Doanh nghiệp làm nông: Bò thịt không lời, bò sữa cũng khó sống?

2025-01-17 20:12:57

Cuối tuần trước, tại diễn đàn đầu tư vào nông nghiệp thời TPP, một số doanh nghiệp đầu tư nuôi bò thừa nhận rất khó trả lời câu hỏi liệu ngành bò ở Việt Nam có cạnh tranh nổi khi các dòng thuế trong khối về 0.

Ảnh minh họa

Câu hỏi này trước hết hãy tìm đến Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – HAG). Là doanh nghiệp tiên phong nuôi bò thịt theo cách nhập bò Úc có trọng lượng 200 – 300kg/con sau đó đưa về vỗ béo lên 500 – 700kg/con bán cho các lò mổ. Với cách làm này, từ cuối năm ngoái, HAGL có sản phẩm thịt bò Úc ra thị trường.

Bò thịt không lời?

Ông Võ Ngọc Trường Sơn, tổng giám đốc HAGL từng thừa nhận hạn chế của nông nghiệp Việt Nam là vùng sản xuất manh mún, đất sản xuất rất khó tìm. Trong khi đó, mỗi con bò chăn thả ở Úc “sở hữu” khoảng 1ha đồng cỏ. Từ khi sinh ra, chủ trang trại thả con bò ở đầu này, cứ thế, con bò ăn cỏ đến đầu kia của thửa đất là đạt trọng lượng xuất chuồng. Chi phí cho cách nuôi này là cực kỳ rẻ bởi chủ trại không tốn tiền mua cỏ, không tốn tiền mua thức ăn hỗn hợp.

HAGL phải chi đôla để nhập bò tơ (trọng lượng 200 – 300kg) về vỗ béo. Do đất đai hạn chế nên nguyên liệu chính là cỏ không thể đáp ứng đủ, phải sử dụng thức ăn hỗn hợp. Bò nuôi nhốt của HAGL cần chuồng trại, nhân công nên chi phí cho các khoản này không hề thấp. Vấn đề quan trọng nhất là chi phí vận chuyển. Con bò không như hàng hoá khác, chúng cần được vận chuyển sống, có không gian sinh hoạt nên tiền vận chuyển rất lớn. Một con bò nhập khẩu từ Úc đưa về Việt Nam, theo ông Võ Ngọc Trường Sơn thừa nhận tốn 350 USD cước vận chuyển. Nếu con bò trọng lượng 500kg/con, thì mỗi ký bò hơi tốn 15.000 đồng cước vận chuyển. Cũng theo ông Sơn, để chuyển bò ra các tỉnh phía Bắc, mỗi con tốn thêm 4 triệu đồng, tức 8.000 đồng/kg bò hơi.

HAGL đang nuôi bò Úc ở các tỉnh Tây Nguyên. Để đưa được con bò Úc lên đây phải tốn cước vận chuyển từ Úc về cảng Bình Định (khoảng 15.000 đồng/kg), sau đó chở ngược lên Gia Lai (khoảng 3.000 đồng/kg). Khi nuôi ra bò thịt lại phải chở từ Gia Lai về các tỉnh để giết mổ (khoảng 8.000 đồng). Rõ ràng, riêng chi phí vận chuyển lòng vòng đã “đội” giá thành con bò lên rất nhiều. Với giá bán bò hơi ở mức 65.000 – 75.000 đồng/kg như hiện nay thì không cách nào có lời.

Bò sữa cũng khó sống

Con bò sữa cũng gặp khó. Nguyên bộ trưởng bộ Thương mại Trương Đình Tuyển thẳng thắn đặt câu hỏi cho ngành sữa: TPP khi có hiệu lực sẽ xoá bỏ ngay hàng rào thuế với sữa, và ngay lập tức thuế hầu hết các mặt hàng sữa sẽ về 0. Sữa Hà Lan, Úc, New Zealand sẽ tràn vào Việt Nam. Các doanh nghiệp kinh doanh nuôi bò sữa đã tính đến những yếu tố cần thiết để có thể cạnh tranh được không?

Ông Ngô Minh Hải, phó tổng giám đốc TH True Milk thừa nhận đây là một câu hỏi khó và cho biết dù ngành sữa sẽ phải cạnh tranh quyết liệt, nhưng những cường quốc về sữa cũng có những điểm yếu của họ. Doanh nghiệp Việt sẽ khai thác các điểm hạn chế đó. Điểm yếu mà ông Hải nói đến ở đây cũng là chi phí vận chuyển. Theo ông, nếu vận chuyển sữa bột thì các nước còn có khả năng, nhưng vận chuyển sữa tươi từ Úc, Mỹ, New Zealand sang Việt Nam bán là cả vấn đề lớn.

Úc, Mỹ, New Zealand muốn bán sữa tươi vào Việt Nam họ phải chịu cước vận chuyển sản phẩm. Tuy nhiên, dù gánh cước phí vận chuyển sữa tươi từ nước ngoài về Việt Nam vẫn còn thấp hơn giá thành sản xuất sữa tươi tại Việt Nam. Đại diện Vinamilk thừa nhận nông dân Úc, Mỹ, New Zealand chỉ phải bỏ ra 30 – 33 cen (tương đương hơn 6.000 đồng) để sản xuất ra 1 lít sữa nguyên liệu. Trong khi nông dân Việt Nam và doanh nghiệp phải chi gấp đôi, do họ phải nhập khẩu toàn bộ từ con giống, thiết bị chuồng trại, nguyên liệu thức ăn… Chính vì vậy, yếu tố cước vận chuyển mà ông Ngô Minh Hải nhắc đến không còn là lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt. Cùng lắm, cước vận chuyển 1 lít sữa thành phẩm về Việt Nam cũng chỉ vào khoảng 2.000 đồng.

Bên cạnh yếu tố cước vận chuyển, thời gian bảo quản là yếu tố sống còn. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm “sữa tươi tiệt trùng” được quảng cáo làm từ 100% sữa bò tươi nguyên chất của doanh nghiệp nội cũng có thời gian sử dụng lên đến mấy tháng trời, nên việc “vận chuyển sữa tươi từ Úc, Mỹ, New Zealand sang Việt Nam bán không phải là vấn đề lớn” như doanh nghiệp ngành sữa nghĩ.

Minh Khoa - TGTT

Nguồn bài viết : TK lần xuất hiện

Top