Chuyên đề cơ sở

2025-01-15 20:34:51

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, ngày 21/8, Tân Hoa xã đã đăng tải bài bình luận, với tiêu đề “Thúc đẩy xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam ngày càng sâu sắc và thực chất,” trong đó nhấn mạnh việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chọn Trung Quốc là quốc gia đầu tiên đến thăm sau khi nhậm chức phản ánh tầm cao và tính chất chiến lược của quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.

Bài báo cho rằng việc Việt Nam và Trung Quốc duy trì trao đổi chiến lược mật thiết và tiếp xúc cấp cao sẽ phát huy hơn nữa tình hữu nghị truyền thống, củng cố sự tin cậy lẫn nhau về chính trị, làm sâu sắc thêm hợp tác thực chất và thúc đẩy việc xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai giữa hai nước ngày càng sâu rộng và thực chất. Trung Quốc luôn coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng và Việt Nam luôn coi quan hệ với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình.

Bài báo nhắc lại chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam hồi tháng 12/2023. Khi đó, hai bên cùng tuyên bố xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, mở ra một hành trình và một chương mới trong mối quan hệ giữa hai Đảng và hai nước.

Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Trung Quốc lần này, hai nhà lãnh đạo đã tiến hành hội đàm và đạt được một loạt đồng thuận quan trọng về việc tiếp tục tăng cường xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, định hướng chính trị cho sự phát triển của mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong thời kỳ mới.

Theo bài báo, dưới sự chỉ đạo đồng thuận chiến lược của lãnh đạo cao nhất hai Đảng và hai nước, việc xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam có ý nghĩa chiến lược đã đạt được bước khởi đầu tốt đẹp, hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, du lịch, giao lưu nhân dân... đang được triển khai mạnh mẽ.

Thống kê của phía Trung Quốc cho thấy từ đầu năm đến nay, hợp tác kinh tế, thương mại Trung Quốc-Việt Nam phát triển mạnh mẽ, trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch thương mại song phương đạt 145 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bài viết cho rằng hiện ngày càng nhiều người Việt Nam lựa chọn học tiếng Trung. (Ảnh: Công Tuyên/TTXVN)

Với việc khai trương cửa khẩu quốc tế Long Bang (Trung Quốc)-Trà Lĩnh (Việt Nam), cửa khẩu song phương Động Trung (Trung Quốc)-Hoành Mô (Việt Nam) và một số lối mở lần lượt được đưa vào sử dụng, thương mại biên giới giữa hai nước không ngừng được phát triển.

Theo thống kê, tính đến ngày 18/8, các đoàn tàu Trung-Việt xuất phát từ Quảng Tây đã vận chuyển tổng cộng 7.850 TEU, tăng 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc tăng cường trao đổi kinh tế, thương mại cũng như nâng cấp các cơ sở cửa khẩu xuyên biên giới cũng góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa hai nước đi vào chiều sâu.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong tháng 5/2024, Việt Nam đón 357.000 lượt khách du lịch Trung Quốc, đưa Trung Quốc trở thành nguồn khách du lịch lớn nhất đến Việt Nam. Hiện nay, ngày càng nhiều người Việt Nam học tiếng Trung. Hiện có hơn 10.000 học sinh tiểu học và trung học, hơn 20.000 sinh viên đại học đang học tiếng Trung.

Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc, hai bên đã ký một loạt văn kiện hợp tác song phương giữa Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, kết nối hạ tầng, công nghiệp, tài chính, kiểm tra và kiểm dịch hải quan, y tế, báo chí và truyền thông, hợp tác địa phương, dân sinh...; thể hiện đầy đủ tầm nhìn chung của Trung Quốc và Việt Nam nhằm chia sẻ cơ hội, cùng phát triển và thúc đẩy xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai ngày càng sâu sắc và thực chất.

Bài báo nhấn mạnh Việt Nam và Trung Quốc cần xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai theo phương hướng phát triển “6 hơn”; tích cực thúc đẩy hợp tác trong kết nối sáng kiến “Vành đai và Con đường” với khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai”; đẩy nhanh “kết nối cứng” của đường sắt, đường cao tốc và cơ sở hạ tầng cửa khẩu, tăng cường “kết nối mềm” của hải quan thông minh và cùng hợp tác để tạo ra chuỗi cung ứng và công nghiệp an toàn và ổn định.

Theo Tân Hoa xã, tính đến ngày 18/8/2024, các đoàn tàu Trung-Việt xuất phát từ Quảng Tây đã vận chuyển tổng cộng 7.850 TEU, tăng 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh: Công Tuyên/TTXVN)

Bài báo kết luận năm 2025 đánh dấu kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hướng tới tương lai, hai nước sẽ không quên tình hữu nghị ban đầu, ghi nhớ sứ mệnh chung, kiên định đi theo con đường hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện của mỗi nước, đi theo con đường hữu nghị Việt-Trung do lãnh đạo hai Đảng, hai nước sáng lập; tiếp tục làm sâu sắc và nâng cao quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, cùng xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược; thúc đẩy quan hệ giữa hai Đảng, hai nước lên một tầm cao mới, mang lại lợi ích tốt hơn cho hai nước cũng như nhân dân Việt Nam và Trung Quốc, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới./.

Mốc son mới cho quan hệ láng giềng hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc

Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là lựa chọn chiến lược dựa trên sự phát triển ổn định của quan hệ hai nước, thể hiện lựa chọn chính sách "ngoại giao cây tre" của Việt Nam.

(TTXVN/Vietnam+)
Top