Cùng người Thái vui Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu

2025-01-17 20:12:57

Trong quan niệm người Thái, để có một mùa vụ bội thu, thì sự phù hộ của đất trời, tổ tiên là rất quan trọng. Do vậy, sau mỗi mùa vụ, khi thóc, lúa đã nồng thơm, đầy bồ, cả làng làm lễ cúng cơm mới với ý nguyện bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, trời đất. Lễ hội cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, buôn làng ấm no vui vẻ, vạn vật sinh sôi phát triển. Lễ hội cũng là nơi giao lưu tình cảm của các dân tộc trên địa bàn.

Già làng chuẩn bị đồ lễ cho nghi thức cúng lúa mới

Lễ hội Mừng lúa mới diễn ra trong một ngày khi những cánh đồng lúa của bà con chín vàng óng. Mở đầu là phần lễ, do già làng tiến hành cúng, trình lễ vật dâng lên trời đất, tổ tiên, các vị thần linh. Trong mâm cúng bao giờ cũng có xôi được đồ từ gạo nếp mới gặt và không thể thiếu cá đồ thịt heo quay, rượu cần và các sản vật nông nghiệp khác.

Điều đặc biệt, nét đẹp mang đậm tính nhân văn trong Lễ hội Mừng lúa mới của người Thái thể hiện qua bài khấn kể về quá trình sinh trời, sinh đất, con người vật lộn với thiên nhiên, khai phá đất đá làm nên đồng, nên ruộng để con cháu lao động sản xuất làm ra hạt lúa, hạt gạo nay dâng lên tổ tiên bên nội, bên ngoại về hưởng lộc.

Phụ nữ Thái xúng xính trong điệu múa sạp

Bài khấn có đoạn: “Lúa gạo đã đến, thịt cá đã có, mời ông bà, tổ tiên về xơi trầu, ăn cơm mới. Tay trái vê nắm cơm dẻo, tay phải cầm đũa gắp đồ ăn con cháu trồng ở đầu ruộng, đầu mương, trồng ở đầu bản. Có chén rượu ngon kèm mâm cơm, mời ông bà về hưởng phúc lộc để xum vầy cùng con cháu và ban phúc cho con cháu mạnh khỏe, đi rừng, đi suối an toàn, gặp nhiều may mắn, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển...”

Khi phần lễ hoàn tất, dân làng bắt đầu bước vào phần hội. Lúc này có nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc cũng như những trò chơi dân gian độc đáo: hoà tấu cồng chiêng, múa xòe, nhảy sạp, ném còn, bắn nỏ, thi đấu các môn thể thao. Trong lễ hội, người Thái không quên rượu và thịt heo quay lá móc mật.

Nghi thức giã gạo trong lễ hội của người Thái

Theo ông Lô Văn Dậu, Trưởng buôn Thái, Lễ hội Mừng lúa mới tồn tại trong văn hóa của người Thái từ rất lâu đời, được bà con dân tộc Thái ở các huyện phía Tây của tỉnh Nghệ An mang theo trong hành trình di cư lập nghiệp vào Tây Nguyên. Trước đây Lễ hội Mừng lúa mới là nghi lễ gia đình rất tốn kém. Sau đó, cả làng thống nhất làm lễ chung, các hộ góp lễ tập trung tại nhà cộng đồng của buôn để tổ chức. Đây là dịp để các gia đình khoe tài làm rượu cần, cơm lam, thịt nướng… để cộng đồng chung vui.

Từ năm 2013, Lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Thái đã trở thành một trong 5 lễ hội chính được tổ chức thường niên của huyện Cư M’gar.

Nam Yên

Nguồn bài viết : FTG Điện Tử

Top