giáo diễn ra cơ bản ổn định, thuần tuý tôn giáo, tuân thủ pháp luật, đúng theo hiến chương, điều lệ và tôn chỉ mục đích của tổ chức tôn giáo đề ra.

Ông Tùng cho biết, thông qua các cán bộ cơ sở, chính quyền cơ sở và cấp ủy chính quyền địa phương huyện Hà Quảng đã tổ chức rất nhiều các cuộc tuyên truyền, vận động ở các cấp độ khác nhau.

“Chúng tôi sử dụng những biện pháp tuyên truyền đơn giản thông qua hình ảnh và câu chuyện gần gũi. Chúng tôi thường hỏi những người già trong các cộng đồng rằng: Trước đây bác đi lại bằng gì? bác đi bộ hay đi xe? hay trước đây nước sinh hoạt của nhà bác dùng như thế nào? Từ đó, chúng tôi thông tin cho họ về các chính sách của Đảng và Nhà nước giúp xây được bao nhiêu tuyến đường, dựng lên bao nhiêu cột điện… để bà con đi lại dễ hơn; giúp bà con có nước sinh hoạt, nước sản xuất; con em người dân tộc được đi học và miễn học phí trong các trường nội trú, được Nhà nước cấp học bổng và cấp tiền ăn, tiền sách vở; bà con đi bệnh viện được bảo hiểm y tế chi trả… Từ những cuộc nói chuyện này, người dân sẽ tự thông tin với nhau, các cộng đồng thông tin với nhau và nhận thức được đâu là thế lực không thân thiện”, ông Phạm Xuân Tùng nói.

Với chương trình phát triển cán bộ từ chính cộng đồng dân tộc thiểu số, con em đồng bào dân tộc đã được đi học tại các trường nội trú, học lên chuyên nghiệp, đều được đưa vào hoạt động trong các cơ quan Nhà nước từ cấp cơ sở. Và chính những cán bộ này sẽ cùng với gia đình, cùng với những người có uy tín trong cộng đồng thiết lập nên các hoạt động tuyên truyền, vận động, chia sẻ cho người dân những thông tin chính thức của Nhà nước, cũng như huy động người dân tham gia các hoạt động về kinh tế, văn hóa, xã hội. Từ đó, người dân sẽ đoàn kết với chính quyền tại địa bàn dân cư, cũng như ủng hộ các hoạt động lớn của Đảng và Nhà nước.

Những câu chuyện cụ thể từ Cao Bằng minh chứng cho sự nhất quán và hiệu quả của chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chính sách này không chỉ là một quyền hiến định mà còn là một giá trị được bảo vệ và thúc đẩy bởi các chương trình cụ thể của Nhà nước, như các chính sách hỗ trợ kinh tế, cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vào sự quan tâm này, nhiều gia đình đã thoát nghèo và cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, các mô hình an ninh trật tự tự quản tại các điểm nhóm tôn giáo cũng được triển khai, bảo đảm môi trường an toàn cho người dân thực hành tôn giáo. Chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành tín ngưỡng, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, văn minh và đoàn kết.

Hòa Bình: Tôn giáo, tín ngưỡng được quan tâm, chú trọng
Bộ Ngoại giao đề nghị Hoa Kỳ sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo
Top